| Hotline: 0983.970.780

Hạn mặn kéo dài, sức chống chịu của các dòng sông đang dần thu hẹp

Thứ Năm 28/03/2024 , 08:57 (GMT+7)

Cần Thơ Nếu mùa mưa đến trễ, hạn mặn kéo dài, sức chống chịu của các dòng sông và nguồn nước dự trữ trong dân sẽ bị ảnh hưởng.

Cơ quan chuyên môn trung ương, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp cùng bàn giải pháp để sống chung với hạn mặn ở ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Cơ quan chuyên môn trung ương, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp cùng bàn giải pháp để sống chung với hạn mặn ở ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Ngày 27/3, tại TP Cần Thơ, Báo Tiền Phong phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức "Hội thảo Sống chung với hạn, mặn vùng ĐBSCL".

Theo thông tin từ ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL từ đầu tháng 1/2024 đến nay ở mức thấp hơn so với trung bình (TBNN).

Tình hình xâm nhập mặn năm 2024 cũng diễn ra sớm, từ giữa tháng 11 mặn đã xuất hiện và đi sâu vào nội đồng. Trong đó, đợt mặn từ ngày 8 – 13/3 ranh mặn 4g/l vào sâu từ 40 – 50km, có nơi sâu hơn.

Đến cuối tháng 5, vùng ĐBSCL sẽ còn xảy ra 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao. Ảnh: Kim Anh.

Đến cuối tháng 5, vùng ĐBSCL sẽ còn xảy ra 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao. Ảnh: Kim Anh.

Ông Quyền nhận định, đến thời điểm này, mức độ xâm nhập mặn tại 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã cao hơn so với năm 2016. Các tỉnh ven biển khác như: Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà mau… mặn diễn ra phổ biến cao hơn so với TBNN, nhưng thấp hơn năm 2016 và 2020.

Đến cuối tháng 3, các tỉnh ĐBSCL kết thúc thu hoạch vụ lúa đông xuân và tiến hành xuống giống vụ hè thu 2024. Trước diễn biến gay gắt và phức tạp của hạn hán, xâm nhập mặn trong các tháng còn lại của mùa khô, lãnh đạo cơ quan khí tượng thủy văn Nam bộ cảnh báo, thời gian giảm mặn sẽ kéo dài. Cộng với tình trạng một số kênh rạch ở ĐBSCL đang khô cạn, tình trạng sụt lún sẽ tiếp tục xảy ra tại một số tỉnh nam sông Hậu.

Khoảng 31ha lúa đông xuân muộn xuống giống ngoài khuyến cáo của huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã bị thiệt hại trong đợt hạn mặn này. Ảnh: Kim Anh.

Khoảng 31ha lúa đông xuân muộn xuống giống ngoài khuyến cáo của huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã bị thiệt hại trong đợt hạn mặn này. Ảnh: Kim Anh.

Do đó công tác theo dõi, quan trắc, dự báo từ cơ quan khí tượng thủy văn sẽ tập trung, chủ động và sát sao hơn để có những thông tin cảnh báo liên tục, sớm và kịp thời.

Cà Mau là địa phương duy nhất trong 13 tỉnh ĐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung. Hạn mặn những năm qua và trong năm 2024 khiến địa phương ngày càng chịu ảnh hưởng lớn về nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất; sụt lún gây khó khăn trong vận chuyển hàng hoá. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, tính đến ngày 25/3, Cà Mau đã xảy ra sụt lún tại 131 tuyến kênh, với 569 điểm.

Ông Đỗ Minh Điền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau dẫn chứng, sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân vừa qua, các dòng kênh trên địa bàn khô cạn, giao thông thủy khó lưu thông, đội chi phí vận chuyển tăng lên.

Tình hình sụt lún đang gây nhiều khó khăn cho tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Anh.

Tình hình sụt lún đang gây nhiều khó khăn cho tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Anh.

Giải pháp trước mắt của địa phương là tăng cường, khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước. Theo dõi mực nước trong các kênh, khi thấp đến mức báo động thông báo ngay cho chính quyền địa phương để có giải pháp xử lý. Đồng thời, thực hiện giảm trọng tải xe từ 8 tấn xuống còn 5 tấn trên một số đường, bờ kênh, để tránh sạt lở.

Nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long, hàng năm tỉnh Bến Tre chịu nhiều ảnh hưởng của hạn mặn, sạt lở. Do đó, người dân của tỉnh gần như thích ứng với điều kiện hạn mặn trong năm 2024.

Căn cứ vào các thông tin dự báo được đưa ra, ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương đặt ra 2 mục tiêu cơ bản trong đợt hạn mặn này là bảo vệ nguồn nước cấp cho sinh hoạt và đảm bảo cấp nước cho vùng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên nếu mùa mưa đến trễ, hạn mặn kéo dài sức chống chịu của các dòng sông và nguồn nước dự trữ trong dân có nguy cơ bị ảnh hưởng rất lớn.

Việc đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong thời gian tới rất quan trọng. Ảnh: Kim Anh.

Việc đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong thời gian tới rất quan trọng. Ảnh: Kim Anh.

Ông Thắm cũng nhìn nhận, vấn đề mặn xâm nhập ảnh hưởng đến nguồn nước trong sinh hoạt đến nay địa phương vẫn chưa có giải pháp triệt để.

Thống kê của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, đến thời điểm này, xâm nhập mặn khiến 31ha lúa đông xuân muộn ngoài khuyến cáo của huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) bị thiệt hại. Khoảng 20.000ha lúa đông xuân trong giai đoạn chín, đòng trổ, có nguy cơ bị ảnh hưởng. Về nước sinh hoạt, dự báo khoảng 50.500 hộ dân ở vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

Từ nay đến cuối tháng 5, vùng ĐBSCL sẽ còn xảy ra 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 8 – 14/4; đợt 2 rơi vào ngày 23 – 28/4 và đợt 3 là ngày 6 – 12/5. Trong đó, xâm nhập cao nhất rơi vào đợt 1, với ranh mặn 4g/l tại các cửa sông.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.