Thực tế thành công bước đầu của một số mô hình liên kết tiêu thụ rau an toàn tại Hà Nội gợi mở cho chúng ta rất nhiều về HTX kiểu mới.
Câu chuyện thưởng phạt của VinEco
Xuất phát điểm từ một liên nhóm sản xuất rau an toàn theo mô hình PGS, bà Nguyễn Thị Ngư và hơn 20 hộ nông dân ở xã Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) đã chuyển đổi nâng lên thành HTX Rau an toàn và kết nối cung cầu Gia Lâm, trở thành một trong những nhà cung cấp ưu tú của VinEco.
Hà Nội hiện hình thành được rất nhiều mối liên kết bền vững, hiệu quả trong sản xuất tiêu thụ rau an toàn |
Theo bà Nguyễn Thị Ngư, khi trở thành đối tác của VinEco, bà và các xã viên trong HTX buộc phải chuyên nghiệp đến từng thứ nhỏ nhất, phải làm những công việc mà với thói quen của người nông dân ngày trước bà ít khi phải động chân động tay đến. Theo đó, bà Ngư cho biết VinEco có chính sách thưởng, phạt với nhà cung cấp vô cùng khắt khe và phân minh, nếu làm tốt thưởng rất cao, ngược lại nếu chưa tốt bị phạt thẳng tay, thậm chí bị chấm dứt hợp đồng.
Cụ thể, bà Ngư cho biết VinEco hiện nay có chính sách vinh danh “Nhà cung cấp ưu tú” hàng tháng. Nếu nhà cung cấp nào đạt theo các tiêu chí của đơn vị đưa ra khi ký hợp đồng có thể nhận được mức thưởng cao nhất lên tới 25% trên tổng giá trị hợp đồng thu mua, do đó tạo động lực khuyến khích nhà cung cấp nỗ lực để được VinEco chấm điểm, đánh giá tốt nhất.
Tuy nhiên, theo bà Ngư, để VinEco thưởng 25% không hề đơn gi một chút nào vì tiêu chí doanh nghiệp này đưa ra vô cùng khắt khe. Trong vòng một tháng, theo bà Ngư, VinEco sẽ lấy mẫu 4 lần ngẫu nhiên bất cứ một đơn hàng nào của nhà cung cấp để kiểm tra nhanh dư lượng thuốc BVTV, nếu cả 4 mẫu đều an toàn sẽ là một trong những điều kiện cần để bình xét nhà cung cấp ưu tú, ngược lại chỉ cần một lần test mà mẫu sản phẩm vượt dư lượng sẽ ngay lập tức bị lập biên bản, nhà cung cấp phải chịu toàn bộ trách nhiệm với lô hàng cũng như không được xét thưởng tháng đó nữa.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Tập đoàn VinGroup từ năm 2016 bắt đầu triển khai chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” thông qua việc liên kết với các HTX và hộ sản xuất. Cũng giống như HTX Rau an toàn và Kết nối cung cầu Gia Lâm, hiện tại đã có hàng trăm HTX, hộ sản xuất rau, nấm, gạo, trái cây cung cấp được sản phẩm liên kết ra thị trường vào các hệ thống của VinGroup theo đúng quy trình, tiêu chuẩn, chất lượng của VinEco. |
Ngoài việc kiểm tra dư lượng thường xuyên, ngẫu nhiên phải an toàn là điều kiện cần, các đối tác cung cấp hàng cho VinEco còn phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khác ở mức tốt nhất mới được vinh danh nhà cung cấp ưu tú. Đó là việc VinEco kiểm tra đồng ruộng, vùng sản xuất ngẫu nhiên 2 lần mỗi tháng, người sản xuất phải ghi chép đầy đủ nhật ký đồng ruộng, đặc biệt là nhật ký sử dụng thuốc BVTV. Phải có biển bảng hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ lại các lô ruộng và có phương án phòng chống nhiễm chéo mẫu đất, mẫu nước giữ vùng sản xuất.
Ngoài ra, nhà cung cấp phải đảm bảo đúng cả sản lượng cam kết, giao hàng phải đúng giờ, chất lượng mẫu mã sản phẩm phải đẹp, nếu gặp sự cố bất khả kháng không đáp ứng được đơn hàng phải báo trước từ 1 - 3 ngày. Tuy nhiên, để động việc khuyến khích các nhà cung cấp nỗ lực, phấn đấu làm tốt hơn nữa, ngoài mức thưởng cao nhất lên tới 25%, VinEco hiện cũng có các mức thưởng khác, dao động từ 5 - 25% tùy vào mức độ hoàn thành công việc của đối tác.
“Để đạt được danh hiệu nhà cung cấp ưu tú của VinEco nói khó thì cũng là khó mà dễ cùng là dễ, nhưng điều quan trọng nhất là các thành viên phải đoàn kết, quyết tâm và đặc biệt chỉ nên sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học vì độ an toàn cao, trong khi rau củ quả có thời gian sinh trưởng và cách ly rất ngắn”, bà Nguyễn Thị Ngư tâm sự.
