![hamas-canh-bao-thoa-thuan-ngung-ban-o-gaza-co-nguy-co-do-vo-074428_230.jpg Các con tin người Israel được các chiến binh Hamas trao trả cho Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế theo thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi tù nhân với Israel, tại Deir al Balah, Gaza, hôm 8/2. Ảnh: Anadolu.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/09/hamas-canh-bao-thoa-thuan-ngung-ban-o-gaza-co-nguy-co-do-vo-074428_230-075209.jpg)
Các con tin người Israel được các chiến binh Hamas trao trả cho Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế theo thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi tù nhân với Israel, tại Deir al Balah, Gaza, hôm 8/2. Ảnh: Anadolu.
Lệnh ngừng bắn do Qatar, Ai Cập và Mỹ làm trung gian dự kiến sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, Hamas sẽ thả 33 con tin, bao gồm trẻ em, nữ binh sĩ, người bị thương và bệnh tật, để đổi lấy 1.904 người Palestine bị chính quyền Israel giam giữ.
Hôm 8/2, 183 tù nhân Palestine bị giam giữ trong các nhà tù Israel đã được thả, trong khi Hamas trả tự do cho 3 tù nhân Israel mà họ đang giam giữ ở Gaza. Tel Aviv cho biết đã bất ngờ khi thấy vẻ ngoài hốc hác của 3 con tin mới được thả.
Basem Naim, một thành viên của văn phòng chính trị của Hamas, nói rằng nhóm này không muốn chiến tranh trở lại, nhưng cảnh báo rằng hành động của Israel có thể gây nguy hiểm cho thỏa thuận ngừng bắn. "Quay trở lại chiến tranh chắc chắn không phải là điều chúng tôi mong muốn cũng không phải là quyết định của chúng tôi", ông nói, đồng thời cáo buộc rằng Israel "trì hoãn và thiếu cam kết trong việc thực hiện giai đoạn đầu tiên... chắc chắn khiến thỏa thuận này gặp nguy hiểm và do đó nó có thể dừng lại hoặc sụp đổ."
Ông Naim cũng kêu gọi các nước Ả Rập không công nhận Israel. "Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia Ả Rập, cả những nước hiện đang bình thường hóa và những nước đang xem xét bình thường hóa, hãy dừng điều này lại", ông nói.
Mỹ đã cố gắng khiến Ả Rập Xê Út bình thường hóa quan hệ với Israel trong nhiều năm. Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, ông Trump nói về mong muốn được chứng kiến mối quan hệ chính thức giữa hai bên, viện dẫn Hiệp định Abraham. Thỏa thuận do Mỹ làm trung gian, được công bố vào năm 2020 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, đã bình thường hóa quan hệ của Israel với Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Morocco. Các thỏa thuận nhằm thúc đẩy "quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia", chấm dứt "cực đoan hóa" và "văn hóa hòa bình" thông qua "đối thoại liên tôn giáo và liên văn hóa".
Trong một bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2024, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng cho rằng "một thỏa thuận bình thường hóa giữa Ả Rập Xê Út và Israel dường như đã ở gần hơn bao giờ hết" trước khi cuộc chiến ở Gaza, nổ ra vào tháng 10/2023, khiến Riyadh phải gác lại nỗ lực này.
Đầu tuần này, tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra ý tưởng về việc Washington kiểm soát khu vực này. Ông cũng đề xuất di dời người Palestine ra khỏi Gaza, và khiến các các quốc gia láng giềng chi trả cho điều này. Khi được hỏi liệu Ả Rập Xê Út có muốn thành lập một nhà nước Palestine để đổi lấy việc công nhận Israel hay không, ông Trump trả lời: "Không, họ không muốn vậy".
Riyadh đã tái khẳng định lập trường của mình rằng họ sẽ không thiết lập quan hệ với Israel nếu không người Palestine chưa có được độc lập: "Bộ Ngoại giao khẳng định rằng lập trường của Vương quốc Ả Rập Xê Út về việc thành lập một nhà nước Palestine là vững chắc và kiên định".