| Hotline: 0983.970.780

Hàng chục ngàn người Việt Nam tử vong mỗi năm vì ô nhiễm môi trường

Thứ Tư 30/09/2020 , 15:19 (GMT+7)

“Mỗi năm có hàng chục ngàn người Việt Nam bị tử vong do ô nhiễm môi trường; đồng thời nạn cháy rừng xảy ra liên tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng…”.

Đó là những vấn đề nóng được đề cập tại diễn đàn “Nhà quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ IV – năm 2020, do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Báo Tài nguyên Môi trường và Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) vừa tổ chức.

Môi trường biển đang bị ô nhiễm vì những 'con sóng rác thải' tấn công. Ảnh: AV.

Môi trường biển đang bị ô nhiễm vì những "con sóng rác thải" tấn công. Ảnh: AV.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, toàn quốc hiện có khoảng 274 khu công nghiệp (KCN), trong đó mới có 242 KCN có hệ thống xử lý nước thải, chiếm 88,3%. Chỉ tiêu Chính phủ đặt ra là 89% các KCN có hệ thống xử lý nước thải. Hàng ngày, riêng nước thải sinh hoạt phát sinh ra môi trường là 7 triệu mét khối, nhưng thật sự năng lực xử lý trên toàn quốc chỉ đạt 14,5%, khoảng 85% nước thải sinh hoạt chưa xử lý được. Nước thải công nghiệp phát sinh khoảng 1 triệu mét khối... tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Phát biểu tại diễn đàn, Kiến trúc sư – Nhà báo Phạm Thanh Tùng (Chánh Văn phòng Trung ương Hội Kiến trúc sư Việt Nam) đã cảnh báo thực trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở khắp nơi: “Mỗi năm có hàng chục ngàn người Việt Nam bị tử vong do ô nhiễm môi trường. Trong đó, 2/3 tử vong do ô nhiễm không khí, gây thiệt hại kinh tế hơn 240 ngàn tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 10 năm, từ 2009 đến 2018, nạn cháy rừng đã tiêu hủy hơn 22 ngàn ha rừng, gây ô nhiễm bởi bụi mịn, khói, chất độc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng”.

Theo ông Tùng, chính vì thực trạng hạ tầng kỹ thuật ở một số đô thị yếu kém, lạc hậu, dẫn đến nạn ách tắc giao thông ngập úng, môi trường sống bị ô nhiễm tiếng ồn và khí thải bụi bẩn, bởi hàng triệu xe ô tô, xe máy hàng ngày thải ra môi trường. Thậm chí, hiện nay một số vùng nông thôn vẫn còn bị thiếu nước sạch sinh hoạt, hay một số ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cũng gây ô nhiễm, đe dọa cuộc sống của người dân…

Tỉnh BR-VT đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường biển. Ảnh: MS.

Tỉnh BR-VT đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường biển. Ảnh: MS.

Đối với cấp độ địa phương, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT khẳng định: “Phát triển kinh tế, hạ tầng cơ sở cần phải song hành với bảo vệ môi trường mới có thể phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, các dự án đều được tỉnh cân nhắc về các vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn tuyệt đối nguồn nước, công nghệ sản xuất phải hiện đại khi xem xét chủ trương đầu tư”.

Theo bà Yến, tỉnh BR-VT đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm do chất thải nhựa. Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị, các địa phương, tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh BR-VT đã triển khai rộng khắp phong trào “Chống rác thải nhựa” với nhiều hoạt động phong phú, nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo người dân, doanh nghiệp trong việc giảm thiểu sử dụng túi ni lông và các sản phẩm chế xuất từ nhựa, đồng thời tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng nhiều lần.

“Tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trách nhiệm quản lý địa bàn của đội ngũ cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường…”, bà Nguyễn Thị Thu Hoài nhấn mạnh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Trương Đức Trí, cũng chia sẻ: Việt Nam là một quốc gia biển với đường bờ biển trải dài theo suốt chiều dài của đất nước, có diện tích biển rộng gấp 3 lần diện tích đất liền. Biển có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược bảo vệ và phát triển đất nước. Quản lý tốt khai thác, bền vững tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, cùng giữ màu xanh của biển, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Trung ương, thời gian qua công tác tuyên truyền tuy đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, khuyết điểm. Theo đó, một số nội dung tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường chưa được triển khai sâu rộng, chưa khơi dậy mạnh mẽ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, người tiêu dùng, trong việc hướng tới nền kinh tế bền vững…

Quản lý tốt khai thác, bền vững tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, cùng giữ màu xanh của biển, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Ảnh: AV.

Quản lý tốt khai thác, bền vững tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, cùng giữ màu xanh của biển, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Ảnh: AV.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng: “Phong trào chống rác thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ phát động trên toàn quốc cách đây hơn một năm là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực của Thủ tướng, Chính phủ, của hệ thống chính trị, từ việc ban hành các chính sách đến các đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, cũng như thay đổi nhận thức trong cộng đồng và từng người dân. Đặc biệt, ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa”.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng khẳng định, tài nguyên và môi trường, đặc biệt là lĩnh vực biển, đảo, luôn là đề tài nóng, hấp dẫn trong đời sống kinh tế - xã hội. Công tác tuyên truyền về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường luôn mang tính thời sự cao, là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, báo chí là lực lượng xung kích đóng vai trò rất quan trọng. Sáng kiến phát động một cuộc thi viết với chủ đề “Cùng giữ màu xanh của biển” nhằm khuyến khích và phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền, nâng cao tính đại chúng của những ý tưởng, giải pháp, hành động về chống rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng.

“Các sự kiện lần này phát động sẽ góp phần hỗ trợ các nhà báo trang bị thêm kiến thức và tư duy về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong quá trình tác nghiệp. Từ đó, đóng góp tích cực vào sự nghiệp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng như góp phần thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp phát triển theo hướng “xanh và bền vững”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.

Xem thêm
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Cấp tỉnh không quá 14 Sở

Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 yêu cầu tổng số Sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 Sở, riêng Hà Nội và TP.HCM không quá 15 Sở.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Khởi tố nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người chết ở Phạm Văn Đồng

Vụ cháy trên phố Phạm Văn Đồng (Hà Nội) khiến 11 người tử vong. Cảnh sát điều tra CA TPHN đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với nghi phạm 51 tuổi.