Bài toán chia đôi lấy nửa
Mô hình liên kết tiêu thụ nông sản xuất VinEco và các HTX ở trên không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực, tiềm lực về kinh tế, con người để thực hiện và vận hành hiệu quả, trong khi mẫu số chung cho sự thất bại của các chuỗi liên kết giữa các HTX và doanh nghiệp thường bắt đầu sau mỗi lần giá cả các mặt hàng nông sản trên thị trường có sự biến động mạnh.
Ảnh: Nguyên Huân |
Thông thường, hiện nay các doanh nghiệp khi ký kết bao tiêu sản phẩm với các HTX và với các đối tác tiêu thụ đều phải có cam kết ổn định về giá, ít nhất phải 1 - 3 tháng, còn đa phần phải từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu mọi chuyện diễn ra bình thường thì không sao, nhưng chỉ sau một cơn mưa to hay bão lũ, rất nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là các loại rau xanh ăn lá sẽ thiếu cục bộ khiến giá có thể cao gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 5 - 7 lần so với ngày thường.
Theo bà Đàm Thị Dịu, Giám đốc Cty Liên Anh, mặc dù có tiến bộ so với trước đây rất nhiều, song đa phần nông dân và các HTX hiện nay vẫn còn một yếu điểm nằm ở thái độ phục vụ chuyên nghiệp. Tức là chỉ muốn có lợi, muồn nhàn cho mình nên các điều khoản, điều kiện doanh nghiệp dưa ra hơi khó khăn một chút như ghi chép nhật ký đồng ruộng, giao hàng linh hoạt theo giờ… là nản không muốn làm. Theo tôi, các HTX rau an toàn của Hà Nội nên nghiêm túc nhìn nhận lại thói quen của mình. |
Lúc này, vì cái lợi trước mắt đa phần bà con nông dân và các HTX dễ nảy sinh tâm lý phá vỡ hợp đồng bán rau ra thị trường, thay vì ưu tiên cho doanh nghiệp. Ngược lại, khi giá rau trên thị trường rẻ hơn giá mà doanh nghiệp ký cam kết gần như 100% các hộ nông dân và HTX đều bắt doanh nghiệp phải thu mua cho bằng hết.
Mâu thuẫn lợi ích bắt đầu nảy sinh từ đây, bởi doanh nghiệp thu mua buộc phải mất uy tín với cửa hàng, siêu thị, bếp ăn và chấp nhận bị phạt hoặc phải lựa chọn phương án làm bậy là thu mua rau không rõ nguồn gốc bên ngoài để bù đắp vào lượng hàng bị thiếu do nông dân HTX bẻ kèo. Cứ như vậy, đến một ngày nào đó khi sức chịu đựng đã hết, niềm tin giữa các bên cũng hao mòn, mối liên kết dần dần sẽ bị đổ vỡ.
Để giải quyết mẫu thuẫn tưởng rất nhỏ nhưng lại là nguyên nhân lớn khiến các mỗi liên kết của HTX với doanh nghiệp đổ vỡ, bà Đàm Thị Dịu, Giám đốc Cty TNHH Sản xuất Dịch vụ Liên Anh đang ký kết tiêu thụ rau an toàn cho các HTX tại Tiền Lệ (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ bài toán đáp áp dụng của doanh nghiệp mình. Theo đó, doanh nghiệp luôn cam kết thu mua giá rau của người dân và HTX cao hơn 10% cho giá thị trường nếu áp dụng đúng quy trình sản xuất, chất lượng và mẫu mã bao bì của đơn vị đưa ra. Tuy nhiên, để được Cty Liên Anh thu mua ngoài những yêu cầu về diện tích, sản lượng bắt buộc người dân, HTX phải ký quỹ 2 triệu đồng làm tin. Nếu người dân và HTX vi phạm về dư lượng, sản lượng, thời gian hàng cung cấp sẽ bị doanh nghiệp trừ tiền dần.
Nhờ việc ký quỹ, bà con nông dân và các HTX dần thay đổi được thói quen sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hơn, như ghi chép nhật ký đồng ruộng, lên kế hoạch sản xuất, phân công sản xuất thay vì làm theo thói quen cảm tính như trước đây. Sau 2 năm áp dụng chính sách liên kết, từ sản lượng rau cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn/tháng, Cty Liên Anh đã nâng sản lượng tiêu thụ rau an toàn lên bình quân 50 - 60 tấn/tháng.
Khi giá ngoài thị trường tăng đột biến mỗi bên chịu một nửa Chia sẻ về lời giải bài toán khi gặp mưa bão giá rau ngoài thị trường tăng đột biến, Trưởng Nhóm RAT PGS thôn Hoàng Long (Đặng Xá, Gia Lâm) chia sẻ, phương án được thống nhất ngay từ đầu là mỗi bên chịu một nửa. Tức giá rau trên thị trường so với giá cam kết giữa HTX và doanh nghiệp bao tiêu chênh nhau bao nhiêu sẽ được chia đôi phân chênh đó, bên HTX chấp nhận bán rẻ hơn một nửa giá thị trường và bên doanh nghiệp chấp nhận mua cao hơn cam kết bằng một nửa mức giá tăng của thị trường. |