| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng: Chỉ hơn 10 tàu cá đáp ứng được yêu cầu an toàn thực phẩm!

Thứ Tư 13/05/2020 , 08:45 (GMT+7)

Hải Phòng có trên 400 tàu cá phải có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định nhưng mới chỉ hơn 10 tàu cá đáp ứng được yêu cầu.

Cảng cá Mắt Rồng chưa có ban quản lý cảng cá để tiếp nhận nhật ký khai thác của ngư dân. Ảnh: Đinh Mười.

Cảng cá Mắt Rồng chưa có ban quản lý cảng cá để tiếp nhận nhật ký khai thác của ngư dân. Ảnh: Đinh Mười.

Còn nhiều sai phạm

TP Hải Phòng vừa thành lập tổ công tác liên ngành về việc kiểm tra chống khai thác IUU trên địa bàn. Thành phần tổ liên ngành có 15 người, gồm lực lượng Bộ đội Biên phòng (chủ trì), Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản và ủy ban nhân dân các xã, phường có liên quan.

Tổ công tác có nhiệm vụ hoạt động kiểm soát tàu cá ở Cảng cá Mắt Rồng, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên và cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chấp hành đúng các quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Các tổ công tác sẽ tiến hành đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Theo thông tin ban đầu từ tổ công tác, cơ bản ngư dân đều chấp hành tốt pháp luật thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại, nhiều nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá, đăng kiểm tàu cá, một số tàu cá khai thác không đúng ngành nghề, tàu cá ra khơi không đủ định biên theo quy định, việc ghi chép nhật ký khai thác của ngư dân còn chưa đảm bảo.

Về an toàn thực phẩm, nhiều tàu cá, thuyền viên hoặc thậm chí thuyền trưởng, thuyền phó không có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, chưa được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.

Ngư dân khó thực hiện theo quy định

Về vấn đề này, thông tin với NNVN, ông Nguyễn Thanh Xuân – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho biết: Theo quy định (Thông tư 38), tất cả tàu trên 15m trở lên phải được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tàu cá.

Quá trình triển khai, hiện tại mới có một ít tàu cá ở Đồ Sơn và Cát Hải được cấp chứng nhận về an toàn thực phẩm. Việc này là thủ tục hành chính, phải qua lớp tập huấn đào tạo mấy ngày cho ngư dân về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trên cơ sở giấy chứng nhận đó và kiểm tra tàu cá đủ điều kiện như: Thiết kế, kết cấu và bố trí trên tàu cá; trang thiết bị, dụng cụ bảo quản sản phẩm và dụng cụ, hóa chất vệ sinh; hệ thống cung cấp nước và nước đá; hệ thống thoát nước thải; phòng vệ sinh; sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển và bốc dỡ thuỷ sản… mới cấp được giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Rất nhiều quy định mà ngư dân khó thực hiện, qua một thời gian tuyên truyền đã có thay đổi về nhận thức nhất định và cơ quan chức năng phải trực tiếp xuống từng thuyền để làm. Ví dụ quy định ông phải qua 1 cửa, nộp thủ tục và chờ đợi nhưng bây giờ phải xuống tận nơi hướng dẫn cho ngư dân” – ông Xuân chia sẻ.

Còn nhiều tàu cá chưa được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Ảnh: Đinh Mười.

Còn nhiều tàu cá chưa được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Ảnh: Đinh Mười.

Tìm hiểu của PV cho thấy, việc thực hiện cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tàu cá theo Thông tư 38 của Bộ NN-PTNT đang gặp nhiều khó khăn tại nhiều địa phương, không riêng Hải Phòng.

Việc bảo quản hải sản sau khi đánh bắt của ngư dân cơ bản vẫn làm theo phương thức truyền thống như: rửa sạch, để ráo nước, sắp xếp vào từng khay hoặc đưa vào hầm chứa và sử dụng nước đá xay nhỏ để bảo quản sản phẩm, một số sản phẩm được ngư dân phơi khô hoặc dùng muối tinh để bảo quản.

Một chủ tàu cho biết: "Muốn chứng nhận an toàn thực phẩm, đầu tiên ngư dân phải có kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua 1 bài test có mấy trăm câu hỏi và nộp phí 30.000đ/người... Nếu qua được kiểm tra và tàu đủ điều kiện theo quy định thì mới được cấp chứng nhận.

Giả sử nếu tàu có 5 người thì phải 5 người đủ điều kiện. Cái này thật sự khó, giờ phải linh động do lao động trên tàu không ổn định, thay đổi liên tục. Ít tàu đáp ứng được, nếu làm đúng để mà cấp theo đúng quy định thì không mấy tàu được cấp”.

Còn ngư dân Nguyễn Đức Tiệp ở Thủy Nguyên cho biết: "Trong nghề đánh bắt xa bờ, bạn thuyền thường thay đổi thường xuyên, chủ tàu với bạn thuyền cũng chỉ thỏa thuận bằng miệng, không có giấy tờ, ràng buộc và việc "chia tay" nhau diễn ra thường xuyên.

Có người đi được một thời gian đánh bắt thua lỗ thì họ sẽ “nhảy” tàu khác. Có trường hợp tàu chuẩn bị ra khơi nhưng phật ý nhau thì họ cũng không đi biển nữa và tàu lại phải nằm bờ. Do vậy, lao động trên tàu còn chưa đảm bảo, chưa nói gì đến việc thực hiện các quy định về cấp giấy chứng nhận này nọ".

Trước thực trạng này, để quản lý chặt chẽ việc chấp hành các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm thủy sản, thời gian tới Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho biết sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tàu cá, cử cán bộ trực tiếp gặp gỡ các chủ tầu cá, phát tờ rơi, tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới ngư dân về Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU.

Hiện tại, Hải Phòng có 1.190 tàu cá, trong đó tàu có chiều dài trên 15m, cần phải có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là 419 chiếc. Trong số đó, nghề lưới kéo có 39 chiếc, nghề lưới rê có 98 chiếc, nghề chụp có 148 chiếc, còn lại là nghề khác và hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.