| Hotline: 0983.970.780

“Hai lúa” đi xóa mù tin học

Thứ Tư 12/03/2008 , 07:00 (GMT+7)

Về huyện Bình Tân (Vĩnh Long) hỏi thầy giáo Đặng Ngọc Châu (53 tuổi) ấp Thành Trí, xã Thành Lợi, người xóa mù tin học cho học sinh vùng sâu của huyện ai cũng biết. Và điều đáng nể nhất là ông xuất thân từ một nông dân nghèo, làm đủ nghề từ chạy xe ôm đến bảo vệ.

Gặp ông vào một ngày đầu năm 2008, mới thật sự ngỡ ngàng giữa vùng sâu hẻo lánh lại có một người giỏi tin học và dạy phổ cập tin học cho học sinh và cả cán bộ. Thầy Châu kể cái duyên đến với tin học thật bình dị: Lúc đi học tin học khiến cả xóm Thành Trí cười bể bụng, bà con nói với nhau cha Châu bộ điên hay sao mà nghĩ chuyện trên mây. Thuở đời, nhà nghèo rớt mồng tơi, chạy gạo từng ngày vậy mà tính chuyện tào lao. Chưa nói ổng già muốn chết, lại ở quê biết gì đâu mà học tin học, Internet. Nghe bà con lối xóm nói cũng có lý, bởi thời điểm năm 1997, nói đến tin học thì ở vùng nông thôn còn khá xa lạ, nhiều người chưa biết mặt mũi cái máy tính ra sao, còn chuyện bấm chuột thì biết chết liền? Bao nhiêu đó đã thấy chuyện theo nghề tin học là khó khả thi. Và để chọn một nghề để sống, nuôi vợ con khiến mất ngủ nhiều đêm, bởi tuổi càng lớn sức khỏe yếu đi, làm thuê làm mướn khó lo cho 2 con và gia đình.

Thầy Châu dạy tin học cho học sinh vùng sâu

Trong lúc khó khăn, được thầy Nguyễn Trước Lâm, Hiệu trưởng trường cấp 3 Tân Quới châm dầu vào ý tưởng, thầy nói: Trường hiện có 5 máy tính do Sở GD- ĐT cấp nhưng đã hư hỏng bởi không giáo viên nào rành vi tính. Nếu ông chịu đi học tin học thì về đây, nhà trường sẽ tạo điều kiện cho làm văn phòng. Nghe thầy Lâm nói như mở cờ trong bụng, tuy nhiên nhà trường qui định là ông phải tự bỏ tiền túi đi học. Nhà nghèo, lấy đâu ra tiền để lên TP.HCM học cả năm. Nghĩ mãi, cuối cùng quyết định điện thoại sang Mỹ nhờ người chị hỗ trợ kinh phí. Người chị gật đầu liền khăn gói lên trường ĐH Bách khoa TP.HCM đăng ký học lớp chứng chỉ A. Ròng rã 9 tháng, cuối cùng cũng hoàn thành lớp học. Cầm giấy chứng nhận về, được vào trường cấp 3 Tân Quới làm công tác văn phòng. Hàng ngày, Ban giám hiệu đưa các văn bản cho ông đánh máy, nhưng khi mở 5 máy vi tính của trường lên thì tất cả đều tắt nguồn không máy nào chạy được. Trớ trêu là suốt thời gian học không được học phần sửa chữa máy nên gặp máy hư đành bó tay. Thế là ông phải cọc cạch xe đạp chở máy sang trường ĐH Cần Thơ nhờ thầy ở Khoa Công nghệ thông tin giúp sức. "Thấy tôi lớn tuổi nhưng mê tin học và ham học hỏi, các thầy của khoa đồng ý dạy miễn phí vào các buổi tối không lấy tiền"-thầy Châu cười hỉ hả

Thầy Châu kể: Các thầy Trường đại Học Cần Thơ nói vui lắm: “Tao dạy mày mày chỉ trả tiền cà phê thôi”. Thế đấy, gần 1 năm gắn bó với các thầy học kiểu quán cà phê thế mà ông đã nắm rành cài đặt phần mềm, sửa chữa máy. Đến năm 1999, Trường cấp 3 Tân Quới mở lớp tin học đầu tiên với 17 em học, tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy. Sau 5 tháng học, 17 em tham gia thi chứng chỉ nghề thì có tới 13 em rớt. Hội đồng sư phạm nhà trường phản ứng ngay tức khắc, có đến 57/60 giáo viên không đồng ý cho tôi tiếp tục dạy tin học. Chỉ có hầy Lâm, Hiệu trưởng là tạm tin, khi ấy thầy mới biểu tôi muốn tiếp tục dạy tin học thi chứng chỉ thì chạy lên Sở GD- ĐT xin phép; nếu được Sở gật đầu thì mới mở tiếp lớp tin học lần 2. Tôi trực tiếp đến gặp bà Đặng Huỳnh Mai (GĐ Sở GD- ĐT Vĩnh Long lúc đó), trình bày nguyện vọng do lần đầu tiên đứng lớp dạy tin học, chưa có kinh nghiệm nên thất bại. Bà Mai bảo: Lần đầu tiên dạy, thất bại là chuyện thường, hơn nữa anh là nông dân mà tâm huyết với tin học như vậy sở rất ủng hộ. Thế là lớp tin học lần 2 được mở với 10 em học. Đúc kết kinh nghiệm của các em thi rớt, lần này, chuyển cách dạy phù hợp với trình độ học sinh nông thôn, soạn lại giáo án đơn giản, học thêm kỹ năng sư phạm cuối khóa cả 10 em đều thi đậu chứng chỉ A. Tiếp tục dẫn 10 học sinh sang Trường đại học Cần Thơ thi kiểm chứng lần nữa và 10 em đều đậu cả.

