| Hotline: 0983.970.780

Hạ tầng cảng cá: Bài học Bình Định

Thứ Hai 04/03/2024 , 15:36 (GMT+7)

Để đảm bảo công tác giám sát thủy sản, thực hiện các giải pháp cấp bách gỡ 'thẻ vàng' IUU, Bình Định nỗ lực đầu tư, nâng cấp các cảng cá trên địa bàn.

Cảng cá Quy Nhơn có tổng sản lượng thủy sản lên cảng ước đạt 37.000 tấn/năm. Ảnh: V.Đ.T.

Cảng cá Quy Nhơn có tổng sản lượng thủy sản lên cảng ước đạt 37.000 tấn/năm. Ảnh: V.Đ.T.

Cảng cá quá tải

Bình Định hiện có 5.954 tàu cá đánh bắt thủy sản trên biển, để phục vụ cho lực lượng tàu cá nói trên, địa phương này hiện có 3 cảng cá loại II được công bố theo quy định, gồm: Cảng cá Quy Nhơn (thành phố Quy Nhơn), Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) và Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn).

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, Cảng cá Quy Nhơn được đầu tư xây dựng mở rộng, hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2012, được Bộ NN-PTNT công bố là cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác vào năm 2020. Tổng diện tích vùng nước cảng Cảng cá Quy Nhơn là 20,6ha, độ sâu luồng vào cảng 7m, diện tích vùng đất cảng 3,5ha. Cảng cá Quy Nhơn hiện đã cơ giới hóa việc bốc dỡ hàng hóa trên 70%, số lượt tàu cá qua cảng trung bình 10.000 lượt/năm, năng lực bốc dỡ hàng hóa 40.000 tấn/năm, tổng sản lượng thủy sản lên cảng ước đạt 37.000 tấn/năm.

Cảng cá Đề Gi được đầu tư xây dựng mở rộng, hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2014, được Bộ NN-PTNT công bố là cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản vào năm 2020. Cảng cá Đề Gi có tổng diện tích vùng nước cảng trên 10ha, độ sâu luồng vào cảng 5m, diện tích đất cảng 2,5ha. Hiện cảng này đã cơ giới hóa việc bốc dỡ hàng hóa trên 70%, số lượt tàu cá qua cảng trung bình 7.300 lượt/năm, năng lực bốc dỡ hàng hóa 20.000 tấn/năm, tổng sản lượng thủy sản lên cảng ước đạt 15.000 tấn/năm.

Cảng cá Tam Quan được Bộ NN-PTNT công bố là cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác vào năm 2021; có tổng diện tích vùng nước cảng là 10ha, độ sâu luồng vào cảng 5m, diện tích đất cảng 3,8ha, số lượt tàu cá qua cảng 20.000 lượt/năm, năng lực bốc dỡ hàng hóa 40.000 tấn/năm, tổng sản lượng thủy sản lên cảng ước đạt  20.000 tấn/năm.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cơ sở hạ tầng nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá tại Bình Định tuy đã được đầu tư, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản. Đặc biệt, các khu neo đậu tàu thuyền hiện nay đã quá tải, thiếu nguồn vốn đầu tư, xây dựng. Do đó, địa phương rất cần sự hỗ trợ của Trung ương để nâng cấp hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu cho tàu cá của ngư dân trong tỉnh và trong khu vực.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng tại Tam Quan. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng tại Tam Quan. Ảnh: V.Đ.T.

“Hiện Bình Định 5.954 tàu cá, nhưng sức chứa của các khu neo đậu chỉ đủ đáp ứng được cho 5.300 tàu, đó là chưa tính có khoảng 200-300 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vào neo đậu. Khu neo đậu Đầm Đề Gi dù cửa biển đã được xây dựng kè chắn sóng, ngăn cát tại cửa biển với chiều dài 400m, nhưng khu vực đầu kè chắn sóng hàng năm vẫn bị cát bồi lấp gây khó không ít cho tàu thuyền ra vào. Còn khu neo đậu Tam Quan hiện đã quá tải, mặc dù hàng năm chính quyền địa phương đã triển khai nạo vét, khơi thông luồng, nhưng chỉ đó chỉ là giải pháp “chữa cháy”, không bền vững”, ông Nghĩa trình bày.

Nỗ lực đầu tư nâng cấp hạ tầng

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, với chủ trương đầu tư các công trình thủy lợi, thủy sản đăng ký sử dụng nguồn vốn của Bộ NN-PTNT giai đoạn 2021-2025, trong thời gian tới đây, Bình Định sẽ thực hiện dự án khu neo đậu tránh trú bão tàu cá kết hợp cảng cá Tam Quan, đây là dự án ưu tiên 1 thuộc lĩnh vực thủy sản. Dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án là 472 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ 90% (tương đương 425 tỷ đồng), vốn ngân sách tỉnh Bình Định 10% (tương đương 47 tỷ đồng). Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng tại Tam Quan theo Quyết định 592/QĐ-TTg ngày 30/5/2023.

