Trong 2 nhiệm kì của mình, Obama được các chuyên gia đánh giá xem là cẩn trọng hơn người tiền nhiệm George Bush trong những quyết định đối ngoại của mình.
Có lẽ do không là người thuộc trường phái diều hâu trong giới chính trường Mỹ nên Obama là người ưu tiên các biện pháp đàm phán, thêm bạn bớt thù, và không xem những giải pháp vũ lực như là lựa chọn hàng đầu của mình (nhưng ông cũng chứng tỏ mình là người cứng rắn trong trường hợp cần thiết như các vụ không kích máy bay không người lái, cuộc đột kích tiêu diệt Bin Laden…).
Trên nền tảng này, Tổng thống Obama đã làm được 2 điều có ý nghĩa to lớn trong việc hàn gắn các vết thương quá khứ của Mỹ đối với 2 cựu thù: Cuba và Iran. Nói vậy không có nghĩa là quan hệ của Mỹ đối với 2 quốc gia này đã hoàn toàn bình thường.
Những cấm vận vẫn còn đó và sự tin tưởng hoàn toàn là chưa thể có được trong một sớm một chiều. Nhưng những nền gạch xây trụ mà Obama đã dũng cảm đặt xuống trước sự chỉ trích của không ít tiếng nói ở Washington là những viên gạch vững chắc cho một tương lai mới của Mỹ với Iran và Cuba.
Iran
Vấn đề chương trình hạt nhân của Iran là một chủ đề luôn được đặt vào hàng ưu tiên hàng đầu của mỗi Tổng thống Mỹ. Nếu như Iran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân thì các đồng minh thân cận của Washington trong khu vực như Israel hay Ả Rập Xê Út sẽ bị đặt vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc (Israel thẳng thừng tuyên bố sẽ dùng đến giải pháp quân sự nếu nhận thấy Iran chỉ còn cách sở hữu vũ khí hạt nhân một bước chân).
Vì vậy mà việc chính quyền Obama, sau nhiều lần đàm phán thất bại, đạt được thỏa thuận lịch sử với Iran về việc giảm lượng và chất của uranium được làm giàu bởi Tehran là một thành công ngoài mong đợi của nhiều người.
Lí do là vì trước đó, rất nhiều vòng đàm phán đã gục ngã trước cửa thiên đường. Vì vậy mà khi Toàn Giáo chủ Iran Al Khamenei đăng trên Twitter rằng thỏa thuận đã chính thức được kí, giới chính khách và quan sát chính trị toàn cầu đã trút được gánh nặng.
Có một câu nói đùa là nếu muốn biết bất kì thỏa thuận nào mà Mỹ đạt được với Iran có thành công hay không, chỉ cần xem phản ứng của Israel. Và nếu xét trên phương diện này thì có lẽ đây là một thỏa thuận này là một đại thành công. Thủ tướng Israel Netanyahu gọi thỏa thuận này là "một sai lầm lịch sử của Mỹ". Không rõ là có gì sai lầm trong việc chặn mọi con đường mà Tehran có thể tiến đến sở hữu đủ uranium làm giàu cho mục đích quân sự trong thời gian tối thiểu là 10 năm.
Thực tế thì mặc dù những nghị sĩ và ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa, như thường lệ, dùng những lời lẽ nặng nề nhất để chỉ trích hành động, mà theo lời họ, "là bắt tay với quỉ dữ của Obama" nhưng những học giả và giới quan sát chính trị trung lập đều tin tưởng rằng Obama đã có được một thỏa thuận tốt.
Ăn mừng trên đường phố Tehran sau ký kết thỏa thuận hạt nhân
Harold Brown, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời Tổng thống Jimmy Carter, người có rất nhiều kinh nghiệm trong những đàm phán tay đôi để giảm thiểu kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh lạnh cho rằng "chỉ những kẻ ngu mới không kí vào bản thỏa thuận đó". Ông còn kêu gọi những người đảng Cộng hòa hãy dẹp bỏ thứ chính trị đảng phái và nhìn vào lợi ích chung của nước Mỹ.
