Giải tỏa áp lực
Ngày 14/12 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Cục Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức: Phiên giao dịch việc làm cho bộ đội xuất ngũ 2020.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Vi Ngọc Quỳnh cho biết, Nghệ An có khoảng 1,9 triệu lao động trong độ tuổi. Hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 4.000 quân nhân xuất ngũ, đây là những người được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội, có tinh thần kỷ luật cao, phẩm chất đạo đức tốt, tác phong nhanh nhẹn và sức khỏe tốt.
Đặc biệt, nhiều trường hợp đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, chuyên môn tay nghề đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài.
Hiện Nghệ An có trên dưới 62.000 lao động tại các nước, hàng năm chuyển về trên 500 triệu USD. Cách thức này thực sự tạo ra nguồn thu nhập ổn định, nâng cao rõ reetjj đời sống của nhân dân, qua đó góp phần quan trọng giúp địa phương phát triển mạnh KT-XH.
“Những năm qua, với việc tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, quân nhân xuất ngũ nói riêng.
Bình quân hàng năm toàn tỉnh tiến hành đào tạo nghề cho 73.000 – 74.000 người, tạo việc làm cho gần 40.000 lao động, đáng chú ý khoảng 1/3 đang trực tiếp làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài”.
Trở lại với tình hình chung toàn xã hội, trên thực tế đại dịch Covid-19 xuất hiện tức thì ảnh hưởng tiêu cực sâu rộng và toàn diện đến toàn cầu. Nghệ An nói riêng và cả Việt Nam không là ngoại lệ, dịch bệnh nhanh chóng tác động nghiêm trọng đến nhiều mặt của đời sống, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, hoặc sản xuất cầm chừng.
Trong bối cảnh khốn khó, việc cắt giảm lao động là chuyện đặng đừng, động thái trên vô hình chung gây nên “cơn sốt” tìm kiếm việc làm hơn bao giờ hết. Nội dung này khiến các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương các cấp trải qua nhiều phen “lao tâm khổ tứ”.
Đối diện với muôn vàn áp lực, may thay được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự nhập cuộc tức thì của các bên liên quan nút thắt dần được tháo gỡ. Riêng Nghệ An chính thức giải quyết được việc làm cho 38.700 lao động (đạt 100% KH/ năm), trong đó Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được 10.700 lao động/ 13.500 người, đạt 80% KH. Một con số vô cùng ấn tượng.
Lúc này đây tình hình Covid-19 trong nước cơ bản đã được khống chế, đặc biệt một số nước bắt đầu cho phép nhập cảnh lao động Việt Nam vào làm việc (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…) từ tháng 10/2020, thông tin tích cực như báo hiệu cho viễn cảnh bùng nổ XKLĐ trong thời gian tới.
Nhu cầu tuyển dụng 20.000 lao động nước ngoài và 45.000 lao động trong nước
Phiên giao dịch việc làm lần này thu hút 20 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tư vấn, tuyển dụng lao động làm việc cả trong và ngoài nước.
Qua rà soát, nhu cầu tuyển dụng đi nước ngoài trên 20.000 lao động (thu nhập từ 17 – 45 triệu đồng/ tháng), làm việc trong nước khoảng 45.000 trường hợp (lương trung bình 7 – 12 triệu đồng/ tháng). Các chuyên gia đánh giá, đây là cơ hội lớn để quan nhân xuất ngũ, bộ đội sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự tìm kiếm, lựa chọn cho bản thân ngành nghề, vị trí công việc phù hợp, thu nhập ổn định.
Khai mạc phiên giao dịch việc làm dành cho bộ đội xuất ngũ, ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Dịch vụ việc làm mong muốn các chiến sỹ sau khi xuất ngũ sẽ lựa chọn cho mình được hướng đi nghề nghiệp đúng đắn, tự làm giàu cho bản thân và gia đình, đồng thời ra sức xây dựng quê hương đất nước.
Anh Vũ Ngọc Cường là bộ đội xuất ngũ năm 2019, hiện đang là sinh viên tại trường Cao đẳng nghề số 4 – Bộ Quốc phòng đánh giá phiên giao dịch việc làm mang ý nghĩa thiết thực, mở ra hi vọng cho người lao động nói chung:
“Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết chính sách hậu phương quân đội không những đảm bảo công tác an sinh xã hội mà còn giúp chúng tôi được tiếp cận với các doanh nghiệp uy tín, được tư vấn hướng nghiệp, được hiểu thêm các chính sách lao động qua đó sớm tìm cho mình một công việc phù hợp, làm cơ sở lập nghiệp, tạo nền móng vững chắc cho tương lai”.
Trên tinh thần của phiên giao dịch, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị các bên liên quan tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho quân nhân sắp hoàn thành nghĩa vụ lựa chọn để tham gia các khóa đào tạo phù hợp để khi ra trường đảm bảo kiến thức, vững vàng tay nghề.
Đặc biệt, các cấp ngành, địa phương và cơ sở dạy nghề phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để triển khai phương án đào tạo phù hợp gắn với vị trí việc làm nhằm tạo đầu ra ổn định.