| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng làm ngơ để DN xả thải trái phép: Cơ quan chức năng ở đâu?

Thứ Ba 29/09/2020 , 12:58 (GMT+7)

Kênh thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và sản xuất nước sinh hoạt bị đổi màu bất thường, lặp đi lặp lại nhưng Sở TN-MT Hải Phòng chưa tìm ra nguyên nhân.

4 năm không tìm ra thủ phạm

Liên quan đến sự việc kênh Cẩm Văn 2 nhiều lần đổi màu vàng đỏ bất thường, xảy ra nhiều lần và lặp đi lặp lại nhiều năm, không được ngăn chặn, mới đây, ngày 6/8/2020, đoạn kênh này lại tiếp tục đổi màu bất thường với mức độ nghiêm trọng hơn trong phạm vi chiều dài khoảng 1,2km, nước có màu nâu đỏ, đậm đặc và lan tỏa lớn hơn, nổi váng, có cá chết và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

 
Điều ngạc nhiên là đoạn kênh phía sau 1 số doanh nghiệp nhiều lần thay đổi màu bất thường, lặp đi lặp lại nhưng cơ quan chức năng không tìm ra nguyên nhân. Ảnh: Đinh Mười.

Điều ngạc nhiên là đoạn kênh phía sau 1 số doanh nghiệp nhiều lần thay đổi màu bất thường, lặp đi lặp lại nhưng cơ quan chức năng không tìm ra nguyên nhân. Ảnh: Đinh Mười.

Theo UBND huyện An Lão, trước đây huyện đã có báo cáo UBND TP Hải Phòng, năm 2019 huyện này tiếp tục báo cáo và UBND TP Hải Phòng đã giao cho Sở TN-MT chủ trì cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, thực hiện quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm và đề xuất xử lý theo quy định nếu có sai phạm. Sau đó, Sở TN-MT đã có báo cáo về vụ việc, tuy nhiên không làm rõ được nguyên nhân kênh Cẩm Văn 2, xã Quốc Tuấn chuyển màu vàng đục bất thường.

Cũng theo UBND huyện An Lão, sự việc này đã xảy ra và lặp lại nhiều lần trong thời gian qua gây bức xúc trong nhân dân, do đó huyện đề nghị UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Sở TN-MT tiếp tục kiểm tra, làm rõ nguyên nhân sự việc, sớm có kết quả để người dân yên tâm và ổn định tình hình của địa phương.

Còn về phía Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ (Công ty Đa Độ), đoạn kênh xảy ra ô nhiễm thuộc quản lý của Công ty, tuy nhiên, từ trước đến nay xử lý thế nào phía Công ty không được biết, mới đây sau khi nắm bắt sự việc cũng đã làm công việc của mình là đắp chặn đoạn kênh ô nhiễm không để ảnh hưởng đến nguồn nước để chờ cơ quan chức năng xử lý.

“Vụ mới nhất vừa rồi, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương đắp lại để ngăn chặn lan ra, nhưng không để đắp mãi được. Giờ cơ quan chức năng xử lý đến đâu rồi chúng tôi cũng không biết, chúng tôi không có thẩm quyền xử lý. Về lâu dài không thể đắp mãi được, thành phố cần có giải pháp, hoặc cấp phép cho họ xả thải hoặc phải làm gì đó chứ mãi thế này thì không được”, ông Đỗ Văn Trãi – Tổng giám đốc Công ty Đa Độ cho biết.

Dù sự việc xảy ra thường xuyên và lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng Sở TN-MT Hải Phòng vẫn không làm rõ được nguyên nhân gây ra sự việc. Ảnh: Đinh Mười.

Dù sự việc xảy ra thường xuyên và lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng Sở TN-MT Hải Phòng vẫn không làm rõ được nguyên nhân gây ra sự việc. Ảnh: Đinh Mười.

Có hay không việc ‘dung túng’ cho doanh nghiệp xả thải trái phép?

Sự việc nhức nhối, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân nhưng sau 4 năm, các cơ quan chức năng từ huyện An Lão đến Sở TN-MT TP Hải Phòng đều‘bó tay’, không tìm ra nguyên nhân gây ra vụ việc. Vậy thực tế vụ việc có khó khăn, có ‘thâm cung bí sử’ đến mức không tìm ra manh mối hay không?

Về xã Quốc Tuấn, trái với những suy nghĩ ban đầu, khi  PV hỏi người dân sống dọc ven kênh Cẩm Văn 2 về việc ô nhiễm thì khá ngạc nhiên là hầu như ai cũng tỏ, thậm chí nói luôn thủ phạm là ai.

