| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng chậm trễ lắp đặt giám sát hành trình tàu cá

Thứ Tư 09/10/2019 , 08:31 (GMT+7)

Toàn TP Hải Phòng hiện nay mới có 30/426 tàu đánh cá xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo Nghị định 26 của Chính phủ.

14-27-53_96f16053660d8053d91c
Nếu không lắp thiết bị định vị cho tàu cá, sẽ khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.

Điều này gây rất nhiều khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc thủy sản một cách đầy đủ, minh bạch, cản trở lấy lại “thẻ xanh” cho ngành thủy sản Việt Nam.
 

Tiến độ quá chậm

Theo Nghị định 26 của Chính phủ ngày 8/3/2019 quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá như sau: Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/7/2019; đối với tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m phải lắp trước ngày 1/1/2020; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m phải lắp trước ngày 1/4/2020.

Thực hiện Nghị định này của Chính phủ, TP Hải Phòng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chủ động mua máy giám sát hành trình lắp đặt cho tàu cá. Các ngành chức năng và các địa phương tập trung tuyên truyền để người dân nhận thức rõ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là cần thiết và bắt buộc trong giai đoạn hiện nay, nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động khai thác thủy sản và tài sản, lao động trên biển của ngư dân.

Trong đó, Chi cục Thủy sản Hải Phòng với vai trò chủ đạo, đã phối hợp với các địa phương giới thiệu các đơn vị sản xuất, cung ứng thiết bị giám sát hành trình bảo đảm tiêu chuẩn giúp ngư dân tiếp cận để sớm đầu tư lắp đặt cho tàu cá.

Đối với các cơ quan chức năng của TP thực thi nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát cần kiên quyết không cho những tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xuất bến, cấp hạn ngạch ra khơi đánh bắt xa bờ.

Tuy nhiên đến nay, khi thời hạn còn chưa đầy 6 tháng, kết quả thực hiện Nghị định 26 tại Hải Phòng đạt được chưa khả quan, lộ trình diễn ra chậm. Tính đến đầu tháng 10/2019, toàn TP mới có 30/426 tàu cá hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình Movimar. Thậm chí đối với 67 máy Movimar được Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) hỗ trợ, đến nay Hải Phòng mới lắp đặt được 30 máy, còn 37 máy đang triển khai.
 

Người dân không mặn mà

Liên quan đến tình trạng chậm chạp trong việc lắp đặt thiết bị hành trình cho tàu cá, ông Nguyễn Thanh Xuân - Chi cục trưởng Chi cục Thủy thủy sản Hải Phòng chia sẻ, khó khăn chủ yếu là nhiều địa phương, chủ tàu chưa bố trí được thời gian lắp đặt thiết bị, trong khi việc lắp đặt máy Movimar mất nhiều thời gian vì phần lớn tàu cá của ngư dân đi làm đến “tuần trăng, con nước” mới về cập bến, sau đó tiếp tục ra khơi khai thác, nên bố trí thời gian lắp đặt thiết bị chữa chủ động, gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, khi lắp đặt thiết bị xong, đơn vị cung ứng phải hướng dẫn ngư dân cách vận hành, sử dụng, cũng mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ chung của chương trình.

“Hiện tại, ngoài 67 máy Movimar do Tổng cục Thủy sản hỗ trợ, Hải Phòng còn 359 tàu cá đánh bắt xa bờ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định nhưng chưa thể triển khai lắp đặt. Trong đó, phần lớn tập trung ở huyện Thủy Nguyên (gần 200 tàu), còn lại ở các huyện Cát Hải, Tiên Lãng, các quận Đồ Sơn, Dương Kinh”, ông Xuân nói.

Theo ông Xuân, số tàu cá  này, nhà nước sẽ không hỗ trợ, ngư dân phải tự bỏ tiền ra đầu tư trang bị. Trong khi kinh phí để lắp đặt thiết bị hành trình trung bình từ 30 triệu đồng/tàu, nên không phải ngư dân nào cũng có ngay khoản tiền này để thực hiện. Do vậy, quá trình triển khai lắp đặt dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông Đinh Khắc Trung, chủ tàu đánh cá ở xã Phả Lễ, huyện Thủy Nguyên, cho biết, tàu gia đình ông hiện chưa lắp thiết bị định vị, cũng có cán bộ xuống thuyền trao đổi về việc này. Tuy nhiên do công việc ra khơi đánh bắt liên tục chưa có thời gian, một phần thiết bị cũng khá đắt đỏ và một vài lí do không tiện chia sẻ.

“Khi nào đến thời hạn phải thực hiện theo Nghị định của Chính phủ thì lúc đó sẽ tính, hầu như các chủ tàu ở đây không mặn mà gì lắm”, ông Trung nói.

Tìm hiểu của PV, chưa tính đến việc lắp các thiết bị định vị theo Nghị định 26 của Chính phủ, việc quản lý các tàu đánh bắt xa bờ ở Hải Phòng cũng đang gặp nhiều khó khăn do trước khi tàu ra khơi, cơ quan chức năng chỉ có trách nhiệm quản lý, kiểm tra các loại giấy tờ như: sổ nhật ký khai thác, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, sổ danh bạ thuyền viên… trong khi tàu thuyền đi ngư trường nào, đánh bắt chủng loại thủy sản gì vẫn chưa thể kiểm soát một cách chặt chẽ.

Theo kế hoạch, khoảng cuối tháng 10/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của EC (DG-MARE) sẽ sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá kết quả sau 2 năm nước ta thực hiện khuyến nghị của EC về IUU. Do đó tiến độ thực hiện rất chậm như vậy của Hải Phòng và các địa phương nói chung, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện lộ trình khắc phục “thẻ vàng” do Ủy ban Châu Âu (EC) áp dụng đối với thủy sản Việt Nam. Thậm chí có thể bị áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ đỏ” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy hải sản nói chung.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển