| Hotline: 0983.970.780

Hai 'ông lớn' Syngenta và PepsiCo giúp nông dân trồng khoai tây lãi 100 triệu đồng/ha

Thứ Tư 07/12/2022 , 22:25 (GMT+7)

Ngày 7/12, Syngenta Việt Nam và PepsiCo tổ chức Hội thảo 'Triển vọng hợp tác công tư trong phát triển ngành rau quả Việt Nam' trong giai đoạn sắp tới.

Syngenta và PepsiCo ký thỏa thuận hợp tác phát triển khoai tây bền vững từ 2022-2025.

Syngenta và PepsiCo ký thỏa thuận hợp tác phát triển khoai tây bền vững từ 2022-2025.

Hội thảo nhằm đánh giá những thành tựu hợp tác trong những năm qua đồng thời thảo luận về  khó khăn, thách thức và vai trò quan trọng của Hợp tác Công tư (PPP) trong sản xuất ngành rau quả bền vững.

Bên cạnh đó là báo cáo về kết quả và thành công của mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021 và Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2022 - 2025 giữa hai đồng trưởng nhóm công tác rau quả: Syngenta & PepsiCo.

Ngoài ra, Hội thảo cũng đánh giá những triển vọng trong phát triển cho toàn ngành rau quả Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025 nhằm mục tiêu đóng góp vào Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và nông thôn bền vững của Chính phủ tầm nhìn đến năm 2050.

Sản xuất khoai tây bền vững

Theo thống kê của PSAV/MARD, ngành rau quả đã đạt được những kết quả ấn tượng trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,6 tỷ USD năm 2017, chiếm hơn 10% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Rau quả Việt Nam đã được xuất khẩu ra hơn 10 thị trường lớn nhất trên thế giới với trên 20 triệu USD, trong đó có 4 nước chiếm thị phần lớn nhất: Trung Quốc (chiếm 70,8%), Mỹ (chiếm 3,4%), Hàn Quốc (chiếm 3,4%), Nhật (chiếm 3,1%).

Tuy nhiên, ngành rau quả vẫn còn tồn tại nhiều nút thắt, những vướng mắc về sản xuất, chế biến, thị trường như: Các khu vực sản xuất tập trung quy mô lớn dần được hình thành nhưng vẫn dựa trên các nông hộ nhỏ lẻ và phân tán gây khó khăn trong việc đầu tư, quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm; thị trường còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc...

Đứng trước những vấn đề đó, Nhóm công tác PPP rau quả, do PepsiCo, Syngenta và Cục Trồng trọt đồng chủ trì được thành lập vào năm 2009 bởi Bộ NN-PTNT, cụ thể là Diễn đàn phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (PSAV) hướng tới giải quyết các nút thắt và khai thác tiềm năng của ngành.

Với mục tiêu chung là nhằm kết nối nguồn lực của các đối tác để phát triển ngành rau quả Việt Nam đồng thời theo đuổi chỉ tiêu 20 - 20 - 20, vừa tăng sản lượng, vừa cải thiện thu nhập cho nông dân, tạo thêm việc làm và giảm phát thải.

Nhóm đã kết nối doanh nghiệp cùng hợp tác với các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ để giúp các hộ sản xuất nhỏ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đầu tiên tập trung vào trồng khoai tây tại tỉnh Lâm Đồng và ở Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Hà Nội, tiến tới mở rộng cho các loại rau, quả khác vì sự phát triển bền vững chung của ngành hàng.

Khoai tây ở Việt Nam hiện chủ yếu phục vụ ăn tươi ở thị trường nội địa, xuất khẩu lượng nhỏ sang Indonesia, còn lại thường nhập khoai tây từ Trung Quốc. Tại Việt Nam, nhu cầu cho các nhà máy chế biến hiện khoảng 180.000 tấn khoai tây nguyên liệu/năm nhưng sản lượng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 40%, còn lại phải nhập khẩu từ rất nhiều nước khác nhau.

Thu hoạch khoai tây ở Đơn Dương, Lâm Đồng.

Thu hoạch khoai tây ở Đơn Dương, Lâm Đồng.

Ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Syngenta Việt Nam nói: "Chúng tôi luôn nỗ lực xây dựng và phát triển các giải pháp hiệu quả, bền vững, giúp bà con nông dân nâng cao năng suất các loại nông sản, trong đó có cây khoai tây.

Dự án khoai tây bền vững của Syngenta và PepsiCo thực hiện trong những năm qua đã giúp hình thành và xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất bền vững, góp phần gia tăng giá trị thương phẩm của khoai tây, từ đó cải thiện thu nhập cho bà con nông dân. Những thành quả từ dự án cũng mang lại các sản phẩm giàu dinh dưỡng, đảm bảo chất lượng và an toàn đối với người tiêu dùng".

Trước đây, khoai tây có diện tích lớn, tuy nhiên, hiện nay dù nhu cầu tiêu dùng vẫn lớn nhưng do tính mẫn cảm với thời tiết và các loài sâu bệnh gây hại, diện tích trồng khoai tây chỉ còn khoảng 1/5 so với trước.

