| Hotline: 0983.970.780

Xâm nhập mặn năm 2024 phức tạp, cao hơn, tiến sâu vào các hệ thống sông

Thứ Sáu 22/03/2024 , 14:35 (GMT+7)

Xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, ĐBSCL năm 2024 cao hơn, phức tạp hơn so với trung bình nhiều năm; mặn tiến sâu hơn bên trong các hệ thống sông.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn năm 2023, nhận định xu thế thiên tai năm 2024 do Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia tổ chức chiều ngày 21/3.

Xâm nhập mặn phức tạp, cao hơn trung bình nhiều năm

Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ Nguyễn Văn Hiệp cho biết, năm 2024, tình hình xâm nhập mặn mùa khô vẫn tiếp tục tái diễn tại đồng bằng Bắc bộ.

Tại Thái Bình, xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện từ giữa tháng 12/2023. Giữa tháng 1/2024, xâm nhập mặn có diễn biến phức tạp, độ mặn kỳ triều cường tại một số điểm cao hơn so với cùng kỳ. Ranh mặn 4g/l đã xuất hiện trên sông Hồng khoảng 20km, trên sông Trà Lý khoảng 25km. Nhiều điểm đo các năm trước, độ mặn lớn nhất thường dưới 1g/l, tuy nhiên trong những tháng đầu năm đã đo được trên 3g/l.

Hội nghị tổng kết công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn năm 2023, nhận định xu thế thiên tai năm 2024 do Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia tổ chức chiều ngày 21/3. Ảnh: Kiên Trung.

Hội nghị tổng kết công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn năm 2023, nhận định xu thế thiên tai năm 2024 do Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia tổ chức chiều ngày 21/3. Ảnh: Kiên Trung.

Tại Nam Định, thời điểm xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện từ tháng 12 cùng kỳ. Ranh mặn lớn nhất đã xuất hiện trên sông Ninh Cơ 15 - 20km; độ mặn đo được ngày 4 - 5/3 tại cống Trung Ninh (xã Xuân Ngọc, Xuân Trường) là 4 ‰; cống Kẹo (xã Xuân Ninh, Xuân Trường) là 2 ‰; cống Trà Thượng, Xuân Trường) là 2,6%. Độ mặn 1‰ trên sông Hồng đã vượt qua ngã ba Mom Rô, cách biển (cửa Ba Lạt) khoảng 50 km.

Tại Ninh Bình, xâm nhập mặn sớm hơn, độ mặn cao hơn, lấn sâu vào đất liền hơn so với trung bình nhiều năm. Ranh mặn 4g/l lớn nhất đã xuất hiện trên sông Đáy (tại âu Sông Mới), vào sâu trong đất liền khoảng 45 - 50km.

Tại Hải Dương, đầu năm 2024 độ mặn quan trắc được tại điểm đo Bá Nha có diễn biến cao hơn so với trung bình nhiều năm. Cụ thể: tháng 1/2024, độ mặn cao nhất tại Bá Nha (sông Gùa) là 2,3‰ xảy ra lúc 9h ngày 13/1/2024. Tháng 2/2024: Độ mặn cao nhất tại Bá Nha (sông Gùa): 3,4‰ xảy ra lúc 7h ngày 9/2/2024. Tháng 3/2024: Độ mặn cao nhất tại Bá Nha (sông Gùa): 3,1‰ xảy ra lúc 6h ngày 8/3/2024.

Khu vực Hải Phòng, ranh mặn 4g/l đã xuất hiện trên sông Văn Úc xâm nhập sâu vào khoảng 40km, sông Thái Bình 15km.

Tình hình xâm nhập mặn thời gian còn lại mùa khô 2024 ở đồng bằng sông Hồng cũng cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Hiện nay và trong thời gian tới mực nước các sông vẫn ở mức thấp và có khả năng còn thấp hơn nữa. Độ mặn có khả năng tăng cao và xâm nhập sâu vào phía đất liền. Thời gian xâm nhập mặn kéo dài (do ít có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn hơn, mùa lũ mực nước các sông có khả năng thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, lượng nước ngầm tích trữ cho mùa kiệt giảm).

Tại ĐBSCL, Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam bộ Phạm Hồ Quốc Tuấn nhận định: xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 ở mức sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm, vào sâu hơn bên trong các hệ thống sông. Từ nửa cuối tháng tháng 11/2023, mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các sông theo đỉnh triều trong ngày. Sang tháng 12/2023, xâm nhập mặn tiếp tục xâm nhập sâu hơn vào trong các sông chính theo các đỉnh triều trong ngày.

Tính từ đầu mùa khô đến nay, đợt xâm nhập sâu nhất xuất hiện vào đợt từ ngày 8 - 13/3 với ranh mặn 4‰ vào sâu 40 - 66 km, có nơi sâu hơn, ranh mặn 1‰ tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vào sâu 70 - 76km tùy theo sông.

Thời điểm hiện tại, mức độ xâm nhập mặn các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang... mặn diễn ra phổ biến cao hơn so với TBNN, xấp xỉ so với năm 2016. Đặc biệt tại tỉnh Bến Tre xâm nhập mặn ở mức xấp xỉ ranh mặn sâu nhất năm 2016, xâm nhập mặn trên sông Cổ Chiên đã sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016. Dự báo tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính trong tháng 3/2024 là đợt xâm nhập mặn sâu nhất mùa khô 2023 - 2024.

Ngành nông nghiệp chủ động đối phó hạn mặn

Theo Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam bộ, công tác triển khai theo dõi, dự báo, cảnh báo và phục vụ địa phương ngay những tháng đầu năm 2023. Đài đã tổ chức Hội thảo nhận định xu thế mùa KTTV, trên cơ sở phân tích nhận định về tình hình ENSO có khả năng giữa năm sẽ chuyển sang pha nóng (El Nino) và kéo dài sang năm 2024. Kết hợp các nguồn dữ liệu, phân tích khác Đài đã đặc biệt chú trọng công tác theo dõi, đưa ra dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn.

Người dân ĐBSCL chủ động thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn.

Người dân ĐBSCL chủ động thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn.

Từ việc theo dõi sát sao nguồn nước, diễn biến mưa trên lưu vực sông Mê Kông những tháng nửa đầu năm 2023, Đài đã đưa ra nhận định khả năng cao diễn biến khô hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024 sẽ phức tạp, gay gắt. Do đó Đài đã chỉ đạo các Đài KTTV tỉnh theo dõi sát diễn biến KTTV, chỉ đạo các đơn vị sớm lập kế hoạch để triển khai đo mặn.

Tháng 9/2023 tại Hội nghị nhận định tình hình mưa, lũ nửa cuối năm 2023 - ElNino, nguồn nước, hạn mặn mùa khô 2023 - 2024 ở khu vực Nam bộ tại tỉnh Bến Tre do Tổng cục KTTV và UBND tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức, với sự tham dự của đầy đủ đại diện Lãnh đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt, Sở TN-MT của 19 tỉnh thành khu vực Nam bộ.

Tại Hội nghị, Đài đã thông tin đưa ra nhận định tình hình khô hạn, xâm nhập mặn có thể sẽ diễn biến gay gắt hơn so với TBNN và Đài cũng đề xuất Cục Trồng trọt chỉ đạo xuống giống sớm vụ đông xuân 2024 để giảm thiểu thiệt hại do mùa khô năm 2024 khả năng ít mưa trái mùa, nguồn nước trên sông Mê Kông chảy về ĐBSCL thấp, gió đông bắc mạnh, xâm nhập mặn sẽ tới sớm và mức độ gay gắt hơn mùa khô 2023.

Qua đó các Đài KTTV tỉnh cũng liên tục ra những bản tin dự báo, cảnh báo hạn dài, tập trung vấn đề khô hạn, xâm nhập mặn, tham mưu cho địa phương bố trí mùa vụ cây trồng để tránh thiệt hại do vấn đề thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Các Đài KTTV tỉnh cũng luôn trao đổi, tham mưa cho đơn vị vận hành các hệ thống cống ngăn mặn, ngăn triều để đưa ra quy trình vận hành hợp lý, hiệu quả.

Nông dân Hậu Giang xuống lúa vụ đông xuân. Ảnh: Kiên Trung.

Nông dân Hậu Giang xuống lúa vụ đông xuân. Ảnh: Kiên Trung.

“Vụ lúa đông xuân 2023 - 2024 chuẩn bị thu hoạch, một số tỉnh thành như Sóc Trăng, Cần Thơ đã thu hoạch lúa, các tỉnh ĐBSCL đang chuẩn bị sau khi kết thúc thu hoạch sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa hè thu 2024. Diễn biến xâm nhập mặn vẫn còn đang phức tạp, đợt triều ngày 15/2 âm lịch sẽ làm mức độ xâm nhập mặn tăng cao, các kênh rạch một số tỉnh ĐBSCL đang khô cạn, tình trạng sụt lún vẫn còn tiếp tục tại một số tỉnh nam sông Hậu. Do đó công tác theo dõi, quan trắc đo đạc KTTV càng phải sát sao hơn, thông tin về quan trắc, dự báo, cảnh báo cần liên tục, sớm, kịp thời” – ông Tuấn nhận định.

Về công tác dự báo, từ nay tới cuối tháng 3, sang tháng 4 vẫn ít xuất hiện mưa, nắng nóng vẫn tiếp diễn, nền nhiệt chung cao, sang tháng 4 - 5 sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng cả miền Đông và miền Tây Nam bộ, bốc hơi mạnh, mặn vẫn tiếp tục xảy ra tại các tỉnh ĐBSCL, tuy nhiên mức độ sẽ không cao bằng đợt mặn từ 8 - 13/3/2024, trừ Bến Tre đợt mặn từ 23 - 30/3/2024 sẽ ở mức tương đương đợt 8 - 13/3.

Độ mặn lớn nhất tại hầu hết các trạm trong tuần tới có khả năng xuất hiện vào cuối tuần, riêng một số trạm khu vực sông Tiền xuất hiện vào giữa tuần và ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 và TBNN. Ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất cách cửa sông Tiền khoảng 50 - 65km, sông Hậu khoảng 35 - 50km.

Tổng lượng mưa tháng 4,5 thấp hơn so với TBNN, nguồn nước từ sông Mê Kông chảy về ĐBSCL vẫn thiếu hụt so với TBNN, ngày bắt đầu mùa mưa tại biền Bắc khả năng sẽ đến muộn hơn so với TBNN (khoảng từ tuần giữa tháng 5).

Dự kiến vào ngày 12/4 sắp tới, Đài KTTV khu vực Nam bộ sẽ phối hợp với Sở TN-MT và Sở NN-PTNT tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị nhận định mưa thông qua đó giúp các địa phương có các thông tin về tình hình KTTV phục vụ cho công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.