Cuba
So với thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran thì việc Mỹ nối lại quan hệ song phương với Cuba ngoạn mục không kém. Hai cựu thù thời Chiến tranh lạnh này, từng đẩy thế giới đến bên bờ vực một cuộc chiến hạt nhân trong thời điểm cuộc khủng hoảng hạt nhân năm 1961, đã chính thức tiến những bước đi đầu tiên để tiến tới bình thường hóa quan hệ.
Khi chuyên cơ Không lực 1 của Tổng thống Obama hạ cánh xuống thủ đô Havana, một chương mới của quan hệ Mỹ - Cuba đã chính thức được mở ra. Mặc dù đôi bên còn nhiều vấn đề cần giải quyết như lệnh cấm vận với Cuba được Mỹ áp dụng từ thời chiến tranh lạnh vẫn chưa được gỡ bỏ, Cuba vẫn là một nước với hồ sơ về nhân quyền nghèo nàn nhưng sau cuộc đàm thoại đầu tiên sau nhiều thập kỉ, cả hai nhà lãnh đạo Obama lẫn Raul Castro đều có những điều tốt để nói về nhau.
Obama gọi cuộc trò chuyện là "chân thật và cởi mở" và mạnh mẽ tuyên bố rằng nước Mỹ sẽ "không bị trói buộc bởi quá khứ". Castro, khác với người anh trai Fidel, dành những lời có cánh cho Obama khi không đánh đồng Obama vào danh sách "kẻ thù đối với cuộc cách mạng của Cuba".
"Có khoảng 10 tổng thống Mỹ trước ông ấy, tất cả họ đều có món nợ với chúng tôi, nhưng không phải Obama. Tôi đã đọc sách của ông ấy và tôi cũng ngưỡng mộ cuộc sống của ông ta", ông Castro nói trong cuộc họp báo sau trò chuyện song phương.
Qua hai sự việc tiến tới bình thường hóa quan hệ với Cuba và kí thỏa thuận hạt nhân với Iran, Tổng thống Obama đã hiện thực hóa khẩu hiệu thêm bạn bớt thù của ông khi ông chạy đua vào Nhà Trắng lần đầu tiên.
Nhậm chức vào năm 2008, Tổng thống Obama đồng thời nhận lại di sản từ người tiền nhiệm là 2 cuộc chiến chưa thấy hồi kết ở Trung Đông, đàm phán hạt nhân Iran đi vào bế tắc…, những bước đi của Obama là đúng đắn khi mà nước Mỹ không phải lúc nào cũng có thể dùng sức mạnh quân sự của mình như là kim chỉ nam trong đối ngoại.
Khác với những gì mà đối thủ của chính sách ngoại giao của Obama chỉ trích là ông quá mềm yếu trong nhiều trường hợp và thường do dự trước những quyết định lớn, vị Tổng thống này đã thể hiện cho mọi người thấy rằng sự trao đổi ý kiến là cần thiết trong chính trị và bom đạn không phải là câu trả lời cho mọi câu hỏi. Việc khẳng định sẵn sàng dùng quyền phủ quyết của Tổng thống để ngăn chặn bất kì nỗ lực phá đám nào của Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát đối với thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran thể hiện rằng Obama sẵn sàng đi đến cùng để bảo vệ những hướng đi, chính sách mà mình cho là đúng.
Chắc chắn rằng, thỏa thuận hạt nhân với Iran và việc tiến tới bình thường hóa quan hệ với Cuba là hai ví dụ điển hình về sự thành công của chính sách ngoại giao của Obama trong hai nhiệm kì 8 năm của mình. Nhờ có ông, chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng sẽ bớt đi những cơn đau đầu mà 2 bài toán hóc búa Iran và Cuba từng mang lại.