| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội: Tránh lãng phí, quận Tây Hồ không tổ chức lễ gắn biển tên phố tác giả Quốc huy

Thứ Năm 04/04/2019 , 10:31 (GMT+7)

Trả lời PV báo NNVN, ông Phạm Xuân Tài – Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) khẳng định địa phương không tổ chức lễ gắn biển đường phố mang tên họa sĩ Bùi Trang Chước – tác giả Quốc huy Việt Nam để tránh lãng phí.

Phố Bùi Trang Chước tại quận Tây Hồ, TP. Hà Nội

Ngày 5/12/2018, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua việc đặt tên họa sĩ Bùi Trang Chước, tác giả Quốc huy Việt Nam cho một tuyến phố Thủ đô. Phố Bùi Trang Chước dài 470m, bắt đầu từ ngã ba giao phố Phú Xá tại sân chơi tổ dân phố số 9 Phú Thượng đến ngã ba giao cắt phố Phú Gia tại trường THCS Phú Thượng, thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội.

Tiếp đó, ngày 24/12/2018, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký quyết định số 6920/QĐ-UBND về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn, trong đó có phố Bùi Trang Chước.

Thực hiện quyết định này, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội đã tiến hành gắn biển tên phố Bùi Trang Chước vào đầu năm 2019. Nhưng từ đó đến nay, gần 3 tháng, nhiều văn nghệ sĩ, học trò và người thân của tác giả Quốc huy mong đợi vẫn chưa thấy quận Tây Hồ tổ chức lễ gắn biển phố Bùi Trang Chước.

Trao đổi với PV, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao thành phố Hà Nội cho biết: Theo khoản 2, điều 2, quyết định số 6920/QĐ-UBND, đã phân cấp trách nhiệm, UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng và đơn vị liên quan thực hiện phân định ranh giới, gắn biển tên đường, phố.

Còn ông Phạm Xuân Tài – Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) khẳng định địa phương không tổ chức lễ gắn biển đường phố mang tên họa sĩ Bùi Trang Chước – tác giả Quốc huy Việt Nam để tránh lãng phí.

“Chúng tôi giao cho phường Phú Thượng thực hiện và họ làm đơn giản lắm chứ không làm lễ lớn như một số nơi khác đâu để tránh lãng phí”, ông Tài nói.

Bình luận về ý kiến này của lãnh đạo quận Tây Hồ, ông Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Tôi cho rằng cách nói như vậy không thuyết phục. Đúng là bây giờ tài chính công phải chặt chẽ nhưng việc tổ chức lễ gắn biển tên đường phố có thể huy động nguồn kinh phí xã hội hóa rất dễ. Thậm chí ngay gia đình hoặc dòng tộc của các danh nhân được đặt tên đường hoàn toàn có thể đóng góp được. Vả lại, thủ tục cho lễ gắn biển tên đường phố đối với các danh nhân có gì to tát và rườm rà, lãng phí đâu. Ban tổ chức hoàn toàn có thể làm được hết sức giản tiện mà vẫn vô cùng trang trọng, chứ không cần màu mè, hình thức”.

Theo ông Dương Trung Quốc, lễ gắn biển tên phố Bùi Trang Chước – tác giả Quốc huy Việt Nam – là điều nên làm và phải làm với sự có mặt của các cơ quan có trách nhiệm như Quốc hội, Chính phủ, chính quyền cùng người dân địa phương, và thân nhân của họa sĩ Bùi Trang Chước.

“Việc tổ chức lễ gắn biển tên phố Bùi Trang Chước là điều có lợi đối với chính quyền địa phương quận Tây Hồ. Tôi tin rằng không một cơ quan truyền thông báo chí nào lại đi phê phán đó là lãng phí. Hơn nữa, các quận, huyện khác người ta tổ chức được thì tại sao quận Tây Hồ lại không tổ chức? Nếu quận Tây Hồ không tổ chức lễ gắn biển tên phố Bùi Trang Chước thì sẽ gây thắc mắc không cần thiết trong xã hội, nhất là đối với gia đình”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, tổ chức lễ gắn biển tên phố tác giả Quốc huy Việt Nam sẽ được nhiều người tham dự vì lòng yêu mến. Ngày 14/3 vừa qua, quận Nam Từ Liêm tổ chức lễ gắn tên phố Hoàng Trọng Mậu, phố Trịnh Văn Bô rất trang trọng. Trước đó, ngày 26/1/2019, UBND quận Cầu giấy cũng đã tổ chức lễ gắn biển tên các đường phố Khúc Thừa Dụ, Tú Mỡ và Nguyễn Quốc Trị.

“Tổ chức lễ gắn biển tên đường phố sẽ giúp người dân ý thức thêm đối với truyền thống lịch sử, biết ơn những người có công đối với đất nước. Tiết kiệm về nguyên tắc là cần thiết nhưng trong việc này dễ khiến dư luận xã hội hiểu sai đi”, nhà sử học bày tỏ.

Chẳng nên vì lý do gì mà không làm lễ gắn tên

Sự "trở lại" của họa sĩ Bùi Trang Chước với tư cách là người vẽ mẫu Quốc huy VN, rất đáng trân trọng. Có được kết quả này, trước hết cần ghi nhận tác động tích cực từ dư luận báo chí, những người làm báo và các nhà nghiên cứu. Một khi Nhà nước đã chính thức đồng tình đặt tên đường, chẳng nên vì lý do gì mà không làm lễ gắn tên. Vì tiết kiệm? Vì tránh lãng phí? Theo tôi cách nói ấy với lý do ấy không thuyết phục.

Sự tôn vinh con dân ưu tú đã có đóng góp cho cộng đồng thì một buổi lễ tổ chức chỉ đem lại sự đồng thuận rộng rãi. Hơn nữa, qua đó, còn là dịp truyên truyền, giáo dục rất có ý nghĩa chính trị về sự ra đời của Quốc huy VN. Hơn bao giờ hết, giới trẻ hôm nay cần phải biết đến công việc của cha ông - cụ thể là qua lễ gắn tên đường của nhiều nhân vật, trong đó có họa sĩ Bùi Trang Chước.

(Nhà văn Lê Minh Quốc)

 

Xem thêm
Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu bài viết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu năm mới 2025, cùng mong muốn đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Xuất khẩu gạo lập kỳ tích vượt 9 triệu tấn và 5 tỷ USD

Xuất khẩu gạo gây ấn tượng mạnh mẽ cả về lượng và kim ngạch trong năm 2024 khi thiết lập những cột mốc lịch sử cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

'Làng Nủ hạnh phúc'

Đó sẽ là tên gọi mới của ngôi làng mà 3 tháng trước từng là tâm điểm tang thương trong trận lũ quét lịch sử xảy ra tại Làng Nủ (huyện Bảo Yên, Lào Cai).