Thực tế, hiện trạng phát triển cây khoai tây tại Việt Nam vẫn đang còn nhiều bất cập và thiếu tính ổn định, cụ thể theo khảo sát của Cục Trồng trọt, tại Việt Nam, diện tích khoai tây những năm qua dao động từ 16.700 - 19.700 ha. Riêng năm 2017 đạt 19.700 ha. Năng suất khoai tây dao động từ 13,5 - 15,9 tạ/ ha; sản lượng dao động từ 237.000 - 313.000 tấn…

Vì vậy, mô hình sản xuất khoai tây bền vững, gia tăng năng suất, chất lượng, lợi ích và thu nhập cho bà con nông dân, qua đó tạo động lực thúc đẩy bà con nông dân đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tham gia sản xuất hàng hóa là rất cần thiết trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững của ngành rau quả Việt Nam.

Hợp tác cùng phát triển

Đứng trước thách thức phát triển cây khoai tây đáp ứng được nhu cầu sản xuất, bài toán đặt ra cho Nhóm công tác rau quả là cần những chiến lược chặt chẽ để vừa đảm bảo được an ninh chuỗi cung ứng khoai tây tại chỗ mà đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

Năm 2019, Syngenta và PepsiCo đã cùng phối hợp triển khai Mô hình hợp tác chiến lược trong sản xuất khoai tây bền vững tại Việt Nam thông qua việc thành lập nông trại sản xuất khoai tây bền vững, thử nghiệm áp dụng công nghệ kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại, quản lý an toàn nông dược và đào tạo nông dân…

Trong khuôn khổ hợp tác, PepsiCo hỗ trợ về kỹ thuật và cùng đầu tư ứng giống, phân bón với chi phí ước tính khoảng 40% cho một hecta, nông hộ đầu tư 60% cho việc thuê đất, nông dược, nhân công, điện nước; Syngenta xây dựng các mô hình trình diễn, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giải pháp canh tác tiên tiến đã được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện khí hậu, sinh trưởng của từng địa phương trong quản lý các sâu bệnh hại tổng hợp trên cây khoai tây.

Song song, Syngenta thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nông dân về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm theo nguyên tắc 4 đúng và 5 quy tắc vàng. Syngenta cũng hỗ trợ lắp đặt các tủ đựng thuốc, bể thu gom vỏ bao gói thuốc sau khi sử dụng, đầu tư trang thiết bị như đồ bảo hộ, bình phun thuốc tiện lợi. Từ đó, sản xuất khoai tây thương phẩm đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất.

Niên vụ 2018 - 2019 diện tích khoai tây chỉ đạt 400 ha với gần 600 nông dân tham gia. Tính đến niên vụ 2021 - 2022, diện tích canh tác đã tăng gấp 3 lần với 1269 ha với năng suất trung bình 27-28 tấn/ha, cao nhất 34 tấn/ha. Tại Đăk Lăk, đánh giá cho thấy lợi nhuận ròng mùa khô của nông dân đạt khoảng 95 - 100 triệu đồng. Với sản lượng bình quân 26 tấn/ha, lợi nhuận sau khi trừ chi phí sản xuất dự kiến là 90-100 triệu/ha trong 4 tháng canh tác.

Trong giai đoạn 2022 - 2025, tại Lâm Đồng, Đăk Lăk và Gia Lai dự án phát triển nông trại khoai tây kiểu mẫu của Syngenta và PepsiCo sẽ tiếp tục được triển khai và mở rộng, mục tiêu quy mô sản xuất đạt trên 2.000 ha với hơn 1.000 nông dân tham gia dự án, hướng đến giúp người nông dân tăng năng suất và chất lượng khoai tây, đem về lợi nhuận thực tế sau công tác và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường trong nông nghiệp.

Nhân viên Syngenta hướng dẫn nông dân canh tác khoai tây bền vững.

Nhân viên Syngenta hướng dẫn nông dân canh tác khoai tây bền vững.

Ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc Nông học PepsiCo Việt Nam cho biết: "Trong thời gian qua, PepsiCo và Syngenta đã kết hợp cùng nhau tổ chức mô hình sản xuất khoai tây bền vững tại Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên. Qua mô hình, chúng tôi đã chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật tới bà con nông dân nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí giá thành và nâng hiệu quả sản xuất khoai tây. Qua đó, chất lượng khoai tây đã đáp ứng được các yêu cầu của PepsiCo Việt Nam và PepsiCo trên toàn cầu".

Có thể thấy rằng, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản và sự phát triển của ngành rau quả nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung. Vì vậy, đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP) là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng cường đầu tư vào chế biến sâu, giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm của sản phẩm nông nghiệp.

Hội thảo Triển vọng hợp tác công tư trong phát triển ngành là cơ hội để thảo luận sâu hơn về vai trò của nhóm hợp tác trong sản xuất rau quả bền vững tại Việt Nam. Chương trình với sự tham gia của Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các tập đoàn chủ trì.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.