Phối hợp có hiệu quả
Ngày 13/3, tại Hải Dương, lãnh đạo 3 tỉnh, thành gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương đã tham dự hội nghị hợp tác, phát triển để đánh giá kết quả hợp tác giữa 3 địa phương thời gian qua và thống nhất chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2022-2025.
Tại hội nghị này, đại diện cho 3 địa phương thông tin cho biết, trong những năm qua, Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh đã chủ động triển khai nhiều chương trình, nội dung hợp tác, thúc đẩy liên kết vùng và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Các sở, ban, ngành của 3 địa phương đã chủ động tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền mở rộng hợp tác và tích cực trao đổi thông tin, tham gia hội thảo về liên kết vùng, tổ chức thăm quan, học tập kinh nghiệm, tuyên truyền quảng bá…
Qua đó, đã bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đông Bắc Bộ.
Với lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự hợp tác giữa 3 địa phương, tuy nhiên giữa 3 địa phương vẫn có những hoạt động tích cực trong hợp tác lĩnh vực nông nghiệp.
Một trong các hoạt động tiêu biểu có thể kể đến như vào tháng 6/2020, Sở NN-PTNT Hải Dương phối hợp với Sở NN-PTNT Hải Phòng tổ chức sự kiện truyền thông xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại Kiến An, Kiến Thụy, Ngô Quyền (TP. Hải Phòng).
Thông quan sự kiện này, 2 địa phương đã kết nối tiêu thụ với các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trung bình mỗi ngày thụ được từ 5-7 tấn vải thiều, mang lại hiệu quả cao.
Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh bùng phát thời điểm Tết nguyên đán Tân Sửu, tỉnh Hải Dương có khoảng 4.000 ha rau vụ đông đến thời điểm thu hoạch, với sản lượng khoảng 90.000 tấn cần tiêu thụ.
Theo UBND tỉnh Hải Dương, các đơn vị thuộc Sở NN-PTNT của 3 địa phương thường xuyên thông tin, trao đổi về các vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó phối hợp xử lý những sai phạm, góp phần đảm bảo chất lượng giống, vật tư nông nghiệp.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại địa phương này, nông sản người dân khó khăn trong tiêu thụ, nhờ sự phối hợp và tạo điều kiện của TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa được thực hiện tốt, góp phần quan trọng giải quyết khó khăn cho nông dân.
Về kết nối hạ tầng giao thông, Hải Dương và Quảng Ninh đã hoàn thành 3 tuyến kết nối giao thông nhằm xóa bỏ ngăn cách các vùng huyện, thành phố, thị xã tiếp giáp giữa hai tỉnh, thuận lợi cho lưu thông giao thương đó là cầu Triều, cầu Mây và đường dẫn nối Quốc lộ 18 (thị xã Đông Triều) với Quốc lộ 5 và thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương).
Đã xây dựng tuyến kết nối đường tỉnh 398 TP. Chí Linh (Hải Dương) với đường tỉnh 345 thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), xây dựng tuyến kết nối mới từ Quốc lộ 18 với Quốc lộ 37 nối đường 184 thuộc địa phận TP.Chí Linh và cầu Đông Mai nối đến Quốc lộ 18 thị xã Đông Triều.
Giữa tỉnh Hải Dương và TP.Hải Phòng hoàn thành xây dựng cầu Dinh và đường dẫn kết nối đường trục thị xã Kinh Môn (Hải Dương) với đường tỉnh 352 huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Đã xây dựng tuyến kết nối đường tỉnh 390 huyện Thanh Hà (Hải Dương) vượt sông Thái Bình nối Quốc lộ 10 huyện An Lão (Hải Phòng), trong đó Hải Phòng xây dựng cầu Quang Thanh và đường dẫn.
Còn tỉnh Hải Dương xây dựng đường dẫn đầu cầu, quy mô đường cấp III đồng bằng, hoàn thành đồng bộ cùng thời điểm thông xe với công trình cầu Quang Thanh. Cùng với giao thông và nông nghiệp, các địa phương cũng tích cực phối hợp phát triển trong các lĩnh vực công thương, du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại những khu vực giáp ranh,....
Liên kết sản xuất nông nghiệp, phát triển thương hiệu phục vụ xuất khẩu
Cũng tại Hội nghị này, lãnh đạo 3 địa phương thống nhất chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2022-2025 cho các lĩnh vực nông nghiệp, công thương, hạ tầng giao thông, du lịch, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,...
