| Hotline: 0983.970.780

Hải Dương: Bàn chuyện xuất khẩu vải thiều

Thứ Ba 21/04/2020 , 11:10 (GMT+7)

Dù thị trường xuất khẩu đã rộng mở, nhưng cả người dân và doanh nghiệp đều có những băn khoăn xung quanh câu chuyện chất lượng, tồn dư thuốc BVTV.

Người trồng vải đang rất vui mừng trước những tín hiệu tốt của thị trường. Ảnh: Kế Toại. 

Người trồng vải đang rất vui mừng trước những tín hiệu tốt của thị trường. Ảnh: Kế Toại. 

Thị trường rộng mở

Ngày 20/4, Sở NN-PTNT Hải Dương phối hợp với UBND huyện Thanh Hà tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch mở rộng mô hình sản xuất vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế và ký hợp đồng tiêu thụ năm 2020.

Diện tích vải thiều toàn tỉnh Hải Dương năm 2020 đạt 9.750ha. Tổng sản lượng quả dự kiến 45.000 tấn, cao hơn 20.000 tấn so niên vụ 2019.

Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hải Dương cho biết, địa phương đang phấn đấu xây dựng thành công 23 vùng trồng nhãn, vải theo tiêu chuẩn quốc tế, diện tích khoảng 220ha.

Trong đó, riêng quả vải có 19 vùng sản xuất vải được cấp mã số vùng trồng vải, diện tích 170ha, sản lượng dự kiến 1.000 tấn.

Những vùng này sẽ đáp ứng các nhu cầu khắt khe quy định nhập khẩu của các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Úc và các nước EU… Đặc biệt, niên vụ 2020, lần đầu tiên thị trường Nhật Bản mở cửa cho quả vải của Việt Nam.

Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký vùng trồng và đăng ký bao tiêu sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Lụa, tổ trưởng tổ sản xuất vải số 9 (huyện Thanh Hà) cho biết, người dân rất phấn khởi vì những năm qua được chính quyền, cơ quan chuyên môn tìm đầu ra cho quả vải. Đặc biệt, ngành BVTV đã hỗ trợ xúc tiến, phun phòng trừ sâu bệnh bằng máy bay không người lái (drone).

“Người dân đang băn khoăn phun thuốc BVTV như vậy có đảm bảo an toàn thực phẩm và sạch sâu bệnh hay không.

Chúng tôi nghĩ, quả vải phải ngon, sạch, đưa đến nhiều thị trường khó tính hơn để nâng giá trị. Qua đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh nghiên cứu, xem xét lại hợp đồng, đặc biệt về giá cả sao cho phù hợp thị trường”, bà Lụa băn khoăn.

Thử nghiệm phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái tại huyện Thanh Hà. Ảnh: Kế Toại. 

Thử nghiệm phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái tại huyện Thanh Hà. Ảnh: Kế Toại. 

Giải đáp băn khoăn này, bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, việc phun thuốc bằng máy bay không người lái có ưu điểm là phun sương mù áp lực cao nên thuốc BVTV bao phủ đồng đều hơn.

Vừa qua, Sở NN-PTNT mới chỉ phun thử nghiệm tại Thanh Hà. Trong tuần tới, ngành chuyên môn sẽ kiểm tra, đánh giá hiệu lực để tính toán phương thức phòng trừ sâu bệnh.

Về vấn đề hợp đồng, bà Hà khẳng định, đây chỉ là hợp đồng nguyên tắc bước đầu, tới đây, các công ty sẽ về làm việc trực tiếp với người dân, bàn bạc cụ thể mới tiến hành ký kết.

Ông Phạm Văn Khanh, quyền Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết, địa phương có 257ha vải thiều, 85ha vải sớm, ước đạt sản lượng 4.000 tấn.

Những năm qua, Thanh Thủy sản xuất vải ổn định, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Xã đã thành lập 3 nhóm trồng vải chuyên xuất khẩu, xuất đi các thị trường khó tính.

Về phương pháp phun thuốc bằng máy bay không người lái, dù cũng còn băn khoăn, nhưng chính quyền và người dân đều ủng hộ.

