| Hotline: 0983.970.780

Hàng hóa nông sản Tết: [Bài 3] Kích cầu tiêu dùng cuối năm

Thứ Ba 16/11/2021 , 09:51 (GMT+7)

TP.HCM đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa, tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, nông thủy sản với các tỉnh, thành cuối năm 2021…

Chợ đầu mối Bình Điền mở cửa hoạt động trở lại, hàng hóa nông thủy sản được tiêu thụ mạnh.

Chợ đầu mối Bình Điền mở cửa hoạt động trở lại, hàng hóa nông thủy sản được tiêu thụ mạnh.

Sau hơn 1 tháng TP.HCM thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi được mở cửa trở lại đã giúp cho hàng hóa nông thủy sản được tiêu thụ mạnh. Hệ thống logistics được vận hành ổn định, lưu thông hàng hóa thông suốt, các doanh nghiệp đang dần “hồi phục”, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Hiện TP.HCM đã có khoảng 167/234 chợ truyền thống, 2/3 chợ đầu mối là Bình Điền, Hóc Môn; 237 siêu thị gồm 106 siêu thị tổng hợp và 131 siêu thị chuyên ngành; 46 trung tâm thương mại và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi hoạt động trở lại.

Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm cho người dân TP.HCM trong đợt dịch lần thứ 4 vào chiều 12/11 vừa qua, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Mặc dù đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng Thành phố phải thận trọng, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế trong điều kiện an toàn.

“Các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đòi hỏi phải được điều chỉnh phù hợp để vận hành, thích ứng linh hoạt với bối cảnh dịch bệnh, để TP.HCM sớm khôi phục phát triển kinh tế, trở lại một Thành phố năng động, đầu tàu kinh tế của cả nước. Đồng thời, chúng ta cũng phải tăng cường các giải pháp phòng chống dịch, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh để duy trì chuỗi sản xuất tại đơn vị mình”, bà Thắng nhấn mạnh.

Tổng nhu cầu hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu của hơn 9,4 triệu dân tại TP.HCM trong một ngày rất lớn, bao gồm 1.981 tấn gạo; 660 tấn lương thực chế biến khô (mì, bún, phở…); 755 tấn thịt gia súc; 660 tấn thịt gia cầm; 236 tấn thực phẩm chế biến; 108 tấn (2,1 triệu quả) trứng gia cầm; 4.246 tấn rau củ quả; 236 tấn đường; 1.742 tấn (1,7 triệu lít) sữa; 189 tấn dầu ăn; 47 tấn muối, 104 tấn (79.865 lít) nước chấm.

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đề nghị các Sở ban ngành Thành phố, UBND các quận - huyện, Thành phố Thủ Đức và các doanh nghiệp, hệ thống phân phối tiếp tục tính toán xây dựng các kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh để đưa vào điều tiết phù hợp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, khẩn trương xây dựng các kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống chợ đầu mối tại TP.HCM thích ứng với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và chuyển đổi số nền kinh tế” để từng bước thay đổi mô hình quản lý, đưa vào vận hành mô hình chợ đầu mối trên nền tảng chuyển đổi số, hạn chế phương thức tiếp xúc trực tiếp, vừa đáp ứng yêu cầu an toàn phòng, chống dịch, và cao hơn một bước là tiến đến thay đổi cách thức quản lý để thích ứng với xu hướng phát triển mới, hướng đến mục tiêu hình thành các chợ đầu mối thành các trung tâm xuất khẩu du lịch.

Cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố để tiêu thụ nông sản. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố để tiêu thụ nông sản. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Thắng cũng lưu ý, các Sở ban ngành Thành phố, UBND các quận - huyện và Thành phố Thủ Đức đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa, tham mưu UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2021…

Theo bà Thắng, TP.HCM khuyến khích các thương nhân, doanh nghiệp tham gia các chương trình khuyến mại tập trung nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo cú hích mua sắm lớn trên địa bàn Thành phố, giúp gia tăng sức mua, thúc đẩy kinh tế Thành phố. Đồng thời, tạo nét đặc trưng riêng với thương hiệu “Mùa mua sắm TP.HCM” định kỳ hàng năm.

“Đề nghị các doanh nghiệp, hệ thống phân phối hàng hóa của TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa, chủ động nghiên cứu, tiếp cận các mô hình, xu hướng phát triển mới như chuyển đổi số để từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp, nâng cao khả năng thích ứng, chống chọi với mọi điều kiện, diễn biến của dịch bệnh”, bà Thắng nhấn mạnh.

Từ ngày 15/11 đến ngày 31/12, các doanh nghiệp, thương nhân trên địa bàn TP.HCM sẽ đồng loạt đưa ra các chương trình khuyến mãi lớn tại Chương trình “Khuyến mãi tập trung 2021”  - “Thỏa sức mua, đua sức sắm”.

Từ ngày 2/12 đến 5/12, diễn ra Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa năm 2021 giữa TP.HCM và các tỉnh, thành.

Từ ngày 21/12 đến ngày 26/12, tại Nhà thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ, số 1 Lữ Gia, Phường 15, Quận 11, TP.HCM sẽ diễn ra Hội chợ khuyến mãi năm 2021. Với quy mô dự kiến từ 400 - 450 gian hàng trở lên.  Gồm các mặt hàng tiêu dùng, hàng nông thủy sản, chăn nuôi, đặc sản vùng miền, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ...

Sở NN-PTNT TP.HCM vận động các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân nuôi trồng, kinh doanh nông sản trên địa bàn tham gia chương trình và có nhiều chương trình khuyến mãi lớn. Đồng thời, tổ chức gian hàng chung triển lãm các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực tại Hội chợ khuyến mãi nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đến khách tham quan Hội chợ.

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 2/5/2024: Biến động nhẹ sau kỳ nghỉ lễ

Giá xăng dầu hôm nay 2/5/2024 tăng giảm trái chiều. Trong đó, giá xăng RON 95-III tăng 40 đồng, còn giá dầu biến động nhẹ từ 110 - 260 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.