Ông Hồ Xuân Hoè, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết: Để ứng phó với bão số 8, nhất là nguy cơ mưa lũ, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 09/9/2021 về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, đã triển khai nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 12h ngày 12/10/2021. Tổ chức kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát khỏi khu vực nguy hiểm; rà soát kỹ, kiên quyết không để tàu thuyền neo đậu tại vùng không an toàn; hướng dẫn việc neo đậu, chằng neo và có phương án đảm bảo an toàn về người, phương tiện tại nơi tránh trú; chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại...
Về nông nghiệp, đã chỉ đạo khẩn trương thu hoạch sản xuất nông nghiệp, các hồ chứa thủy lợi - thủy điện có phương án cụ thể xả lũ đúng quy trình.
Đến nay, toàn tỉnh cơ bản thu hoạch xong lúa hè thu 2021. Chỉ còn hơn 233 ha lúa chưa thu hoạch, chủ yếu ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông (huyện Hướng Hóa 195/645 ha, ĐaKrông 30/364 ha, Cam Lộ 08/1.441 ha).
Về sản xuất vụ đông, Quảng Trị gặp nhiều khó khăn do nằm hẳn trong mùa mưa bão (chiếm 70% lượng mưa cả năm). Thời gian qua, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã phối hợp với các địa phương khảo sát, lựa chọn những vùng đất cao, không ngập lụt, thoát nước tốt để tổ chức sản xuất vụ đông nhằm cung cấp thực phẩm cho người dân và phục vụ chăn nuôi.
Hiện toàn tỉnh đã trồng được hơn 1.110 ha cây vụ đông, gồm rau, ném, đậu, ngô, khoai lang.... (Hải Lăng 350 ha; Triệu Phong 468 ha; Hướng Hóa 134 ha...), hiện các loại cây sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, Sở NN-PTNT Quảng Trị cũng đang xây dựng lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng cho vụ đông xuân 2021 - 2022.
Đối với việc khắc phục diện tích đất bị bồi lấp ở các huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án khôi phục, sử dụng phù hợp diện tích đất sản xuất bị bồi lấp và diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày bị ảnh hưởng do thiên tai năm 2020. Theo đó, khẩn trương tiếp tục khắc phục 309 ha đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp nặng trên địa bàn 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông nhằm kịp thời đưa vào sản xuất.