“Đề nghị cơ quan ban ngành đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục về địa phương ký kết hợp tác, tiêu thụ vải thiều cho người dân”, ông Khanh nêu ý kiến.

Cẩn trọng trước thị trường khó tính

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Cty CP Ameii cho biết, năm 2020, rất vui mừng vì quả vải thiều đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận.

Diện tích vải sớm đang trong giai đoạn đẫy cùi. Ảnh: Kế Toại. 

Diện tích vải sớm đang trong giai đoạn đẫy cùi. Ảnh: Kế Toại. 

Riêng Công ty Ameii đã sẵn sàng mọi điều kiện xuất khẩu. Phía Nhật Bản hiện đã có 3 – 4 đối tác cam kết nhập quả vải của Việt Nam.

Ông Tiến chia sẻ, băn khoăn duy nhất là làm sao quả vải đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Vì nếu trong 1 lô hàng, chỉ cần có vài quả vải bị lỗi, rất có thể bị trả lại cả lô hàng.

Khi đó, đơn vị xuất khẩu có nguy cơ bị đưa vào backlist (danh sách đen), gây ra khó khăn trong việc xuất khẩu về sau. Doanh nghiệp rất mong muốn Cục BVTV, Sở NN-PTNT Hải Dương hỗ trợ người dân sản xuất ra quả vải với chất lượng tốt nhất.

Cũng theo ông Tiến, Nhật Bản là thị trường khó tính. Nếu xuất khẩu thành công vào thị trường này, sẽ là bước ngoặt cho quả vải xuất khẩu tới nhiều quốc gia khác.

Về những băn khoăn của doanh nghiệp, bà Vũ Thị Hà cho biết, mới đây, tỉnh Hải Dương ban hành hướng dẫn 06, đưa ra khuyến cáo, danh mục các thuốc BVTV được phép, phù hợp với từng thị trường xuất khẩu.

Theo đó, sẽ đưa ra phương án phun tập trung, ngành NN-PTNT sẽ cung ứng thuốc… không để người dân tự ý phun thuốc.

Đồng thời, các vùng xuất khẩu sẽ được lấy mẫu kiểm tra tồn dư thuốc BVTV trước khi xuất khẩu. Qua đó, hạn chế tối đa việc tồn dư thuốc BVTV trong quả vải, xuất khẩu thành công những lô vải đầu tiên sang Nhật Bản.   

Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, ông Trịnh Văn Thiện khẳng định, địa phương đã và đang tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh cho người dân. Hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP.

Thời gian qua, huyện đã quy hoạch giao thông, mở các điểm mua bán, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp về thu mua vải. Đặc biệt, Thanh Hà đã huy động nguồn vốn, đầu tư trên 200 tỷ đồng nâng cấp đường giao thông gắn với cây vải tổ để tuyên truyền, quảng bá.

Đại diện các doanh nghiệp và tổ sản xuất vải trao hợp đồng ký kết tiêu thụ. Ảnh: Kế Toại. 

Đại diện các doanh nghiệp và tổ sản xuất vải trao hợp đồng ký kết tiêu thụ. Ảnh: Kế Toại. 

Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương đề nghị, các cơ quan chuyên môn cần sát sao hơn nữa, chung tay cùng chính quyền, người dân đảm bảo sản xuất vải đúng quy trình, chất lượng.

Đặc biệt, cần tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp về thu mua vải, đảm bảo giao thông thuận lợi, an toàn.

Với lĩnh vực truyền thông, ông Quân rất mong các cơ quan báo chí phối hợp, đăng tải những thông tin nhanh nhạy, chính xác, giúp quảng bá hơn nữa thương hiệu vải thiều Hải Dương.

Tại hội nghị, ba doanh nghiệp là Công ty CP Ameii, Công ty CP Nông sản Hưng Việt và Công ty CP Quốc tế Bamboo đã tiến hành ký kết hợp đồng tiêu thụ vải cho người dân. Tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến khoảng 460 tấn, cam kết giá thu mua cao hơn 10% so với thị trường.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 3] Phát triển trang trại, gia trại

Bắc Kạn Chăn nuôi ở Bắc Kạn chuyển dần từ nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại, huy động doanh nghiệp có tiềm lực xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.