| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng đề xuất KFS hỗ trợ trồng bổ sung 40 ha rừng ngập mặn

Thứ Tư 21/08/2024 , 07:40 (GMT+7)

HẢI PHÒNG KFS đã về Hải Phòng làm việc và khảo sát thực tế để nghiên cứu đề xuất dự án mới liên quan đến phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn tại xã Xuân Đám, huyện Cát Hải. Ảnh: Đinh Mười.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn tại xã Xuân Đám, huyện Cát Hải. Ảnh: Đinh Mười.

Thông tin từ Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết, vừa qua, đoàn chuyên gia thuộc Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc (KFS) đã sang làm việc và khảo sát tại Hải Phòng để nghiên cứu đề xuất ý tưởng dự án liên quan đến phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn.

Dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng” do Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc (KFS) viện trợ không hoàn lại tại Nam Định và Ninh Bình thực hiện từ năm 2021-2024 đã đạt được hiệu quả và đáp ứng mục tiêu mà hai Chính phủ đề ra. Do vậy, phía KFS mong muốn hai bên tiếp tục nghiên cứu đề xuất ý tưởng dự án mới tại các tỉnh có rừng ven biển phía Bắc và miền Trung, trong đó có Hải Phòng.

Trên cơ sở đề nghị này, tại cuộc làm việc, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã dẫn đoàn chuyên gia Hàn Quốc khảo sát các địa điểm tiềm năng có thể triển khai dự án tại Cát Hải. Cùng với đó, Hải Phòng đã đề nghị phía KFS nghiên cứu hỗ trợ thực hiện các hạng mục quan trọng để phục hồi và phát triển rừng trên địa bàn.

Về trang thiết bị, Sở NN-PTNT Hải Phòng đề nghị được hỗ trợ trang bị ô tô bán tải phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; ca nô phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; máy tính, máy in,...

Về các công trình lớn hơn, Sở NN-PTNT Hải Phòng đề nghị hỗ trợ xây dựng tường mềm chắn sóng, gây bồi tạo bãi để phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn tại khu vực bãi triều xã Phù Long, xây dựng 1 vườn ươm tạm thời để sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng của dự án. Trồng mới 5 ha rừng và trồng bổ sung rừng ngập mặn 40 ha và lắp đặt 3 chòi canh bảo vệ rừng. Cùng với đó là xây dựng các mô hình nhằm cải thiện sinh kế người dân tham gia quản lý rừng bền vững như mô hình nuôi ong, mô hình du lịch sinh thái rừng ngập mặn, mô hình lâm ngư kết hợp.

Hải Phòng cũng đề nghị phía KFS hỗ trợ ca nô phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng nếu dự án được triển khai. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng cũng đề nghị phía KFS hỗ trợ ca nô phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng nếu dự án được triển khai. Ảnh: Đinh Mười.

Thành phố Hải Phòng nằm trong vùng hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình với 5 cửa sông lớn đổ ra biển gồm các sông Thái Bình, Văn Úc, Lạch Tray, Cấm và Nam Triệu. Hiện tại, diện tích rừng tự nhiên đang có hơn 151 nghìn ha.

Hải Phòng có tổng diện tích hơn 24 nghìn ha bãi bồi ven biển, trong đó bãi triều cao khoảng 12,4 nghìn ha, bãi triều trung hơn 5,5 nghìn ha và còn lại là bãi cát ven biển. Vùng phân bố các loài cây ngập mặn ven biển Hải Phòng tập trung tại 7 địa phương ven biển là các huyện Thuỷ Nguyên, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Cát Hải và ba quận Đồ Sơn, Dương Kinh và Hải An. Cùng với nhiều địa phương khác, những năm qua, Hải Phòng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng bãi triều và rừng ngập mặn.

Tiềm năng là vậy nhưng hiện nay, rừng ngập mặn tại Hải Phòng đang có nguy cơ giảm sút về diện tích cũng như về chất lượng, chưa phát huy đầy đủ vai trò, vị trí quan trọng về phòng hộ rừng đối với môi trường sinh thái và xã hội.

Bên cạnh đó, sự gia tăng các hoạt động nuôi trồng thủy hải sản ven biển, việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong rừng ngập mặn một cách thiếu kiểm soát đã và đang ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái, suy giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên sống ven biển. Do vậy, nếu dự án được triển khai và nhận được sự hỗ trợ, hàng chục ha rừng ngập mặn sẽ được tái tạo, qua đó góp phần quan trọng đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển.

Nếu như năm 1989, ven biển Hải Phòng có khoảng 3.270 ha rừng ngập mặn thì đến năm 2007 đã giảm xuống còn 1.943 ha và tiếp tục giảm mạnh đến nay. Sự suy giảm diện tích rừng ngập mặn do bị chặt phá để lấy đất trồng lúa, nuôi thuỷ sản, tái định cư, đô thị hoá và làm khu kinh tế, giảm mạnh nhất điển hình như tại các vùng Đình Vũ, Cát Hải, Thuỷ Nguyên.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.