| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 24/06/2010 , 09:25 (GMT+7)

09:25 - 24/06/2010

"Hai không" đã thành "không không"

Bộ GD- ĐT vừa công bố, kết quả đỗ Tốt nghiệp THPT cả nước năm nay đạt 92,57%. Với tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao ngất ngưởng như vậy, dư luận không khỏi hoài nghi, lo ngại về kết quả thực của chủ trương "Hai không" sau 4 năm triển khai, thực hiện. Có người nói, bây giờ không còn "Hai không" nữa rồi.

Đã từ lâu thành tích trở thành căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục, từng gây bức xúc lớn trong xã hội. Nhằm chấn chỉnh  căn "bệnh" xấu này, năm 2006 lần đầu tiên, Bộ GD- ĐT đưa ra chủ trương "Hai không" trong đó có "Nói không với căn bệnh thành tích trong giáo dục". Chủ trương này nhanh chóng được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn ngành từ năm học 2006-2007 và nhận được đồng thuận cao trong dư luận, xã hội và cả ngành giáo dục.

Phải nói rằng, ngay trong năm đầu ra quân nhờ có chủ trương lớn đó mà ngành giáo dục đã có chuyển biến căn bản về nhận thức. Cấp trên ít ép, "ấn chỉ tiêu" xuống cấp dưới, thầy cô giáo đánh giá chất lượng học sinh nghiêm túc, chặt chẽ hơn, học sinh ít ỷ lại, chăm lo học hành hơn. Nào ngờ đến những năm học sau, năm 2008, 2009 và đặc biệt năm 2010 này "gió đã đổi chiều", bệnh thành tích đã quay lại điểm xuất phát. Nói cách khác bệnh thành tích đã kháng thuốc hoàn toàn.

Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, chuyện đi học khó khăn lắm, ai có chí mới học được, số lượng học sinh các cấp phổ thông không nhiều. Cuối năm mỗi lớp chỉ có 3- 5 em đạt học sinh tiên tiến là cùng. Đã là học sinh trung bình, khá, tiên tiến thì thi đậu vào 10, CĐ, ĐH là cái chắc chắn. Thời ấy, việc đánh giá của nhà trường, thầy cô giáo rất chuẩn mực, nghiêm túc, không có chuyện thành tích...Còn nay, cứ học là lên lớp, là hết cấp. Số lượng học sinh khá, giỏi lên đến vài chục em/lớp là thường.

Lấy đâu ra khá, giỏi nhiều thế? Qui chuẩn đánh giá học sinh mọi thời về cơ bản vẫn vậy. Phải chăng, cách làm của giáo viên thời nay khác giáo viên thời trước? Căn bệnh sính thành tích bùng phát trở lại, gây ra biết bao nhiêu hệ lụy, nguy hiểm cho học sinh, cho xã hội. Nó tạo ra thứ sản phẩm giáo dục thấp kém, không đúng thực chất đất nước. Có thể nói việc nuôi dưỡng ngộ nhận, ảo tưởng lệch lạc cho phụ huynh, học sinh là một sai lầm lớn của ngành GD- ĐT. .

Là người làm trong ngành giáo dục đã nhiều năm tôi cho rằng, căn nguyên sâu xa của bệnh thành tích là do trình độ đội ngũ giáo viên  yếu. Hiển nhiên, giáo viên yếu thì làm sao đánh giá đúng, chính xác thực lực học trò được. Mặt khác, công tác quản lí giáo dục của chúng ta còn bất cập, tầm nhìn, tầm nghĩ ngắn, cán bộ quản lí chậm đổi mới và ít bản lĩnh, bị chi phối, ràng buộc nhiều mối quan hệ...

Nhiều người có lí khi cho rằng: Bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, THCS có cái được là đỡ tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức của học sinh, phụ huynh và nhà nước, nhưng có cái mất không nhỏ là học chủ quan, lười học, thậm chí không học. Cũng giống như các vận động viên vậy, học sinh chúng ta có trải qua nhiều lần "thi đấu, cọ xát" thì mới trưởng thành, khôn lên. Nay ít thi cử, tập dượt thì thành thứ "gà công nghiệp" 100%. Tâm lí " không thi, không học" thấm sâu vào máu thịt học sinh.