Chiều 7/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai về tình hình thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án hồ chứa nước Ia Thul và hệ thống kênh nhánh công trình thủy lợi Ia Mơr.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN-PTNT), hồ chứa nước Ia Thul được xây dựng có dung tích khoảng gần 84 triệu m3 cùng hệ thống lấy nước, dẫn nước để cấp và tạo nguồn.
Tổng diện tích sử dụng đất hồ chứa nước Ia Thul khoảng hơn 924ha, tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ NN-PTNT quản lý, thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2023 đến năm 2028.
Việc hồ chứa nước Ia Thul được xây dựng sẽ cấp và tạo nguồn cấp nước tưới ổn định cho 8.600ha đất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho 28.500 người dân, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã nghèo của huyện Ia Pa và Krông Pa (tỉnh Gia Lai).
Theo đánh giá, việc cấp nước chủ động từ hồ chứa nước Ia Thul sẽ tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cho người dân vùng dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra dự án cũng góp phần cải thiện môi trường sinh thái và vệ sinh môi trường của khu vực được cấp nước.
Trong khi đó, hệ thống kênh nhánh hồ thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) đã và đang được đầu tư xây dựng để đảm bảo tưới cho khoảng hơn 2.100ha đất canh tác nông nghiệp hiện hữu thuộc huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.
Theo đó, 10 tuyến kênh nhánh thuộc kênh chính Đông và chính Tây sẽ được xây dựng với tổng chiều dài hơn 30km và các công trình trên kênh.
Tổng diện tích sử dụng đất của hệ thống kênh nhánh hơn 49ha, tổng mức đầu tư gần 210 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến 2 năm kể từ khi khởi công xây dựng.
Trước đó, dự án hồ chứa nước Ia Mơr đã hoàn thành với dung tích 177,8 triệu m3; hồ PleiPai dung tích 20,9 triệu m3; đập dâng Ia Lốp; hệ thống kênh chính, một phần hệ thống kênh nhánh đảm bảo đủ năng lực cấp nước tưới cho hơn 14.000ha. Khu tưới thực tế đã hình thành, người dân đang sản xuất nông nghiệp khoảng hơn 9.400ha, đạt 66%.
Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, trên cơ sở ý kiến tham gia của các đơn vị liên quan, Sở NN-PTNT đã tổng hợp báo cáo nghiên cứu về dự án hồ chứa nước Ia Thul và hệ thống kênh nhánh thủy lợi Ia Mơr.
Theo đó, để phát huy hiệu quả hồ chứa nước Ia Thul, đề nghị bố trí đầu tư đồng bộ từ đầu mối đến hệ thống kênh nội đồng dẫn nước phục vụ sản xuất khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Đồng thời, bố trí đầu tư nâng cấp, mở rộng cầu Bến Mộng, đoạn đường giao thông vào vùng tưới của dự án, đường quản lý vận hành kết hợp đường giao thông nông thôn để thuận lợi trong việc quản lý vận hành công trình và sản xuất, vận chuyển nông sản.
Liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng 10,76ha đất rừng để thực hiện dự án công trình thủy lợi Ia Mơr, sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp cùng các Sở, ngành tham mưu, đề xuất UBND tỉnh gửi Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xin quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trước mắt, chủ đầu tư nghiên cứu lại hạ tầng xây dựng phục vụ cho hồ chứa nước Ia Thul cần phải đồng bộ hơn. Hồ chứa nước Ia Thul có điểm nhấn về du lịch, vì vậy toàn bộ cảnh quan, kiến trúc phải nghiên cứu ngay từ đầu, trong đó lưu ý đến những nét văn hóa của địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho rằng, vùng tưới của huyện Krông Pa với hơn 3.300ha cần phải tính toán lại, không chỉ có mỗi đường ống 9km chạy đến điểm đầu của vùng tưới ma phải làm sao đến khi hoàn thành công trình thì hệ thống kênh nhánh cũng xong.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, để hồ chứa nước Ia Thul hoàn thành vào năm 2028, ngay từ bây giờ có rất nhiều thứ phải làm. Đặc biệt liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng. Trong đó, làm rõ về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất. Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng gặp rất nhiều khó khăn về nguồn gốc đất. Thứ trưởng đề nghị địa phương cần có chính sách ngay từ đầu để tháo gỡ vấn đề này.
Về đất sản xuất và sinh kế của người dân, có gần 2.800 hộ bị ảnh hưởng nhưng chủ yếu ảnh hưởng về đường ống. Tuy nhiên, vẫn cần phải rà soát lại để có những hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng.
Cuối cùng, Thứ trưởng mong muốn các bên liên quan cần phối hợp và có trách nhiệm, hạn chế “chuyền bóng” đùn đẩy trách nhiệm để dự án sớm được triển khai xây dựng.
Liên quan đến hồ chứa nước Ia Mơr, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, việc chúng ta cần phải làm ngay là xây dựng hệ thống kênh nhánh để đảm bảo tưới cho khoảng hơn 2.100ha đất canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, dự án hiện đang bị vướng vào đất rừng. Chính vì vậy, tỉnh Gia Lai cần báo cáo sớm về điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng vì nếu không khó làm được. Hết năm nay mà không phê duyệt được dự án này thì công trình buộc phải dừng lại, đồng nghĩa với việc hơn 2.100ha không thể tưới được.