Bên cạnh đó, Bình Định có định hướng trong thời gian tới đây sẽ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các cảng cá để đạt tiêu chuẩn cảng cá loại I, đồng thời hình thành 11 khu dịch vụ hậu cần đáp ứng nhu cầu tàu thuyền khai thác, nhất là mùa mưa bão tàu thuyền vào tránh trú. Bình Định xác định đó là tiền đề để phát triển kinh tế biển của tỉnh, cũng là để đáp ứng yêu cầu của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm khắc phục “thẻ vàng” IUU.

Hạ tầng nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá tại Bình Định tuy đã được đầu tư nhưng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản. Ảnh: V.Đ.T.

Hạ tầng nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá tại Bình Định tuy đã được đầu tư nhưng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản. Ảnh: V.Đ.T.

Song song, Bình Định cũng sẽ cải tạo, mở rộng khu vực neo đậu đạt cấp vùng, hình thành khu neo đậu có sức chứa trên 2.000 tàu có công suất từ 400 -1.000CV vào tránh trú bão, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của ngư dân trong tỉnh và trong khu vực trong mùa mưa bão. Kết hợp phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ tàu cá vươn khơi đánh bắt, giúp ngư dân an tâm sản xuất, đồng thời nâng cao năng lực giám sát và hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho ngư dân.

Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đầm Đề Gi kết hợp Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) là ưu tiên thứ 2 thuộc lĩnh vực thủy sản được thực hiện tại Bình Định. Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến là 450 tỷ đồng; trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 90% (tương đương 405 tỷ đồng), vốn ngân sách tỉnh 10% (tương đương 45 tỷ đồng).

Theo ông Phúc, hiện Bộ NN-PTNT đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khu neo đậu tránh trú bão đầm Đề Gi theo Quyết định số 3211/QĐ-BNN-KH ngày 20/7/2021 với quy mô đầu tư khu neo đậu tránh trú bão cho khoảng 2.000 chiếc có công suất 300CV. Các hạng mục đầu tư gồm: Sửa chữa, nâng cấp đê chắn sóng, chắn cát phía Nam luồng chạy tàu. Nạo vét luồng chạy tàu với chiều dài dự kiến 4,7km và khu neo đậu có diện tích khoảng 57 ha với tổng mức đầu tư dự kiến là 320 tỷ đồng; trong đó, vốn Ngân sách Trung ương đầu tư qua Bộ NN-PTNT là 300 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Bình Định 20 tỷ đồng thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng.

“Hiện nay, Ban Quản lý Dự án NN-PTNT Bình Định đang triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công”, ông Trần Văn Phúc cho hay.

Luồng vào cửa biển Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) thường xuyên bị bồi lấp. Ảnh: V.Đ.T.

Luồng vào cửa biển Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) thường xuyên bị bồi lấp. Ảnh: V.Đ.T.

Cảng cá thiếu trầm trọng nhân lực

Tương lai, hệ thống cảng cá trong tỉnh Bình Định sẽ được đầu tư hạ tầng đồng bộ, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề cá, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và phòng chống thiên tai trên địa bàn. Đây cũng là giải pháp đảm bảo công tác giám sát sản lượng thủy sản tại các cảng cá nhằm đáp ứng yêu cầu của EC trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU.

Tuy nhiên, dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá còn thiếu hụt trầm trọng, còn phải phụ thuộc vào các bến cá tư nhân tại Cảng cá Tam Quan còn là nỗi nhức nhối của ngành chức năng và chính quyền tỉnh Bình Định.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, do thực trạng trên, việc giám sát sản lượng tàu cá lên bến tại các cảng cá ở tỉnh này còn nhiều khó khăn. Trong khi theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT, các cảng cá được chỉ định phải giám sát 100% tàu cá cập bến bán sản phẩm, do đó đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn. Tuy nhiên, cảng cá là đơn vị sự nghiệp, cơ chế tự thu, tự chi nên không đủ kinh phí để hợp đồng thuê lao động thực hiện.

Giám sát thủy sản đánh bắt tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Giám sát thủy sản đánh bắt tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nghĩa nêu khó khăn của Ban Quản lý Cảng cá Bình Định làm ví dụ: "Ban Quản lý Cảng cá Bình Định là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, trực thuộc Sở NN-PTNT, tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động. Đơn vị này có 46 cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ quản lý Cảng cá Quy Nhơn, Cảng cá Đề Gi, bến cá Tân Phụng, bến cá Nhơn Lý; số nhân lực kể trên như “muối bỏ biển” so với khối lượng công việc phải thực hiện.

Ban Quản lý Cảng cá Tam Quan là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, trực thuộc UBND thị xã Hoài Nhơn, tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động, tổng số cán bộ, nhân viên 17 người. Thời điểm cao điểm, khoảng từ ngày 8 đến ngày 15 âm lịch hằng tháng, lực lượng giám sát sản lượng tại cảng chưa đảm bảo theo quy định”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ.

“Để đảm bảo cho các cảng cá giám sát sản lượng thủy sản 100% tàu cập cảng và xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cảng cá phải bố trí nguồn nhân lực lớn để tổ chức thực hiện. Do vậy, ngành chức năng đề xuất đặt hàng dịch vụ công giám sát sản lượng tàu cập cảng tại các cảng cá để các Ban Quản lý cảng cá có kinh phí triển khai thực hiện”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.