| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng cấp 338,8 tỷ đồng hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi

Thứ Sáu 20/09/2019 , 10:11 (GMT+7)

UBND TP Hải Phòng vừa quyết định tạm cấp số tiền 338,8 tỷ đồng để hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại vì bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Dự kiến trong tháng 10, địa phương này sẽ hoàn thành việc chi trả.

10-13-44_1
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trong lần làm việc và kiểm tra tình hình dịch tả lợn châu Phi ở Hải Phòng.

Tính đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 18.925 hộ thuộc 13 huyện, quận của TP Hải Phòng. Số lợn tiêu hủy hơn 180 nghìn con, trọng lượng hơn 9 nghìn tấn, giá trị thiệt hại của người sản xuất khoảng 368,8 tỷ đồng.

Theo Sở NN-PTNT TP Hải Phòng, ngay từ khi phát sinh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, UBND TP Hải Phòng đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện thống kê đàn lợn bị tiêu hủy vì dịch bệnh, thường xuyên cập nhật niêm yết thống kê danh sách các hộ có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn, thông tin trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương giúp nhân dân nắm bắt kịp thời.

Đồng thời đã ban hành các văn bản định mức hỗ trợ kinh phí hỗ trợ phù hợp từng thời điểm. Căn cứ vào đó các sở ngành, quận, huyện liên quan đã triển khai việc chi trả hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, đầu tháng 3/2019, một số quận, huyện căn cứ Quyết định số 09 ngày 18/3/2019 của UBND TP để chi trả hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Theo mức hỗ trợ là 38 nghìn đồng/kg, tại các huyện Thủy Nguyên, An Dương, Kiến Thụy có 9 hộ chăn nuôi được hỗ trợ số tiền 652 triệu đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 17-2019/QĐ UBND ngày 6/6/2019 của UBND TP về việc hỗ trợ người chăn nuôi với mức hỗ trợ bằng 80% giá thị trường tại thời điểm buộc phải tiêu hủy làm căn cứ mức hỗ trợ thực hiện theo báo cáo giá trị trường hằng tháng của Sở Tài chính tổng hợp trên địa bàn TP, các quận, huyện chi trả cho 684 hộ với số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 30/8/2019, UBND TP Hải Phòng có quyết định số 2062/QĐ-UBND về việc tạm cấp chi phí phòng, chống trên địa bàn TP. Theo quyết định này, UBND TP Hải Phòng sẽ cấp 338,8 tỷ đồng để hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại vì bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP, Sở NN-PTNT phối hợp các sở ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương cách thức hỗ trợ, chi trả tiền cho người chăn nuôi sao cho thuận lợi, đúng quy định hiện hành. Ưu tiên việc phối hợp Ngân hàng NN-PTNT hỗ trợ các hộ chăn nuôi lập các tài khoản cá nhân.

10-13-44_2_1
Dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở Hải Phòng làm thiệt hại trên 360 tỷ.

Để thuận tiện và khách quan, tránh phiền hà, sách nhiễu không đáng có, 100% kinh phí hỗ trợ được chuyển khoản về tài khoản cá nhân của các hộ chăn nuôi hoặc các hộ chăn nuôi nhận tiền trực tiếp tại các ngân hàng. Đối với một số quận huyện, xã phường có ít hộ bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi địa phương có thể hỗ trợ bằng tiền mặt tại trụ sở UBND xã, phường…

Ông Nguyễn Văn Thép, Giám đốc Sở NN-PTNT TP cho biết: “Từ ngày 17/9 đến nay, Sở đã thành lập các tổ công tác kiểm tra việc niêm yết công khai danh sách các hộ bị thiệt lại dịch tả lợn châu Phi tại địa phương. Qua kiểm tra, 100% số xã, phường, thị trấn thực hiện niêm yết công khai danh sách các hộ có lợn bị tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi bảo đảm đầy đủ các thông tin…

Trong thới gian tới, các quận, huyện sẽ tiếp tục hoàn thành các việc niêm yết công khai và hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để chi trả hỗ trợ chăn nuôi cho các hộ bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Dự kiến xong trước ngày 10/10/2019”.

Tại buổi làm việc và kiểm tra tình hình dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng, chiều 2/3/2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị TP. Hải Phòng bằng nhiều kênh, nhiều nguồn khác nhau cũng như từ nguồn quỹ phòng chống dịch bệnh sớm có chính sách hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu hủy. Bên cạnh đó tiếp tục tuyên truyền và hỗ trợ để người dân có điều kiện chuyển đổi sang một số công việc ngành nghề khác để bù đắp trong lúc chuồng trại đang trong quá trình niêm phong lập chốt cách ly.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Cây na sống khỏe trên núi đá nhờ tưới tự động

Thái Nguyên Địa hình núi đá ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc, tưới nước, bón phân cho cây trồng. Phương án khắc phục trở ngại đó chính là hệ thống tưới tự động.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.