Qua giới thiệu của người dân thôn Hạ Câu, PV gặp anh T, người này nhận từng làm công việc nhúng mạ kẽm cho 1 doanh nghiệp trên địa bàn xã Quốc Tuấn từ năm 2017 đến năm 2018. Qua thuyết phục, anh T cho biết, quy trình nhúng mạ kẽm trong đó phải qua 3 bể, 1 bể chứa a-xít, 1 bể chứa nước và 1 bể chứa hóa chất. Sắt được nhúng vào bể chứa a-xít để làm sạch sau đó được nhúng vào bể nước để rửa a-xít, cuối cùng mới nhúng vào hóa chất. Nước ở bể thứ 2 được bơm vào liên tục để rửa a-xít, nước bơm vào thì phải xả ra.

Một người dân xã Quốc Tuấn, huyện An Lão bức xúc chỉ cho PV khu vực cá chết cvà bụi tre bị cháy lá khi chạm xuống mặt nước cách đây hơn 1 tháng. Ảnh: Đinh Mười.

Một người dân xã Quốc Tuấn, huyện An Lão bức xúc chỉ cho PV khu vực cá chết cvà bụi tre bị cháy lá khi chạm xuống mặt nước cách đây hơn 1 tháng. Ảnh: Đinh Mười.

“Mỗi năm công ty này nhập hàng trăm khối a-xít để nhúng nóng mạ kẽm, a-xít đổ vào trong bể chỉ làm được 1 tháng là loãng, không làm được nữa, thì phải bỏ đi. Tôi làm trực tiếp mã nhúng nóng, ngày còn làm việc ở đây, vào buổi đêm nhiều lần tôi thấy có người bơm trộm nước thải ra ngoài”, anh T kể.

Tiếp tục tìm hiểu vụ việc, PV liên hệ với ông Vũ Đức Thặng – nguyên Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn, là người tham gia các đoàn kiểm tra, chứng kiến vụ việc và trực tiếp 3 lần ký văn bản của xã gửi huyện và cơ quan chức năng liên quan để báo cáo và đề nghị phối hợp xử lý.

Ông Thặng cho biết, văn bản đầu tiên ông ký với chức danh là Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn để báo cáo huyện và để nghị xử lý về hiện tượng nói trên tại kênh Cẩm Văn 2 là ngày 28/8/2017. Sau đó, năm 2019, khi sự việc tiếp tục xảy ra, ông tiếp tục ký 2 văn bản nữa cũng về nội dung tương tự, tuy nhiên, đến nay khi ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn chưa nhận được bất cứ câu trả lời nào thỏa đáng từ cơ quan chức năng.

Văn bản của UBND xã Quốc Tuấn do ông Nguyễn Đức Thặng ký, gửi UBND huyện An Lão có về nghi vấn xả thải tại Công ty mạ kẽm Amecc vào tháng 7/2019. Ảnh: Đinh Mười.

Văn bản của UBND xã Quốc Tuấn do ông Nguyễn Đức Thặng ký, gửi UBND huyện An Lão có về nghi vấn xả thải tại Công ty mạ kẽm Amecc vào tháng 7/2019. Ảnh: Đinh Mười.

Thậm chí, theo ông Thặng, có lần kiểm tra điểm xả thải của Công ty mạ kẽm Amecc, phát hiện có dấu hiệu nghi vấn, phía xã và phòng NT-MT huyện đề nghị bên Sở TN-MT Hải Phòng lấy mẫu nước bên ngoài mương và trong bể chứa công ty này đi kiểm tra có phải cùng 1 mẫu nước hay không thì không được đồng ý.

“Tôi được ký 3 văn bản, đề nghị xử lý, nhưng không ăn thua… đâu lại vào đó, giờ kênh đó đen sì, ô nhiễm lắm rồi. Mới đây, thời điểm năm 2019, lúc đó chúng tôi đề nghị lấy nước bên trong bể của nhà máy mạ kẽm và bên ngoài cùng đi kiểm tra xem có cùng 1 loại không. Nếu lấy đi kiểm tra thì đã có thể xác định được nguyên nhân và đối tượng xả thải. Tuy nhiên phía Sở TN-MT lại gạt đi và cho rằng không bắt được quả tang” – ông Thặng nói.

Ngày 18/8/2020, ông Nguyễn Đình Chuyến - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có chỉ đạo Sở TN-MT chủ trì, cùng các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện kiểm tra, quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm kênh Cẩm Văn 2. Trường hợp ô nhiễm, xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây ô nhiễm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và báo cáo UBND TP Hải Phòng trong tháng 8/2020. Tuy nhiên, đến gần cuối tháng 9/2020, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Phạm Văn Thuấn – Phó Giám đốc Sở TN-MT Hải Phòng cho biết, vụ việc vẫn đang cho kiểm tra, chưa có kết quả.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất