| Hotline: 0983.970.780

Chủ động chống xâm nhập mặn: Lúa an toàn tuyệt đối, dân thoát cảnh đổi nước từ ghe

Thứ Tư 20/03/2024 , 10:48 (GMT+7)

Nhờ các giải pháp công trình và phi công trình mà sản xuất và sinh hoạt của người dân khu vực ven biển và hải đảo vẫn an toàn giữa tâm điểm hạn, mặn. 

Bảo vệ an toàn sản xuất

Hơn 16 giờ nhưng trời vẫn nắng nóng. Ánh nắng chiếu xuống mặt nước trong vuông nuôi tôm hắt lên hơi nóng hầm hập. Thế nhưng, anh Lê Hồng Lữ (ở ấp Mười Biển, xã Thuận Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) vẫn đang cặm cụi đào đất, lần tìm theo đường nước rò rỉ từ ruộng nuôi tôm rộng hơn 2 ha thoát ra ngoài. Anh Lữ bảo: “Đang mùa nắng nóng, cần phải giữ mực nước trên vuông đủ cao, tránh cho tôm bị sốc nhiệt. Nước vừa bốc hơi vừa bị rò rỉ là giật nhanh lắm”.

Mùa hạn mặn năm nay được dự báo tương đương với đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016 nhưng nhờ chủ động các giải pháp phòng, chống nên tác động đã giảm đi khá nhiều. Ảnh: Trung Chánh.

Mùa hạn mặn năm nay được dự báo tương đương với đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016 nhưng nhờ chủ động các giải pháp phòng, chống nên tác động đã giảm đi khá nhiều. Ảnh: Trung Chánh.

Huyện An Biên và An Minh là hai địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất tại tỉnh Kiên Giang trong đợt hạn mặn năm 2015-2016, với hàng chục ngàn ha lúa, tôm nuôi bị ảnh hưởng, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Anh Lữ bảo: “Mùa hạn mặn năm nay được dự báo là tương đương với đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016. Tuy nhiên, nhờ chủ động các giải pháp phòng, chống nên tác động đã giảm đi khá nhiều”.

Anh Lữ lấy dẫn chứng, vào cao điểm mùa hạn, mặn năm 2015-2016, độ mặn dưới sông lên tới 35-37‰ (g/l), còn trên ruộng nuôi tôm là hơn 40‰ do nước bốc hơi, độ mặn sắc lại. Với độ mặn như vậy, tôm nuôi chết la liệt, nhà nào may mắn không chết thì tôm cũng không thể lớn. Còn hiện nay, nhờ có hệ thống cống ven biển điều tiết nguồn nước, độ mặn trên sông đang được khống chế ở mức dưới 30‰, khi bơm lên ruộng nuôi tôm vẫn ở ngưỡng thích hợp cho tôm phát triển. 

An Minh là huyện có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất tỉnh Kiên Giang, với diện tích thả nuôi đến thời điểm hiện tại là hơn 47.800 ha, trong đó nuôi luân canh tôm - lúa trên 39.000 ha, còn lại là nuôi quảng canh cải tiến và thâm canh công nghiệp. Vụ tôm nuôi năm nay được người dân tập trung thả con giống từ sau Tết Nguyên đán, hiện tôm đang phát triển khá tốt, chưa bị tác động nhiều dù hạn, mặn đang trong thời gian cao điểm.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng chống hạn, mặn từ rất sớm và ngành nông nghiệp đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả với tình hình hạn, mặn, bao gồm vận hành các cống trên địa bàn hợp lý để ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

Dù đang giữa tâm điểm hạn mặn nhưng nhờ có hệ thống cống ven biển điều tiết nguồn nước, độ mặn trên sông đang được khống chế ở mức dưới 30‰, khi bơm lên ruộng nuôi tôm vẫn ở ngưỡng thích hợp cho tôm phát triển. Ảnh: Trung Chánh.

Dù đang giữa tâm điểm hạn mặn nhưng nhờ có hệ thống cống ven biển điều tiết nguồn nước, độ mặn trên sông đang được khống chế ở mức dưới 30‰, khi bơm lên ruộng nuôi tôm vẫn ở ngưỡng thích hợp cho tôm phát triển. Ảnh: Trung Chánh.

