Ngày 19/10, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội thảo truyền thông bảo vệ môi trường lĩnh vực ngành nghề nông thôn năm 2022.
Hội thảo được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường ngành nghề nông thôn. Qua đó, đề xuất các giải pháp, mô hình quản lý, xử lý phù hợp theo hướng thân thiện với môi trường, từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Đồng thời, tạo cơ hội để các doanh nghiệp và cơ quan quản lý gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ một số mô hình tiên tiến có hiệu quả; khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư phát triển gắn với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, góp phần đảm bảo tiêu chí về Môi trường trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP).
Đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có hơn 3.577 hộ/cơ sở tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn, được chia thành các nhóm: Chế biến, bảo quản nông thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thuê ren, đan lát, cơ khí nhỏ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cư dân nông thôn.
Đến nay, đã có 6 nghề và 1 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định công nhận, đó là: Nghề truyền thống bún Long Kiên, rượu Hòa Long (TP Bà Rịa), bánh tráng An Ngãi (huyện Long Điền), bánh hỏi An Nhứt (huyện Long Điền), sò ốc mỹ nghệ phường Thắng Tam (TP Vũng Tàu), sản xuất muối huyện Long Điền và 1 làng nghề truyền thống mới được công nhận là Làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền.
Tại "Hội thảo truyền thông bảo vệ môi trường lĩnh vực ngành nghề nông thôn năm 2022”, lãnh đạo Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn cũng như cải thiện, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và tạo bước chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phát triển bền vững.
Tham dự hội thảo, các đơn vị, doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về các chủ đề như: Một số giải pháp trong việc thu gom xử lý bao vỏ thuốc bảo vệ thực vật, các phụ phẩm thải gây ô nhiễm từ quá trình sản xuất, chế biến; bảo vệ môi trường trong lĩnh vực trồng trọt; công tác tham gia bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững; công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm cho sản phẩm thủy sản xuất khẩu; thực trạng xử lý môi trường trong sản xuất.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Thúc Tiên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định: Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian tới, cần thực hiện nhất quán quan điểm sản xuất, kinh doanh phải gắn với bảo vệ môi trường, tuyệt đối không hi sinh lợi ích môi trường để đạt một số lợi ích kinh tế trước mắt.
Xem xét hạn chế hoặc không khuyến khích phát triển một số ngành nghề gây ô nhiễm môi trường. Một số hoạt động hoặc công nghệ cần được nghiêm cấm triệt để nếu gây tác động, ảnh hướng xấu đến môi trường, sức khỏe của con người. Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn đầu tư và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, xã hội hóa nguồn tài chính trong bảo vệ môi trường làng nghề.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, nghiên cứu, xây dựng các quy trình, biện pháp triển khai xử lý ô nhiễm theo đúng quy định, qua đó góp phần thúc đẩy ngành nghề phát triển bền vững.
Giai đoạn 2021 - 2025, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu: Phát triển ngành nghề nông thôn hướng tới bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống gắn với du lịch, tạo hiệu quả kép vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất vừa khẳng định sụ đa dạng, phong phú, chất lượng và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc với nét riêng của du lịch tỉnh; khuyến khích phát triển những nghề mới phù hợp nhu cầu thị trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, tạo việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phát triển một số sản phẩm ngành nghề nông thôn chủ lực của tỉnh tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm.