Nhiều tiền của, giàu lòng nhân hậu
Suốt cuộc trò chuyện, ông Phan Thanh Châu, thầy giáo đã về hưu ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) luôn bày tỏ lòng kính ngưỡng công đức đắp đập của hai bà Châu Thị Ngọc Mã và Trần Thị Ngọc Lân.
Ông Châu cảm động kể chuyện hai bà tự bỏ tiền thuê nhân công đắp đập thủy lợi chặn dòng sông Kôn, dâng nước tưới cho ruộng đồng, mang đến cho nông dân trong vùng đời sống ấm no. Ghi nhận công trạng, vua Minh Mạng phong thần và sắc tứ cho hai bà Châu Thị Ngọc Mã và Trần Thị Ngọc Lân. Mã - Lân là tên hai linh vật trong triều đình lúc bấy giờ.
Thầy Châu kể lại chuyện mà ông được nghe ông nội mình kể từ thuở còn thơ: Hai bà Châu Thị Ngọc Mã và Trần Thị Ngọc Lân là hai hào phú người xã Nhơn An. Nhà nhiều tiền của, lại giàu lòng nhân hậu, nên hai bà tự bỏ tiền mua đất, thuê nhân công đào và khơi dòng nhánh phía Bắc của sông Kôn. Rồi thuê nhân công lên rừng chặt cây, bổi, tre, nứa về đóng cọc, dựng khịa, đổ cát để đắp đập chặn dòng, dâng nước, đưa về tưới cho ruộng đồng.
Cũng theo thầy Châu, thời Tây Sơn phu phen bận bịu chuyện giặc giã, không ai lo chuyện nông nghiệp, nên nước của dòng sông Kôn không chảy thấu về hạ bạn (vùng đồng bằng gần cửa sông). Thấy vậy, hai bà bỏ tiền ra thuê nhân công vét sông, vét những bãi bồi trong lòng sông, lúc đó nước sông Kôn mới về đến hạ bạn.
Nước về rồi thì mừng, nhưng trôi tuột hết xuống biển, những vùng ruộng cao không lấy được nước tưới từ con sông. Hai bà thấy vậy nên thuê nhân công đắp con đập bổi để dâng nước, làm kênh mương điều tiết về vùng sâu, đưa nước về vùng cao. Có nước tưới, ruộng đồng xanh tốt, mùa màng bội thu, nông dân trong vùng có cuộc sống ấm no.
“Ông nội tôi kể, xưa kia, mỗi lần xuống ván đóng các cửa của đập bổi chặn dòng lấy nước tưới, dân làng tổ chức cúng kính rất trang trọng. Khi dở ván lên để tiêu thoát lũ, dân làng cũng cúng để cầu cho nước lũ không làm trôi đập. Chẳng những đắp đập, hai bà còn để lại 10 mẫu ruộng cho người dân trong vùng canh tác, lấy lợi tức thuê nhân công sửa sang, bồi trúc đập sau những mùa bão lũ, 10 mẫu đất này được các triều vua công nhận. Năm 1916, dưới triều vua Khải Định.
Đập Đá, giờ là đập Thạch Đề nằm trên địa bàn phường Đập Đá (thị xã An Nhơn, Bình Định) do hai bà đắp được người đương thời bê tông hóa. Đây là con đập xây bằng xi măng đầu tiên của Bình Định và cũng là đập xi măng đầu tiên của Trung Kỳ dưới thời phong kiến”, thầy Châu chia sẻ.
Đặc biệt, công đức của hai bà được cả triều Nguyễn Tây Sơn và triều Nguyễn Gia Miêu cùng vinh danh. Hơn thế, cảm công đức của hai bà, vua Minh Mạng phong thần và sắc tứ cho bà Châu Thị Ngọc Mã và bà Trần Thị Ngọc Lân. Với công lao to lớn, hai bà họ Châu và họ Trần sau khi mất được nhân dân lập đền thờ có tên gọi là Đền thờ Châu - Trần nhị thị, tên gọi này được lưu truyền cho đến ngày nay.
Con đập xi măng đầu tiên ở Trung bộ
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định, hiện nay, ngành chức năng tỉnh này đang biên soạn hồ sơ di tích đề nghị công nhận Đền thờ Châu - Trần nhị thị là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Ngành chức năng Bình Định đã tiếp cận tài liệu, tìm hiểu thông tin từ gia đình, gia phả dòng họ Châu do ông Châu Thành Yển, cháu đời thứ 9 của bà Châu Thị Ngọc Mã hiện đang lưu giữ và từ các cụ cao niên ở xã Nhơn An và phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn).
Tài liệu xưa cho thấy: Sông Thạch Yển xưa gọi là sông Bằng Châu, đập bổi mà hai bà Châu - Trần đắp để dẫn nước vào ruộng trong Đại Nam nhất thống chí gọi là “Bằng Châu giang Thạch Yển”, dịch ra là Đập Đá sông Bằng Châu.
Sông Kôn gắn liền với tên tuổi những bậc tiền hiền có công ngăn sông, đắp đập qua các giai đoạn lịch sử, đáng chú ý là đoạn hạ lưu chảy qua địa phận thị xã An Nhơn. Nơi đây, hệ thống đập bổi được xây đắp khá sớm, từ thế kỷ XVII, như: Bến Cát, Thạnh Hòa, Thị Lựa, Tháp Mão…
Những người có công trong việc xây đắp đập bổi, khai thông mương máng đưa nước về đồng ruộng đã được các triều Lê - Nguyễn phong thần và sắc tứ, khi chết đều được người đời sau lập dinh, miếu, thờ cúng long trọng hàng năm, trong đó có Đền thờ Châu - Trần nhị thị.
Cháu 6 đời của ông tổ Trần Đình Cơ là Trần Văn Nghĩa đã cùng với hai bà Châu - Trần ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) tổ chức đắp đập Bảy Yển tại nơi phân lưu phía Bắc và Nam. Hai bà Châu - Trần chịu trách nhiệm nhánh phía Bắc, ông Trần Văn Nghĩa chịu trách nhiệm nhánh phía Nam.
Năm Bính Thìn (1916) triều Khải Định, Hội Bảo nông Bình Định do bá hộ Nguyễn Cẩn, bá hộ Lâm Thanh Cẩn và phú hộ Ôn Huỳnh Châu đứng ra cổ động góp cổ phần tôn tạo Đập Đá bằng xi măng thay cho đập bổi để dẫn thủy nhập điền. Đây là con đập xi măng đầu tiên của Bình Định cũng như của vùng Trung bộ.
Để nhớ công đức hai bà, người đời sau đã lập dinh thờ hai bà tại Đập Đá (nay là đập Thạch Đề) và tổ chức tế lễ, hát bội vào mồng Bốn tháng 4 âm lịch hàng năm. Dinh thờ hai bà bị sập trong chiến tranh, chỉ còn di tích nền móng, hiện người dân địa phương đã đóng góp kinh phí phục hồi điện thờ hai bà tại vị trí cũ rất khang trang.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định, ngoài Đập Đá, đập Cây Sung đưa nước về sông La Vỹ hiện nằm sau chùa Thập Tháp thuộc thôn Bắc Thuận, xã Nhơn Hậu và khu vực Vĩnh Phú, phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn), cũng gắn liền với công trạng của bà Châu Thị Ngọc Diên và bà Trần Thị Ngọc Lân.