Bên cạnh giải pháp công trình như vận hành các cống, đắp đập tạm ngăn mặn thì giải pháp phi công trình cũng được triển khai đồng bộ. Đối với sản xuất lúa, ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng và chỉ đạo các địa phương thực hiện lịch gieo sạ sớm hơn thường năm khoảng gần một tháng, ở các vùng hạn chế nguồn nước ngọt khuyến cáo không sử dụng các giống lúa dài ngày để không bị thiệt hại do hạn mặn ở giai đoạn giữa đến cuối vụ.

Nhờ đó, toàn bộ diện tích lúa vụ mùa 2023-2024 hơn 72.400 ha, chủ yếu gieo cấy trên nền đất nuôi tôm (lúa – tôm) nông dân đã thu hoạch xong trước khi mặn xâm nhập, sản lượng hơn 400.000 tấn, không ghi nhận diện tích bị thiệt hại do hạn, mặn. Còn đối với lúa vụ đông xuân 2023-2024, diện tích gieo trồng được hơn 280.200 ha. Tính đến ngày 15/3, diện tích đã thu hoạch khoảng 146.700 ha, diện tích còn lại đang được bảo vệ an toàn trong các vùng đê bao, không bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập.

Nỗ lực đảm bảo nước sinh hoạt

Khan hiếm, thiếu nước sinh hoạt là nỗi lo thường trực của các hộ dân sống ở các khu vực ven biển và hải đảo mỗi khi đến mùa khô hạn. Nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, nước giếng thì nhiễm phèn mặn không thể sử dụng.

Ở các đảo thì nguồn nước ở các khe suối cạn kiệt, các hồ chứa do nhà nước đầu tư mực nước cũng sụt giảm nhanh chóng. Theo số liệu rà soát, tổng hợp từ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thì số hộ dân có khả năng bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn dự báo khoảng 30.000 hộ, tập trung ở những khu vực khó khăn về nước sinh hoạt, vùng sâu vùng xa, nơi chưa được đầu tư công trình cấp nước tập trung.

Vào mùa khô, người dân ở ấp Mười Biển dù chưa bị cúp nước nhưng khoảng gần một tháng trở lại đây nước máy khá yếu. Ảnh: Trung Chánh.

Vào mùa khô, người dân ở ấp Mười Biển dù chưa bị cúp nước nhưng khoảng gần một tháng trở lại đây nước máy khá yếu. Ảnh: Trung Chánh.

Thuận Hòa là xã ven biển thuộc huyện An Minh, lại chủ yếu sản xuất theo mô hình tôm – lúa, nên vào mùa nắng là người dân lại “khát nước ngọt” dù sống giữa bốn bề là sông nước. Ở khu vực giáp biển hoặc những kênh nhỏ, người dân phải mua nước sinh hoạt được chở băng ghe từ nơi khác tới, với giá 40.000 – 50.000 đồng/m3.  

May mắn thay, mùa khô năm nay, hộ ông Lê Văn Chi (ở ấp Mười Biển, xã Thuận Hòa, huyện An Minh) đã thoát được cảnh phải đổi nước từ ghe nhờ được cấp nước máy tập trung. Ông Chi cho biết: “Vào mùa khô, dù chưa bị cúp nước nhưng khoảng gần một tháng trở lại đây nước máy khá yếu. Ngoài tích trữ nước vào hệ thống lu có sẵn, tôi còn đầu tư mua 2 bồn nhựa loại 5.000 lít/bồn để dự trữ, phòng khi nguồn nước ngầm suy giảm, trạm cấp nước không thể hoạt động”. Để người dân sử dụng nước tiết kiệm, trạm cấp nước tại xã Thuận Hòa đành phải áp dụng tính giá nước theo lũy kế, sử dụng càng nhiều thì giá càng cao.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện đơn vị đang cấp nước gần 90.000 hô dân nông thôn ở địa bàn 82 xã và 7 thị trấn tại 13 huyện của tỉnh.

