Ghi nhận tại vùng chuyên canh rau thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (Hoài Đức), đợt mưa lớn kéo dài (ảnh hưởng của bão số 7), cộng với hệ thống mương thoát nước bị ách tắc dẫn tới tình trạng một số diện tích rau màu của bà con bị ngập.
Ông Nguyễn Hữu Hòa (thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên) cho biết, gia đình ông cùng nhiều bà con ở đây vừa phải gieo trồng lại nhiều diện tích rau mới bị ngập do các đợt mưa lớn vừa qua.
“Hệ thống mương thoát nước xuống Sông Đáy quá bé, không tiêu được nước nhanh nên các đợt mưa lớn vừa qua, đã xảy ra tình trạng rau bị ngập, khi nước rút được hết lại gặp thời tiết nắng lên, nên rau bị dập nát, thối rễ phải nhổ bỏ và gieo trồng lại” - ông Hòa cho biết.
Định hướng phát triển trồng rau an toàn, nhất là rau trong nhà lưới đang là hướng đi cũng như mong mỏi của đa số người dân trồng rau vì vừa giảm thiểu được sâu bệnh, vừa hạn chế được những tác động tiêu cực từ thời tiết.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư lớn, trong khi giá rau bấp bênh, hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu chưa đảm bảo... đang khiến các vùng trồng rau ngoại thành Hà Nội gặp nhiều khó khăn.
Cùng tình trạng như gia đình ông Hòa, gia đình chị Kiều Thị Oanh xóm 3, thôn Tiền Lệ hiện có 5 sào trồng rau cũng vừa phải gieo lại do úng ngập. Theo chị Oanh, mưa lớn kết thúc, trời lại nắng lên, trong khi rau không được che chắn, nên rau bị dập nát, thối rễ, phải trồng lại. Mưa nhiều cũng làm cho bề mặt đất bị nén lại, rau gieo xuống sẽ rất khó lên nên phải tưới nước để tạo độ tơi xốp cho đất, nếu không rau dễ bị nấm và thối.
Theo ghi nhận, người nông dân thôn Tiền Lệ lựa chọn các giống rau ngắn ngày trồng chủ lực như cải ngọt, cải ngồng, cải mơ, mồng tơi, rau dền…. Đây là những giống rau có thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh cho thu hoạch, tuy nhiên nếu gặp thời tiết mưa nhiều rau dễ bị thối rễ, hoặc sinh trưởng chậm.
Tại vùng trồng rau xã Song Phương, tình trạng mương thủy lợi không được nạo vét, tiêu thoát kém cũng khiến rau bị úng ngập do các đợt mưa vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Mười, thôn 5, xã Song Phương cho biết: Do mưa lớn vừa qua nên toàn bộ diện tích rau xà lách con mới gieo bị chết, phải gieo lại. Một số diện tích rau xà lách gieo được 1- 2 tháng cũng bị héo và chết rễ nên chậm phát triển.
Các trà rau xà lách gieo giữa tháng 8, dự kiến tới đầu tháng 10 có thể thu hoạch, tuy nhiên do ảnh hưởng của đợt mưa kéo dài nên rau bị ngập úng, mặc dù không phải gieo trồng lại nhưng phải mất rất nhiều công chăm sóc rau vẫn chậm phát triển, dự kiến phải 20-25 ngày nữa mới được thu hoạch. Một số diện tích bắp cải cũng bị “ốm” do mưa ngập khiến rau chết rễ, chậm cho thu hoạch 15-20 ngày so với thời gian dự kiến ban đầu...
Theo phản ánh của nông dân trồng rau xã Song Phương, nguyên nhân dẫn tới tính trạng các ruộng rau bị ngập do mưa thời gian qua nguyên nhân chính là do hệ thống kênh, mương phục vụ tưới tiêu không được nạo vét nên không kịp tiêu nước trong thời gian ngắn khi có mưa lớn.
Hiện nay, việc quản lý, nạo vét kênh mương do các công ty Thủy nông đảm nhiệm. Các HTX không còn thu tiền dịch vụ, và không đảm nhận việc nạo vét, khơi thông kênh mương hàng năm. Vì vậy mới dẫn tới tình trạng mương thoát nước bị bùn đất che lấp không thể dẫn nước ra, vào đồng ruộng để phục vụ tưới tiêu, gây ngập úng khi có mưa.
“Nông dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị phải giao việc nạo vét kênh mương cho các HTX, đảm bảo tưới tiêu, nhưng vẫn chưa được xử lí” – nông dân Nguyễn Văn Mười cho biết thêm.
Đợt mưa kéo dài thời gian qua khiến việc gieo trồng và chăm sóc rau tại các vùng chuyên canh rau bị ảnh hưởng nên lượng cung về rau đang giảm, nên giá các loại rau đang ở mức tương đối cao.
Theo ghi nhận tại các vùng trồng rau lớn ở Hà Nội, giá thương lái thu mua một số loại rau ăn lá như cải ngồng hiện có giá từ 12-13 nghìn/kg, mồng tơi giá từ 11-12 nghìn/kg, rau dền 10-11 nghìn/kg…
Chị An Thị Tuyên, phụ trách thu mua rau của Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và Dịch vụ Liên Anh (huyện Hoài Đức) cho biết: Hiện giá rau đang giữ ở mức cao do nguồn cung hạn chế. Một số loại rau đang ở mức giá cao như cải ngọt 15.000 đ/kg, cải mơ 16.000 đ/kg, rau muống 9.000 đ/kg... và đang có xu hướng tăng cao.