| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 04/05/2022 , 17:30 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

17:30 - 04/05/2022

Hai thế hệ người Việt

Trả lại cho người trẻ những gì thuộc về họ, trả lại bằng sự chân thành, tin tưởng và đồng hành.

MV mới nhất của Sơn Tùng bị rầm rộ lên án, phản đối, và kêu gọi report trên khắp cõi mạng bởi chính các phụ huynh và “người lớn” nói chung, rồi các “cơ quan chức năng vào cuộc”, đã buộc ca sĩ này phải chủ động khóa bài. Sự vụ chưa kịp lắng xuống thì nữ ca sĩ 8X Lê Cát Trọng Lý lại bị nhiều người đưa lên mạng xã hội với nhiều chỉ trích nặng nề vì một phát ngôn của cô về nỗi buồn của thế hệ trẻ ngày nay.

Trong khi làm tất cả những việc ấy đối với các nghệ sĩ trẻ, không mấy ai chợt nhớ đến cảm nhận của những người mà họ đang muốn bảo vệ: con cháu và học trò mình. Đã có ai đi hỏi các em tuổi teen cho đến các bạn sinh viên xem họ đang nghĩ gì và cảm thấy gì chưa? Dường như là không. Chúng ta vẫn như thế, luôn muốn nghĩ thay, làm thay và sống thay.

Chúng ta luôn sẵn sàng lao ra để bảo vệ con em mình khi thấy một điều gì đó mà ta cho là không tốt, cho là một mối nguy. Trong khi nhiệt tình làm những việc như thế, ta để những đứa trẻ cô đơn.

Những cái “chúng ta” đó là ai? Là những người già. Có thể không hẳn chỉ già về tuổi tác, nhưng là thuộc về một thế hệ khác – thế hệ của những người đã đi qua chiến tranh và cả lớp người của giai đoạn hậu chiến. Thế hệ ấy dường như không thấy được người trẻ, không nghe được người trẻ, không nói chuyện được với người trẻ.

Những hiểm nguy, mất mát, thiệt thòi cùng với cung cách sống của thời chiến và hậu chiến đã hình thành nên những lớp người vừa khắc nghiệt, vừa sợ hãi. Thay vì cố gắng hiểu để làm bạn với người trẻ, họ quay ra ngăn ngừa hết thảy. Cho dù có những thứ ở giới trẻ có thể là xấu, là tiêu cực thật, nhưng phải nói chuyện với họ chứ không phải chửi bới và cấm đoán. Khi không hiểu nhau thì mọi nỗ lực đều thất bại.

Trẻ em có thích nghe nhạc của người lớn chăng? Đa số là không, cũng như người lớn không thích nhạc trẻ em. Thị hiếu âm nhạc chỉ là một ví dụ, bất kỳ một lãnh vực tinh thần nào cũng đều có tính thời đại, phụ thuộc vào tuổi tác, nghề nghiệp, v.v, và đặc biệt là tính cá thể hóa. Chúng ta rất mau quên, rằng mình cũng từng có một thời thích loại nhạc mà nay ta gọi là “giải trí”, là “thị trường”, thậm chí là nhí nhố, trẻ trâu. Thế hệ nào cũng vậy, đều phải trải qua cái giai đoạn “trẻ trâu” ấy, nếu không nói là cần phải trải qua.

Tuy nhiên, thay vì nhớ lại và thấu hiểu để đồng hành, ta dựng lên những hàng rào với đầy những định kiến và từ đó áp đặt. Ta coi những thứ mà ta không thích ấy là nhố nhăng, là vớ vẩn, thậm chí là độc hại rồi chỉ trích và cấm đoán. Tai hại hơn, ta mang tâm thế thù nghịch và quay lưng đoạn tuyệt.

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, cũng như mọi giai đoạn trong quá khứ, vốn luôn tồn tại nhiều thế hệ với sự khác biệt giữa họ, nhưng bây giờ dường như ranh giới của nó ngày càng rộng, hàng rào ngày càng dày, hố ngăn cách ngày càng sâu. Lớp người thời chiến (và hậu chiến) thì khắc nghiệt, sợ hãi và chuyên quyền; còn lứa sau (đương đại) thì nổi loạn, cởi mở, dung nhận và cũng đầy hoang mang.

Ai sẽ phải hiểu ai? Ai sẽ phải chấp nhận ai? Thế hệ trẻ chăng? Không. Làm sao họ có thể hiểu, có thể “bao dung” cho thế hệ già khi mà chính họ đã lớn lên trong ngôi nhà của thế hệ ấy! “Giỏ nhà ai quai nhà nấy”, “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Người xưa có câu “ba tuổi định tám mươi”, đến lúc hiểu ra để có thể chấp nhận thế hệ trước thì tính cách đã định hình và gần như không thay đổi được nữa. Đó là một bi kịch.

Trong gia đình và xã hội Việt ngày nay, sự hiện diện và xung đột của hai thế hệ già và trẻ ấy không còn thô lậu như giai đoạn trước nữa. Người già đã biết chấp nhận nhiều hơn, nhưng ranh giới còn đó. Ông bà cha mẹ thầy cô vẫn muốn kiểm soát con cái và học trò. Việc lo thay, nghĩ thay và sống thay nhân danh tình yêu và trách nhiệm kia đã vô tình chiếm đoạt luôn không gian tinh thần lành mạnh của người trẻ. Muốn giành lại, họ nổi loạn, một số khác thì bất lực và rơi vào trầm uất. Họ, những người già, không thể làm bạn với người trẻ. Đó là một sự đứt gãy ngầm, khiến những người trẻ luôn cô đơn, lạc lõng và cảm thấy bị đàn áp, mất tự do. Ở một góc độ nào đó, sự xung đột thế hệ ngày nay nguy hại hơn thời trước vì cái nền tảng chung về tinh thần (lý tưởng xã hội) dường như đã không còn. Tất cả đều chới với.

Cần một cuộc trẻ hóa người già, không phải để cưa sừng làm nghé mà là để có thể làm bạn và đồng hành với người trẻ. Một xã hội văn minh là cái xã hội mà sự thấu và tôn trọng giữa người với người phải hiện hữu như một lẽ tất nhiên.

Không ai đòi hỏi người già phải thích nhạc trẻ, nghĩ như người trẻ sống như người trẻ cả, nhưng chắc chắn không thể vì thế mà trở nên đối đầu. “Căn phòng riêng”, cả người trẻ lẫn người già đều cần có “căn phòng riêng” của mình, bên cạnh căn phòng chung. Người già không thể tiếp tục chiếm dụng hết mọi không gian tinh thần và hành xử theo lối ban phát như đang là. Cần trả lại cho người trẻ những gì thuộc về họ, trả lại bằng sự chân thành, tin tưởng và đồng hành.