| Hotline: 0983.970.780

Hải Dương: Gia tăng sâu bệnh hại lúa xuân

Thứ Bảy 11/04/2020 , 12:40 (GMT+7)

Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, trên diện tích lúa xuân đã phát hiện trên 106ha bị nhiễm bệnh đạo ôn, mức độ nhẹ và đang tiếp tục gia tăng gây hại.

Ngành chức năng đã khuyến cáo người dân chủ động phun phòng, trừ được 500ha.

Áp lực sâu bệnh từ đầu vụ

Theo thống kê, vụ xuân 2020, toàn tỉnh Hải Dương gieo cấy khoảng 57,1 nghìn ha lúa. Trong đó, trà xuân sớm tương đối ít (chiếm 9,6% tổng diện tích), đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng.

Còn lại, hơn 90% diện tích lúa xuân muộn, đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ nhánh. Dự kiến thời gian trỗ bông từ ngày 1 – 15/5, thu hoạch từ ngày 1 – 10/6.

Hơn 100ha lúa xuân tại Hải Dương đã xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại ở mức nhẹ. Ảnh: Kế Toại. 

Hơn 100ha lúa xuân tại Hải Dương đã xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại ở mức nhẹ. Ảnh: Kế Toại. 

Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, bệnh đạo ôn trên lúa đã xuất hiện rải rác từ đầu vụ, đang phát triển theo hướng gia tăng gây hại. Đặc biệt là tại một số vùng thường xuyên có áp lực về bệnh như: huyện Ninh Giang (xã Ứng Hòe, Vĩnh Hòa, Tân Phong, Kiến Quốc...); huyện Thanh Miện (xã Cao Thắng, Tứ Cường, Ngũ Hùng...); huyện Bình Giang (xã Thúc Kháng, Long Xuyên, Mộ Trạch, Thái Dương...); huyện Tứ Kỳ (xã Chí Minh, Quang Phục, thị trấn Tứ Kỳ...).

Bệnh gây hại chủ yếu trên giống lúa nếp, P6, BC15, TBR-225, Q5. Tổng diện tích nhiễm hơn 106 ha, tỷ lệ bệnh hại trung bình từ 1 – 5%, nơi cao từ 15 – 20%, cấp bệnh từ 1 – 7. Trước tình hình bệnh hại, ngành BVTV Hải Dương đã khuyến cáo các địa phương, chủ động tổ chức phun phòng, trừ được 500ha.

Bên cạnh bệnh đạo ôn, một số diện tích lúa cũng bắt đầu xuất hiện các loại sâu bệnh khác như sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn… Ngoài ra, nhiều diện tích lúa cũng đang bị chuột gây hại trên phạm vi rộng. Trong đó, hại nặng cục bộ ở gần khu gò đống, chuyển đổi, bãi rác… với diện tích nhiễm khoảng 48,5ha, tỷ lệ hại 3 – 5%, cao 10 – 15% (số dảnh).

Không chỉ sâu bệnh, chuột cũng đang gây hại trên phạm vi rộng. Ảnh: Kế Toại. 

Không chỉ sâu bệnh, chuột cũng đang gây hại trên phạm vi rộng. Ảnh: Kế Toại. 

Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, từ đầu vụ đến nay, Chi cục BVTV đã xây dựng kế hoạch phòng trừ sâu bệnh và tổ chức triển khai đến tất cả các huyện, thành phố, thị xã. Riêng đối với bệnh đạo ôn hại lúa, cơ quan chuyên môn đã hai lần gửi công văn đôn đốc, khuyến cáo các địa phương, người dân chủ động phun phòng trừ.

Hệ thống chuyên ngành từ Chi cục BVTV, các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng NN-PTNT các huyện phối hợp theo dõi, thông báo định kỳ về tình hình sâu bệnh để kịp thời triển khai.

Chủ động đối phó

Theo dự báo của ngành NN-PTNT Hải Dương, trong thời gian tới, thời tiết sẽ diễn biến phức tạp. Các đợt không khí lạnh có thể xuất hiện, trời âm u, có mưa, ẩm độ cao, sương mù kéo dài. Đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng phát sinh gây hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ.

Người dân căng nilon, sử dụng thuốc hóa học để diệt chuột. Ảnh: Kế Toại. 

Người dân căng nilon, sử dụng thuốc hóa học để diệt chuột. Ảnh: Kế Toại. 

Với bệnh đạo ôn lá, dự báo sẽ gây hại trên lúa trà muộn giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái làm đòng (đặc biệt diện tích lúa nếp). Bệnh tiếp tục gây hại với xu hướng tăng, có khả năng gây hại nặng, gây cháy lụi tại một số xã thuộc huyện Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ.

Bệnh đạo ôn cổ bông, gié, khả năng rất cao sẽ phát sinh gây hại nặng trên trà lúa trỗ bông phơi màu, ngậm sữa. Đặc biệt gây hại nặng trên các giống nhiễm và các chân ruộng nhiễm đạo ôn lá nặng.

Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ được dự báo sẽ xuất hiện và phân bố rộng, rải lứa, mật độ cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, sâu non lứa 2 sẽ nở rải rác từ giữa đến cuối tháng 4. Thời điểm này trùng với thời kỳ lúa làm đòng của cả trà lúa xuân sớm và xuân muộn, gây hại lá đòng, nguy cơ thiệt hại về năng suất rất lớn.

Cùng với đó, theo Sở NN-PTNT Hải Dương, nhiều loại sâu bệnh hại cũng sẽ xuất hiện như sâu đục thân lứa 2, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, vàng lụi, lùn sọc đen… Riêng đến cuối vụ, bệnh đen lép hạt dự báo sẽ gây hại nhẹ.

Dù đang trong thời gian cách ly xã hội, nhưng ngành NN-PTNT vẫn khuyến cáo các địa phương chỉ đạo cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng NN-PTNT tăng cường đi cơ sở để điều tra, dự tính dự báo và chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh. Bởi hiện nay đang là cao điểm phòng trừ sâu bệnh.

Đặc biệt với bệnh đạo ôn, cần tập trung chỉ đạo phòng trừ trên những diện tích thường xuyên chịu áp lực bệnh hại. Khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại, nhất thiết phải phun kép bằng thuốc BVTV cho đạo ôn trên lá.

Những loại sâu bệnh khác, các địa phương cần tăng cường giám sát chặt chẽ, tổ chức phun thuốc phòng trừ ngay từ khi chớm xuất hiện.

Đối với người dân và cán bộ chuyên môn, ngành NN-PTNT khuyến cáo, cần tăng cường thăm đồng, chủ động phòng trừ sâu bệnh hại theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, nên đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi làm việc.

“Với đối tượng chuột gây hại, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo diệt chuột bằng biện pháp thủ công truyền thống, như tổ chức săn bắt, đặt bẫy cạm. Đồng thời, phải kết hợp cả biện pháp dùng thuốc hóa học đạt hiệu quả cao”, Sở NN-PTNT Hải Dương khuyến cáo.

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Phấn đấu đạt tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng trên 70%

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Từ 25/11, các địa phương trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ giám sát dịch bệnh thông qua việc lấy mẫu để kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng đợt 2/2024.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.