| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng siết chặt quản lý giết mổ và tiêu thụ sản phẩm thịt lợn

Thứ Tư 16/09/2020 , 19:28 (GMT+7)

Thịt lợn, sản phẩm từ lợn đưa ra tiêu thụ phải được giết mổ, sơ chế tại cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng.

Tại kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) giai đoạn 2020 – 2025, UBND TP Hải Phòng đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng nhằm chủ động giám sát và phát hiện sớm dịch bệnh để kịp thời có biện pháp phòng, chống hiệu quả. Giúp giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng, thị trường tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn và xuất khẩu.

Hải Phòng mới phát triển được khoảng 50% so với tổng đang lợn trước DTLCP. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng mới phát triển được khoảng 50% so với tổng đang lợn trước DTLCP. Ảnh: Đinh Mười.

Theo đó, trong vòng 5 năm tới TP Hải Phòng sẽ tiến hành xây dựng thành công ít nhất 10 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn, 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Bằng các giải pháp, trong 2 năm đầu sẽ phải có ít nhất 90% số xã, phường, thị trấn ở TP Hải Phòng không có bệnh DTLCP, trong 2 năm tiếp theo là trên 95% và 2 năm cuối thực hiện kế hoạch là trên 99%.

TP Hải Phòng sẽ đầu tư để nâng cao năng lực phòng thí nghiệm của Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật trực thuộc Chi cục Chăn nuôi & Thú y, để cơ sở này đạt an toàn sinh học cấp độ III, đủ năng lực chẩn đoán xét nghiệm bệnh DTLCP,  góp phần phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi dịch mới phát sinh.

Mặt khác, UBND TP Hải Phòng cũng đưa ra những quy định, hướng dẫn cụ thể về chăn nuôi an toàn sinh học, tổ chức nuôi tái đàn, giám sát dịch bệnh, quản lý giết mổ, tiêu thụ các sản phẩm thịt và việc kiểm soát vận chuyển, buôn bán, sản phẩm từ lợn… sát với thực tế của địa phương.

Trong đó, đáng lưu ý là UBND TP Hải Phòng yêu cầu thịt lợn, sản phẩm từ lợn được buôn bán, tiêu thụ trên địa bàn TP Hải Phòng và vận chuyển đi các tỉnh, thành phố khác phải được giết mổ, sơ chế tại các cơ sở giết mổ được thẩm định, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Sản phẩm sau khi giết mổ phải vận chuyển bằng phương tiện vận chuyển lạnh chuyên dụng đáp ứng theo quy định khi đi tiêu thụ.

Quản lý chặt tốt việc giết mổ và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn cũng là 1 trong những yếu tố quan trọng giúp phòng chống DTLCP. Ảnh: Đinh Mười.

Quản lý chặt tốt việc giết mổ và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn cũng là 1 trong những yếu tố quan trọng giúp phòng chống DTLCP. Ảnh: Đinh Mười.

"Trường hợp lợn được vận chuyển từ tỉnh khác phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh nơi xuất phát theo quy định tại Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN-PTNT" - Văn bản nói rõ.

Theo Chi cục Chăn nuôi & Thú y Hải Phòng, về cơ bản, kế hoạch phòng chống dịch của thành phố được xây trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT và việc tái đàn sau dịch ở Hải Phòng chủ yếu đang diễn ra ở các trang trại, gia trại có quy mô, có quy trình phòng chống dịch tốt nên việc thực hiện có nhiều thuận lợi.

“Hải Phòng hiện này có khoảng 145.000 con bằng khoảng 50% tổng đàn trước khi xảy ra DTLCP, trong đó có tới 80% là từ tái đàn. Trên cơ sở kế hoạch của thành phố, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai, trước mắt là cho năm 2021. Kế hoạch của thành phố thậm chí còn có hướng mở, giúp hạn chế 1 số thủ tục cho người chăn nuôi… nên quá trình thực hiện chắc quá trình thực hiện sẽ được người chăn nuôi ủng hộ và không khó thực hiện”, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chi cục Chăn nuôi & Thú y TP Hải Phòng cho biết.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.