| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội bàn cách giải phóng lưng cho nông dân mỗi vụ cấy

Thứ Năm 14/11/2019 , 09:13 (GMT+7)

Thành phố Hà Nội tuy là trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của cả nước nhưng diện tích đất trồng lúa lại rộng tới 102.500 ha là một trong những tỉnh thành có diện tích đất trồng lúa lớn ở Miền Bắc…

16-40-07_dsc_8909
Máy cấy xuống đồng.

Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội trong những năm gần đây đã đạt được thành tựu khá nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác. Thành phố đã hình thành nhiều vùng lúa hàng hóa chất lượng cao. Đưa cơ giới hóa vào sản xuất được xác định là khâu đột phá tuy nhiên hiện nay với cây lúa Hà Nội mới tập trung chủ yếu khâu làm đất, chiếm trên 95% diện tích; khâu thu hoạch chiếm trên 80%; còn khâu gieo cấy mới áp dụng được 3% diện tích. Điều đó đồng nghĩa với 97% vẫn phải còng lưng mỗi vụ cấy, rất nặng nhọc.

Trong khi đó lực lượng lao động chính trong nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành nghề khác như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nên vào thời vụ sản xuất lúa thiếu hụt lực lượng lao động, giá thuê nhân công cao, gấp 1,5 – 2 lần so với lúc nông nhàn. Vì vậy, hiệu quả trong sản xuất lúa vẫn còn thấp, nhiều nơi nông dân không mặn mà với nghề trồng lúa, bỏ ruộng hoang để đi làm việc khác đem lại thu nhập cao hơn.

Nông nghiệp Hà Nội sau dồn điền đổi thửa vẫn chủ yếu là nông hộ quy mô nhỏ, tính hợp tác, sản xuất hàng hóa chưa được quan tâm nhiều nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại máy có công suất lớn. Trong khi chính sách của Thành phố đã ban hành nhưng mức hỗ trợ còn thấp không khuyến khích được nông dân mua máy tốt, máy có công suất lớn (ví dụ chi phí đầu tư mua máy cấy 6 hàng trị giá 365 triệu đồng, nhà nước chỉ hỗ trợ 75 triệu đồng...).

Qua các năm thực hiện mô hình hỗ trợ mạ khay, cấy máy Trung tâm Khuyến nông đã rút ra một số bài học: Một là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, thăm quan học tập để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, nông dân chủ chốt ở cơ sở.

Hai là cần tăng cường công tác tập huấn đào tạo chuyên môn về vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa máy thiết bị nông nghiệp cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề ở các cơ sở.

Ba là đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất, quy hoạch lại đồng ruộng thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng, để thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Bốn là các cấp ủy Đảng, Chính quyền phải coi phát triển cơ giới hóa là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, kinh nghiệm cho thấy ở đâu các cấp ủy Đảng, Chính quyền quan tâm, xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ thì ở đó cơ giới hóa phát triển. Năm là Thành phố cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ làm dịch vụ cơ giới hóa. Ban hành chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển một linh hoạt, tăng mức hỗ trợ trực tiếp để khuyến khích người dân mua máy tốt.

Để giải phóng cho những cái lưng của nông dân mỗi vụ cấy, đơn vị này đề xuất các chính sách mang tính “mồi” như tiếp tục hỗ trợ, giống, vật tư, máy cấy, dây truyền gieo mạ khay…Hỗ trợ hình thành mỗi huyện từ 1 – 2 trung tâm sản xuất mạ khay, là điểm tham quan học tập cho các địa phương lân cận. Tăng mức hỗ trợ để khuyến khích người dân mua máy có công suất lớn, máy tốt (hỗ trợ 50%, tối đa không quá 150 triệu đồng/máy). Tạo điều kiện cho các HTX vay vốn để mua máy. Tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị về kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy, thiết bị nông nghiệp nói chung, máy cấy, dây chuyền gieo mạ khay nói riêng.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân thấy được hiệu quả từ việc đưa cơ giới hóa khâu gieo cấy. Ủy ban Nhân dân các huyện chỉ đạo UBND các xã tạo điều kiện bố trí mặt bằng cho các HTX Nông nghiệp phát triển sản xuất mạ khay; có cơ chế chính sách riêng của từng huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất mạ khay để mở rộng được diện tích lúa cấy bằng máy.

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.