Năm 2024, dù mới cuối tháng 6 nhưng toàn thành phố Hải Phòng đã ghi nhận hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, con số này tăng 12,4 lần so với cùng thời điểm năm 2023.
Các ca bệnh được ghi nhận nằm tập trung nhiều ở các quận nội thành như: Hải An, Lê Chân, Ngô Quyền.
Đơn cử như tại quận Hải An, tính đến nay đã có hơn 200 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, số lượng và mức độ ghi nhận ca mắc mới tăng nhanh.
Riêng phường Đằng Lâm có hơn 80 ca mắc và 37 ổ dịch, phường Thành Tô có hơn 50 ca mắc với 39 ổ dịch, còn phường Cát Bi có hơn 30 ca mắc với 29 ổ dịch.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hải Phòng, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn miền Bắc ghi nhận 2.033 ca mắc sốt xuất huyết cao hơn 1,8 lần so với cùng thời điểm năm 2023. Trong những tuần gần đây số ca mắc thấp, số ca mắc bắt đầu tăng từ tuần 22, ghi nhận trung bình 200 ca/tuần. Tuy nhiên, các ca mắc rải rác 1-2 ca/ổ dịch, chưa ghi nhận ổ dịch tập trung lớn và chưa có ca gây tử vong.
Riêng tại thành phố Hải Phòng, tích lũy từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 619 trường hợp mắc, 131 ổ dịch, trong đó 71 ổ dịch đang hoạt động và chưa có trường hợp tử vong.
Dù vậy, trước tình hình dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát tình hình tại 2 quận trọng điểm là Lê Chân và Hải An. Hiện các cơ sở y tế đã chủ động bố trí thêm 30 giường bệnh, sẵn sàng phản ứng với những tình huống mới.
Sở Y tế Hải Phòng đã chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật phối hợp với các đơn vị y tế cơ sở chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng. Đồng thời phát động chiến dịch phun thuốc diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường, khử trùng tại các khu vực trường học, ổ dịch cũ, ổ dịch mới và khu vực có nguy cơ cao tại khu dân cư, song song với đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về dịch bệnh.
Để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế Hải Phòng đề nghị các Trung tâm Y tế, phối hợp các phòng y tế các quận/huyện bám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu UBND các quận/huyện có giải pháp phòng chống dịch cụ thể phù hợp với từng địa phương.
Các địa phương tiến hành rà soát vật tư hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch; xây dựng phương án ứng phó với tình hình dịch sốt xuất huyết có diễn biến xấu. Tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với phòng y tế chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai các văn bản chỉ đạo cũng như các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn.
Bên cạnh đó, việc công tác truyền thông tới cộng đồng cần được đẩy mạnh với đa dạng các hình thức khác nhau, trong đó tập trung vào các nội dung như: diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng, các biện pháp dự phòng, khi mắc bệnh người dân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bệnh sốt xuất huyết có thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 3-14 ngày, trung bình là 5-7 ngày, nguồn lây bệnh trong thời kỳ có sốt, nhất là 5 ngày đầu của sốt. Muỗi bị nhiễm vi rút thường 8-12 ngày sau hút máu có thể truyền bệnh và truyền bệnh suốt đời. Bệnh có thể xuất hiện và lây lan ở nơi đông dân cư tập trung, dân cư sống chen chúc và số người cảm thụ cao, vùng có vệ sinh môi trường kém,…