Trung tâm đang quản lý 58 trạm cấp nước và 3 hồ chứa nước, công suất cấp bình quân 53.000 m3/ngày - đêm. Trong đó, có 20 trạm khai thác nước mặt (18.662 m3/ngày đêm) và 38 trạm khai thác nước ngầm (34.490 m3/ngày đêm). Riêng hồ nước Dương Đông cung cấp nước thô cho Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang - Chi nhánh Phú Quốc, bình quân 23.000-24.000 m3/ngày đêm.

Theo ông Bình, hiện cấp nước khu vực nông thôn chưa bị ảnh hưởng nhiều nhưng nếu nắng hạn kéo dài sẽ rất khó khăn, do thiếu hụt nguồn cung, các hồ chứa ở các đảo sẽ xuống mực nước chết. Cụ thể, đối với các huyện ven biển vùng U Minh Thượng, trạm cấp nước Đông Hưng và Tân Thạnh (huyện An Minh) giếng khoan hiện tại đã bị nhiễm mặn, Trung tâm đang khảo sát khoan giếng mới để bổ sung nguồn.

Còn đối với khu vực biên giới, hải đảo, trạm cấp nước xã đảo Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương) đang thiếu nguồn cung nghiêm trọng do nguồn nước từ suối đã hết, chỉ còn hoạt động 2 giếng khoan với công suất 30 m3/ngày đêm. Trung tâm Nước kết hợp cùng địa phương vận động hộ dân chia sẽ nguồn nước từ giếng khoan khoảng 25 m3/ngày đêm để bơm xử lý cung cấp bổ sung cho các hộ dân ấp Bãi Nam. Tuy nhiên, vẫn còn 20 hộ dân cuối tuyến ấp Bãi Nam thiếu nước.

Ngoài tích trữ nước vào hệ thống lu có sẵn, hộ ông Chi còn đầu tư mua 2 bồn nhựa loại 5.000 lít/bồn để dự trữ, phòng khi nguồn nước ngầm suy giảm, trạm cấp nước không thể hoạt động. Ảnh: Trung Chánh.

Ngoài tích trữ nước vào hệ thống lu có sẵn, hộ ông Chi còn đầu tư mua 2 bồn nhựa loại 5.000 lít/bồn để dự trữ, phòng khi nguồn nước ngầm suy giảm, trạm cấp nước không thể hoạt động. Ảnh: Trung Chánh.

Trạm cấp nước Vạn Thanh (huyện Hòn Đất) bị ảnh hưởng độ mặn bởi sông Kênh 9 vào ngày 11/3. Trung tâm Nước đã đóng van vào hồ lắng, đồng thời đề xuất với Chi cục Thủy lợi Kiên Giang điều tiết nước để giảm độ mặn. Hiện tại, nước dự trữ từ hồ lắng duy trì cấp được thêm 3 ngày tiếp theo và Trung tâm Nước đang theo dõi sát sao độ mặn để lấy nước vào hồ bổ sung khi độ mặn thích hợp, để đảm bảo nước cấp cho người dân.

Tại huyện đảo Kiên Hải, trạm cấp nước Hòn Tre lưu lượng nước giếng khoan giảm, một số tuyến ống thiếu nguồn cung cấp, Trung tâm phải điều tiết cấp nước theo giờ và phân tuyến để đảm bảo các tuyến đều có nước. Hồ chứa nước Bãi Nhà (xả đảo Lại Sơn) hoạt động bình thường, cung cấp nước sạch sinh hoạt bình quân 310 m3/ngày đêm.

Tuy nhiên do nắng nóng, mực nước trong hồ đang xuống rất nhanh, khoảng hơn 10 cm/ngày, tương ứng với lượng nước thất thoát do thấm, bốc hơi khoảng 800 m3/ngày. Với tình hình thời tiết như hiện nay và nhu cầu cấp nước sạch hiện tại thì khả năng hồ cung cấp được 31 ngày, đến giữa tháng 4/2024 là sẽ đến mực nước chết.

Ông Bình cho biết, đơn vị đang nỗ lực để đảm bảo các trạm cấp nước hoạt động an toàn và hiệu quả, chủ động lập kế hoạch sửa chữa, duy tu bảo dưỡng thiết bị, trang bị thiết bị dự phòng, thổi rửa các giếng để tăng nguồn cung. Tiếp tục chủ động phối hợp với các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến tình hình nước sinh hoạt của các hộ dân. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.