Hàng ngày thầy Châu chạy xe 50 đi hướng dẫn tin học khắp các vùng sâu ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long

Sau khóa học lần 2 thành công, tập thể hội đồng sư pham cấp 3 Tân Quới mới tin tưởng và ủng hộ. Nhà trường bắt đầu đẩy mạnh việc dạy tin học cho tất cả học sinh và khuyến khích giáo viên cùng học. Công việc của ông Châu ngày càng nhiều lên, vừa dạy cho học sinh vừa hướng dẫn giáo viên vi tính. Phong trào học tin học ở trường cấp 3 Tân Quới sôi động hẳn lên. Chẳng bao lâu hơn 50% giáo viên của trường biết tin học; trong đó 4 - 5 người có thể dạy được tin học.

Lúc này, trường THCS Tân Hưng nghe tiếng, liền mời về dạy tin học cho học sinh và giáo viên. Không ngần ngại khó khăn tình nguyện đến Tân Hưng. Ngoài việc truyền đạt kiến thức cơ bản, thầy hướng dẫn luôn cho giáo viên cài đặt máy tính, sửa chữa để tự xử lý khi gặp trục trặc. Tiếng tốt đồn xa người thấy giáo không bằng cấp được UBND các xã như Tân Quới, Tân Lược, Tân Bình, Tân An Thạnh, Tân Thành, Thành Trung tìm đến nhờ ông hướng dẫn tin học. Dù xa hay gần, đều nhận lời và dạy bất kể thứ bảy, chủ nhật hay lúc trưa, chiều, tối. Vừa dạy vừa tự học hỏi và rút kinh nghiệm, đưa ra phương pháp hiệu quả nhất cho từng đối tượng học.

Cuộc sống của người thầy không bằng cấp này đã tạm đủ, 2 đứa con của thầy đều thành đạt và rất giỏi tin học. Riêng thầy đang dạy tại Trung tâm tin học Tân Quới và Trung tâm tin học 126 Bình Minh. Lớp bằng A thời gian từ 2 - 2,5 tháng được nhận lương trọn gói là 1,5 triệu đồng; lớp bằng B khoảng 4,5 tháng được trả 3 triệu đồng. Ngoài ra, dạy tại nhà cho hàng chục học sinh với chi phí chỉ 300.000đ/em/khóa, không kể thời gian bao lâu, dạy đến khi nào thấy các em vững vàng và thi đậu mới thôi. Ngoài giảng dạy tin học, ông Châu còn tham gia soạn các đề thi về tin học cho Sở GD- ĐT Vĩnh Long.

Nhiệt tình và tâm huyết nhưng thầy Châu không hề được các cơ quan chức năng nhận làm việc chính thức, bởi thầy không có bằng đại học. Dù vậy, Sở GD- ĐT Vĩnh Long đánh giá cao công lao của thầy, người mê tin học, giỏi nghề thật sự, đạo đức và luôn vì cộng đồng. Những năm qua, thầy dạy hàng ngàn người biết về tin học, thầy là người đầu tiên của huyện Bình Minh (chưa chia huyện) đưa tin học về vùng sâu. Còn thầy giáo già Đặng Ngọc Châu cười hiền: Thấy người dân vùng sâu biết tin học càng nhiều là tui vui rồi, bản thân mình chịu thiệt thòi có sao đâu? Nhiều năm tui dạy cho học sinh các trường, giáo viên, cán bộ xã mà không hề nhận thù lao, mặc dù đời sống gia đình còn khó khăn. Hàng ngày, thầy Châu cặm cụi cùng chiếc xe 50 cũ kỹ xuôi ngược khắp vùng sâu hướng dẫn tin học cho mọi người. Một giáo viên không bằng cấp thật đáng quý.

Xem thêm
Diễn viên Bình An thoát nạn khỏi đám cháy

Tối 17/5, đám cháy bùng phát tại toà nhà ở số 1174 Đường Láng(Hà Nội) khiến nhiều người bị mắc kẹt, trong đó có diễn viên nổi tiếng Bình An

Lần thứ 4 vô địch liên tiếp Ngoại hạng Anh cho Man City?

Ngoại hạng Anh đã bước đến vòng đấu cuối, cuộc đua tìm ra nhà vô địch vẫn đang vô cùng căng thẳng, Man City lợi thế hơn Arsenal 2 điểm.

Quang Hải sang Nhật Bản?

Tiền vệ Quang Hải sẽ rời CLB CAHN vào cuối mùa giải này khi hợp đồng đôi bên đáo hạn, nhằm chuẩn bị cho bước tiếp theo trong sự nghiệp.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.