| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh phấn đấu đạt gần 13.000ha cây vụ đông

Thứ Sáu 30/08/2024 , 14:50 (GMT+7)

Vụ đông 2024, Hà Tĩnh sẽ linh hoạt trong chỉ đạo điều hành nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai, phấn đấu sản xuất phủ kín diện tích đất màu, đất vườn.

Vụ đông năm 2024, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, mưa lớn ở Hà Tĩnh tập trung chính vào nửa cuối tháng 9 đến nửa đầu tháng 11/2024. Hiện tượng rét đậm, rét hại diện rộng ở Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 1/2025. Như vậy, vụ đông 2024 khả năng chịu ảnh hưởng của mưa lũ đầu vụ và rét đậm, rét hại giai đoạn cuối vụ.

Vì vậy, cần chủ động, linh hoạt trong bố trí thời vụ và cơ cấu cây trồng để né thiên tai, hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn, hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các loại cây trồng, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo nguồn thức ăn, phòng chống đói rét cho vật nuôi trong mùa đông.

Hà Tĩnh phát triển khá tốt sản xuất vụ đông trên đất cát ở một số địa phương ven biển. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hà Tĩnh phát triển khá tốt sản xuất vụ đông trên đất cát ở một số địa phương ven biển. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Theo đó, Hà Tĩnh phấn đấu tổng diện tích gieo trồng các loại cây ngắn ngày vụ đông 2024 đạt 12.603ha, cây lâu năm 390ha. Trong đó ngô lấy hạt 4.851ha, năng suất 42,88 tạ/ha; sản lượng 20.799 tấn; ngô sinh khối 1.443ha, năng suất 32,2 tấn/ha, sản lượng 46.410 tấn; rau các loại 4.907ha, năng suất 68,50 tạ/ha, sản lượng 33.611 tấn; cây khoai lang 1.402ha, năng suất 66,08 tạ/ha, sản lượng 9.261 tấn. Ngoài ra, phấn đấu tổng diện tích trồng dứa năm 2024 đạt 400ha, trồng mới khoảng 60ha cam, bưởi.

Tại hội nghị triển khai đề án sản xuất vụ đông năm 2024 ngày 29/8, ông Nguyễn Quang Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh yêu cầu huy động tối đa nguồn lực sản xuất, phấn đấu sản xuất phủ kín diện tích đất màu, đất vườn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở những vùng có điều kiện thoát nước tốt để mở rộng tối đa diện tích, tăng hệ số sử dụng đất. 

Hà Tĩnh khuyến khích đẩy mạnh sản xuất ngô vụ đông phục vụ thức ăn cho chăn nuôi. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hà Tĩnh khuyến khích đẩy mạnh sản xuất ngô vụ đông phục vụ thức ăn cho chăn nuôi. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Đối với ngô sinh khối và ngô lấy hạt, gieo trồng tập trung tại Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ để phục vụ chăn nuôi nông hộ, thị trường ngô lấy hạt và cung cấp nguyên liệu cho công ty bò sữa Vinamik. Bên cạnh đó, linh hoạt trong bố trí gieo trồng ngô nếp lấy bắp tươi để huy động tối đa quỹ đất sản xuất. Các địa phương không có lợi thế về sản xuất ngô như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Nghi Xuân... khuyến khích sản xuất ngô nếp thu bắp tươi bằng các hình thức canh tác trồng thuần hoặc trồng xen.

Đối với rau củ các loại, tập trung trên đất chuyên canh rau, đất 2 lúa, đất vườn ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã. Tiếp tục phát huy vai trò, kinh nghiệm của các HTX, tổ hợp tác sản xuất rau củ quả trên cát ven biển ở Thạch văn, Thạch Trị (huyện Thạch Hà)... Đồng thời cơ cấu đa dạng các loại rau như dưa lưới, cải các loại, xà lách, rau gia vị, su hào, bí xanh, dưa chuột, đậu đỗ, hành, kiệu, cà chua... Căn cứ vào diễn biến thời tiết, bố trí linh hoạt thời vụ nhằm né ảnh hưởng của bão, mưa lũ, khung thời vụ gieo trồng liên tục từ tháng 9 đến tháng 12, bố trí gieo trồng rải vụ.

Hà Tĩnh phấn đấu sản xuất vụ đông phủ kín diện tích đất màu, đất vườn. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hà Tĩnh phấn đấu sản xuất vụ đông phủ kín diện tích đất màu, đất vườn. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Cây khoai lang cơ cấu trên các vùng cao của đất 2 lúa, đất cát pha thịt nhẹ ở các địa phương Thạch Hà, Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên..., trong điều kiện thời tiết thuận lợi khuyến khích bố trí trên đất trồng lạc nhưng đảm bảo kịp thu hoạch trước thời vụ sản xuất lạc xuân.

Đối với cây lâu năm (cam, bưởi, chè), cần chú ý thực hiện các biện pháp bảo vệ vườn cây trong mùa mưa lũ, chủ động các giải pháp tiêu úng kịp thời. Theo dõi, đánh giá hiệu quả hệ thống tưới tiên tiến do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) hỗ trợ trên địa bàn huyện Hương Sơn và Vũ Quang để từng bước khuyến cáo nhân rộng.

Tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên diện tích 71ha dứa đã trồng (Kỳ Anh 46ha, Cẩm Xuyên 20ha, Vũ Quang 5ha); chủ động phối hợp với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) trong việc mở rộng diện tích sản xuất dứa, ngô ngọt tại các khu vực đủ điều kiện theo biên bản ghi nhớ giữa các địa phương với Công ty.

Hà Tĩnh phấn đấu tổng diện tích gieo trồng các loại cây ngắn ngày vụ đông 2024 đạt 12.603ha. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hà Tĩnh phấn đấu tổng diện tích gieo trồng các loại cây ngắn ngày vụ đông 2024 đạt 12.603ha. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh - ông Nguyễn Quang Thọ cũng yêu cầu việc triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông phải đảm bảo đúng thời vụ để không ảnh hưởng đến sản xuất vụ xuân 2025. Tiếp tục nhân rộng các mô hình trồng cây trong nhà màng, nhà lưới để nâng cao năng suất, chất lượng; duy trì, chấp hành đúng quy trình các mô hình sản xuất hữu cơ đối với cam, bưởi, rau củ quả để tiếp tục theo dõi, đánh giá kết quả. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để có sự hỗ trợ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.