Các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp đối với từng địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển liên kết vùng ngày càng đi vào thực chất, chiều sâu theo nguyên tắc “Chia sẻ - Đồng thuận - Cùng phát triển”, phát huy vai trò của 3 địa phương là những đầu tàu, cực tăng trưởng, địa bàn động lực trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và phía Bắc.
Trong đó, các địa phương tiếp tục phối hợp triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng chống dịch bệnh và hợp tác đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng.
Các địa phương tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, du lịch cũng như thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Mặt khác, sẽ nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư và thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số.
Đồng thời, các địa phương cũng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh trật tự, an toàn xã hội để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đặc biệt, 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bắc Giang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận di sản thế giới.
Cùng với đó, thống nhất sửa đổi, bổ sung tên Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) là: Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Côn Sơn, Kiếp Bạc cho phù hợp với vị trí địa lý, tên gọi theo địa danh của hồ sơ.
Với lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương thông nhất sẽ thường xuyên thông tin trao đổi về tình hình, diễn biến dịch bệnh và các biện pháp quản lý phòng trừ có hiệu quả để ngăn chặn, tăng năng suất cây trồng.
Phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch giống; kịp thời cung cấp danh sách cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ được cấp phép của từng địa phương để thuận tiện cho việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, vận chuyển đúng mục đích và truy xuất nguồn gốc.
Phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ, phòng chống cháy rừng và phát triển rừng bền vững cũng như ngăn chặn buôn bán trái phép nông sản và động vật hoang dã.
Các địa phương tiếp tục phối hợp giới thiệu, quảng bá xúc tiến thương mại nông sản giữa các địa phương nhằm đưa các sản phẩm nông sản thế mạnh của từng địa phương đến với thị trường Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương.
Sẽ tăng cường phối hợp phát triển liên kết sản xuất nông lâm sản, thủy sản theo chuỗi giá trị, phát triển thương hiệu nông sản phục vụ xuất khẩu, phối hợp trong hoạt động giám sát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm thủy sản không bảo đảm an toàn.
Mặt khác, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm những nội dung Hải Phòng, Quảng Ninh có thế mạnh như chế biến nông sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện nay, có một lượng giống vật nuôi (gà, lợn), vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng trên địa bàn tỉnh Hải Dương được phát hiện đi qua đường tiểu ngạch từ biên giới Trung Quốc qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh cần tăng cường kiểm soát những mặt hàng này tại cửa khẩu.
“Các địa phương sẽ xúc tiến để các doanh nghiệp chế biến nông sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Hải Phòng, Quảng Ninh đầu tư xây dựng nhà máy tại Hải Dương, thu mua nguyên liệu từ Hải Dương. TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông sản của Hải Dương thông thương qua địa bàn để xuất khẩu qua các cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không”, hội nghị thống nhất.
Về du lịch, trong những năm qua, đã thực hiện tốt công tác liên kết, hợp tác, phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố, trong đó có liên kết vùng phát triển du lịch giữa Hải Dương - Hải Phòng và Quảng Ninh.
Tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương đã tham gia ký kết các Chương trình và xây dựng, triển khai Kế hoạch hợp tác phát triển du lịch: (1) Hải Phòng - Hải Dương - Quảng Ninh; (2) Hải Phòng - Hải Dương; (3) Hải Dương - Quảng Ninh; (4) Thái Nguyên - Bắc Giang - Hải Dương - Quảng Ninh; (5) Thành phố Hồ Chí Minh - Quảng Ninh - Hải Phòng - Hưng Yên - Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn.
Về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công an tỉnh Hải Dương, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng đã xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp giữa các công an các địa phương trong công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Nhiều mô hình liên kết bảo đảm an ninh trật tự giữa các địa phương giáp ranh phát huy hiệu quả tốt, góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc ngay từ cơ sở.
Thông qua công tác phối hợp, đã giúp cho việc thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến các vụ việc, đối tượng phạm tội được nhanh chóng, kịp thời, chính xác phục vụ công tác xác minh, truy bắt đối tượng được thuận lợi, tiết kiệm được thời gian, nhân lực, kinh phí.
Đã tạo được sự liên kết, gắn bó, tạo dựng được thế trận an ninh nhân dân vững chắc, cơ bản khắc phục được những sơ hở, thiếu sót tạo kẽ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động.