| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng đang hủy hoại chính sách thí điểm của Bộ NN-PTNT?

Thứ Hai 03/10/2022 , 06:19 (GMT+7)

TP. Hải Phòng đang tổ chức cưỡng chế các doanh nghiệp liên kết đầu tư tại Vườn Quốc gia Cát Bà theo chương trình của Bộ NN-PTNT.

Các công trình chủ yếu được xây dựng bằng gỗ phù hợp với môi trường tự nhiên

Các công trình chủ yếu được xây dựng bằng gỗ phù hợp với môi trường tự nhiên

Động thái này của Hải Phòng sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng phá sản, thể hiện sự bất tín, không thống nhất trong hoạt động quản lý Nhà nước…

Nhiệm kì trước “xây” nhiệm kì sau “phá”

Bài liên quan

Năm 2007, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng rừng, Bộ NN-PTNT đã có quyết định ban hành Quy chế quản lý các hoạt động du dịch sinh thái tại các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên. Nội dung Quy chế này cho phép các doanh nghiệp được liên kết, hợp tác đầu tư với Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên để xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Vào thời điểm đó, việc mời gọi huy động doanh nghiệp đầu tư đổ tiền của vào khu vực rừng núi, hải đảo là vô cùng khó khăn. Vì chi phí đầu tư quá lớn mà tương lai thu hồi vốn thì mờ mịt. Đòi hỏi kén chọn những nhà đầu tư phải có tâm huyết, có tầm nhìn chiến lược và phải thực sự có tiềm lực kinh tế.

Khó khăn là thế, tuy nhiên, chính sách thí điểm của Bộ NN-PTNT đã khá thành công tại Vườn Quốc gia Cát Bà.

Trong giai đoạn 2009 đến 2011 đã có gần chục doanh nghiệp kí cam kết với Vườn Quốc gia Cát Bà, biến những vùng đất lau lách, lùm bụi trở thành thiên đường du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Chính sách thí điểm liên kết hợp tác với doanh nghiệp đã tạo dựng lên Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Cát Bà 

Chính sách thí điểm liên kết hợp tác với doanh nghiệp đã tạo dựng lên Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Cát Bà 

Để làm được điều đó, mỗi doanh nghiệp phải đổ vốn đầu tư lên tới vài trăm tỉ đồng. Đầu tư ra đảo, hầu hết các doanh nghiệp phải lao đao vì bão, thiệt hại triền miên, có người phải bán nhà, bán cửa để duy trì… nhưng nhờ có sự hỗ trợ của Vườn Quốc gia Cát Bà và lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng nhiệm kì đó nên các doanh nghiệp đã vượt qua, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng dần đi vào hoạt động ổn định và có hiệu quả, mang lại nguồn thu cho ngân sách.

Năm 2012, nhận thấy hiệu quả đích thực từ chính sách thí điểm của Bộ NN-PTNT, UBND TP. Hải Phòng đã ra Quyết định số 2119 phê duyệt Đề án Phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Cát Bà với mục tiêu đưa Cát Bà trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn, có sức hấp dẫn không chỉ ở Việt Nam mà vươn ra toàn thế giới. 

Đề án Phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Cát Bà chia làm 4 phân khu chức năng: Khu trung tâm dịch vụ, Khu vực dành cho tham quan khám phá các hệ sinh thái, Khu vực phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và Khu vực phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng.

Đương nhiên, "hạt nhân” của Đề án này vẫn phải là những công trình đầu tư theo chính sách liên kết của Bộ NN-PTNT như: Cát Dứa 1, Cát Dứa 2, Bãi Vạn Bội…  

Trong suốt thời gian dài, gần chục năm tiếp theo, Vườn Quốc gia Cát Bà cùng các doanh nghiệp “khai phá” vẫn đầu tư theo đúng định hướng, nhận được nhiều giấy khen của các cấp, ngành thì bỗng nhiên chính quyền UBND TP. Hải Phòng đương nhiệm lại cho rằng các công trình xây dựng trên đảo vi phạm trật tự xây dựng vì không có giấy phép xây dựng và yêu cầu phá dỡ hàng loạt khu nghỉ dưỡng được xây dựng theo chính sách kêu gọi đầu tư của nhiệm kì trước.

Quản lý để phát triển hay hủy hoại?

Ngày 14/7/2022, Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hải Phòng ra Quyết định 161 về việc Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các công trình của Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa tại Bãi tắm Cát Dứa II. 

Quyết định này được ban hành dựa trên cơ sở một biên bản vi phạm hành chính lập vào tháng 12/2020 đối với Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Đảo Cát Dứa vì đã có hành vi vi phạm hành chính xây dựng công trình không có phép xây dựng theo Nghị định 139/2017 của Chính phủ.

Điều bất hợp lý là biên bản kể trên viện dẫn, áp dụng Nghị định năm 2017 nhưng lại liệt kê toàn bộ các công trình xây dựng từ hàng chục năm trước đó bao gồm: hệ thống phòng nghỉ, hệ thống các công trình tạo cảnh quan phục vụ du khách như chòi vọng cảnh, cầu sắt, cầu tàu, đường nội bộ… và yêu cầu phá dỡ toàn bộ các công trình được cho là “vi phạm” không có phép xây dựng.

