Nông dân Bình Định triển khai công tác diệt chuột từ nay đến cuối vụ. |
Ngành chức năng kịp thời hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, vụ ĐX 2019- 2020, trên địa bàn tỉnh này đã gieo sạ 48.036ha lúa. Hiện 10.019ha lúa trên chân ruộng SX 3 vụ/năm đang làm đòng; 36.298ha lúa trên chân ruộng SX 2 vụ/năm đang đẻ nhánh, đứng cái; 1.719ha lúa chân cao sạ cưỡng đang làm đòng, trỗ.
Ngoài ra, trong vụ ĐX này Bình Định còn SX 1.910ha ngô (bắp), 7.477ha lạc (đậu phộng), 5.061ha rau các loại và 998ha đậu các loại.
Hiện trên đồng ruộng, chuột đang gây hại cục bộ trên những diện tích lúa đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng với diện tích 33,5ha; tỷ lệ hại phổ biến từ 1 - 2%, cục bộ có diện tích bị hại 5 – 10%, tập trung tại các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn và TX An Nhơn.
Bệnh đạo ôn lá đang phát sinh trên lúa chân 3 vụ và chân cao sạ cưỡng giai đoạn cuối đẻ nhánh, làm đòng; tỷ lệ cục bộ từ 5 - 10%, tập trung tại các huyện Tây Sơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát, Tuy Phước và TX An Nhơn.
Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ cũng đang ra rộ trên lúa đẻ nhánh, làm đòng với mật độ 3 - 5 con/m2; bọ trĩ gây hại cục bộ lúa sạ muộn đang giai đoạn đẻ nhánh.
Trên cây trồng cạn thì sâu keo mùa thu đang phát sinh gây hại 10ha ngô từ 4 - 8 lá ở các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn với mật độ từ 2 - 6 con/m2. Cây lạc thì bị bệnh lở cổ rễ gây hại cục bộ lạc giai đoạn cây con ở các huyện Tây Sơn, Phù Cát.
Đáng lo ngại nhất là bệnh đạo ôn. Bởi thời tiết vụ ĐX nắng ấm, biên độ nhiệt ngày và đêm cao, tối và sáng sớm có sương mù, ẩm độ không khí cao nên thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại diện rộng.
Để phòng bệnh, ngành chức năng khuyến cáo nông dân bón cân đối phân NPK ở các thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Khi bệnh xuất hiện phải dừng ngay việc bón phân, nhất là đạm urê đơn, không sử dụng phân bón lá và chất kích thích sinh trưởng để phun cho lúa. Sau khi phun thuốc, bệnh dừng phát triển thì mới tiến hành bón phân và phun phân bón qua lá.
“Bà con nên sử dụng 1 trong các loại thuốc sau đây để phun phòng khi bệnh chớm xuất hiện: Thuốc Beam 75 WP liều lương 30 - 40gram thuốc pha với 24 lít nước phun cho 1 sào lúa (500m2); thuốc Katana 20 SC liều lượng 24ml thuốc pha 24 lít nước phun cho 1 sào lúa.
Bệnh đạo ôn lá phát sinh trên lúa chân 3 vụ và chân cao sạ cưỡng giai đoạn cuối đẻ nhánh, làm đòng. |
Để phun trừ, bà con nên dùng 1 trong các loại thuốc sau đây: Thuốc Fujione 40 WP với liều lượng 50gam thuốc pha 24 lít nước phun 1 sào lúa; thuốc Ninja 35 SE với liều lượng 50ml thuốc pha 20 lít nước phun cho 1 sào lúa.
Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, bà con nên phun thuốc phòng bệnh trước và sau khi lúa trỗ 7 ngày để có hiệu quả cao nhất”, ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định nhấn mạnh.
Ông Phát cảnh báo thêm: Bệnh đạo ôn lá, cổ lá sẽ phát sinh gây hại phổ biến trong thời điểm sau tết, từ cuối tháng 1 trở đi, tập trung trên lúa cuối đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng; gây hại mạnh đối với các giống lúa BC15, TBR - 1, ĐV 108, Q 5. Bệnh đạo ôn cổ bông cũng sẽ phát sinh từ giữa tháng 2 trên chân ruộng 3 vụ giai đoạn trỗ, chắc xanh. Bà con cần làm theo khuyến cáo của ngành chức năng để đảm bảo năng suất lúa cuối vụ.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, ngay cả trong thời gian nghỉ tết, ngành chức năng vẫn phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức kiểm tra, chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ dịch hại bảo vệ lúa ĐX. Sau Tết nông dân các địa phương đã xuống đồng chăm sóc lúa và cây trồng cạn. Đặc biệt, bà con vẫn tiếp tục triển khai công tác diệt chuột thường xuyên, liên tục từ nay đến cuối vụ bằng nhiều biện pháp. |