Trước những quyết định hành chính mang tính chất “lạm quyền” của Hải Phòng, ông Trịnh Phúc Mãn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa thực sự bức xúc: “Chúng tôi đầu tư theo Quyết định của Bộ NN-PTNT và lời mời gọi của Vườn Quốc gia Cát Bà, trước khi đầu tư công ty chúng tôi cũng đã được sự cho phép của Sở NN-PTNT TP. Hải Phòng.

Nếu chúng tôi sai thì tại sao 15 năm qua không có một cơ quan chính quyền Nhà nước nào đến đây và nói rằng chúng tôi sai? Nếu nói công trình của chúng tôi không phép thì tại sao lại chính quyền cấp Giấy chứng nhận Phòng cháy chữa cháy cho chúng tôi?

Tại sao chính quyền lại cấp Giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm cho chúng tôi? Tại sao UBND huyện Cát Hải lại cấp giấy khen cho doanh nghiệp của tôi vì những thành tích xuất sắc trong hoạt động du lịch? Đề án phát triển du lịch Vườn Quốc gia Cát Bà đã công nhận đóng góp của doanh nghiệp trong những năm qua, nêu rất rõ Bãi tắm Cát Dứa 1, Cát Dứa 2… thuộc phân khu Du lịch nghỉ dưỡng. Vậy tại sao chính quyền Hải Phòng đương nhiệm lại nói chúng tôi sai phạm?”.

Văn bản chấp thuận xây khu du lịch Cát Dứa của Sở NN-PTNT và quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Cát Bà.

Văn bản chấp thuận xây khu du lịch Cát Dứa của Sở NN-PTNT và quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Cát Bà.

Giấy khen của UBND huyện Cát Hải tặng Công ty Cát Dứa vì có thành tích phát triển du lịch

Giấy khen của UBND huyện Cát Hải tặng Công ty Cát Dứa vì có thành tích phát triển du lịch

Không hiểu nguyên nhân, động cơ “ẩn giấu” bên trong là gì nhưng việc chính quyền Hải Phòng đương nhiệm quyết tâm cưỡng chế các công trình của doanh nghiệp đã phá vỡ thành quả chính sách của lớp lãnh đạo đi trước dày công tạo dựng lên.

Trong trường hợp này, xét cả về tình và lý thì Hải Phòng đang sai, rất sai và có vẻ như không rút được kinh nghiệm từ những sai lầm nghiêm trọng trong quá khứ.

Xét về tình, thì Công ty Cát Dứa là một trong số ít những doanh nghiệp có thành tích trong đầu tư phát triển theo đúng định hướng TP. Hải Phòng, có công đối với ngành du lịch Hải Phòng, có công khi góp phần hiện thực hóa chính sách của Chính phủ mà cụ thể là chính sách thu hút đầu tư phát triển rừng bền vững của Bộ NN-PTNT. Với những doanh nghiệp như Công ty Cát Dứa, đáng ra Hải Phòng cần tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ về chính sách hoàn thiện thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động ổn định. Làm được như vậy, Hải Phòng mới có được niềm tin của doanh nghiệp trên cả nước, để các doanh nghiệp sẵn sàng góp sức mỗi khi cần huy động sức mạnh xã hội.

Về lý, nhìn dưới mọi góc độ Hải Phòng cũng đều sai:

Thứ nhất, vi phạm nguyên tắc thống nhất trong hoạt động quản lý Nhà nước phủ nhận những thành quả chính sách thí điểm của các cấp, ngành Trung ương và của chính TP.Hải Phòng những nhiệm kì trước.

Thứ hai, cố ý làm trái áp dụng sai quy định của pháp luật khi vận dụng Điều 15, Nghị định 139/2017 để xử lý các công trình xây dựng của Công ty Cát Dứa. Bởi lẽ, hầu hết các công trình xây dựng ở Bãi tắm Cát Dứa đều được thực hiện trong giai đoạn năm 2009-2012. Còn Nghị định 139/2017 chỉ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/1/2018. Nên không thể áp dụng cho các công trình xây dựng trước đó.

Thứ ba, Hải Phòng đòi cưỡng chế Công ty Cát Dứa với lý do xây dựng công trình không phép và vận dụng Nghị định 139 có hiệu lực năm 2018. Nhưng trước đó, Luật Xây dựng năm 2014 đã quy định các công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt thì được miễn giấy phép. Mà tại Vườn Quốc gia Cát Bà thì không thể có quy hoạch phát triển đô thị, lại càng không có quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt nên Hải Phòng nại lý do không có giấy phép xây dựng là chưa đúng với tinh thần của Luật Xây dựng.

Tuy chưa kịp cưỡng chế đến Công ty Cát Dứa nhưng lấy lý do xử lý vi phạm xây dựng TP. Hải Phòng đã đập phá tan hoang nhiều khu du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Cát Bà gây thiệt hại lớn cho nhiều doanh nghiệp.

Nhiều Khu nghỉ dưỡng sinh thái được xây dựng nên từ chính sách của Bộ NN-PTNT đã bị đập phá tan hoang.

Nhiều Khu nghỉ dưỡng sinh thái được xây dựng nên từ chính sách của Bộ NN-PTNT đã bị đập phá tan hoang.

Cho đến thời điểm này Công ty Cát Dứa đang khởi kiện quyết định của Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hải Phòng và vụ việc đang được Tòa án Nhân dân Cấp cao thụ lý. Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam, UBND TP. Hải Phòng cần kiên nhẫn chờ thực hiện theo phán quyết của tòa, để quy trình pháp luật được thực thi đúng, đủ và đảm bảo công bằng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất