| Hotline: 0983.970.780

Hàng hóa nông sản Tết: [Bài 1] Tăng tốc chuẩn bị nguồn hàng

Chủ Nhật 14/11/2021 , 10:33 (GMT+7)

Các doanh nghiệp cung ứng các mặt hàng nông lâm thủy sản phục vụ cho thị trường cuối năm đang rất tự tin đạt kết quả kinh doanh tốt trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.

"Sau cơn lũ thì phù sa lại về"

Nhìn lại chặng đường khó khăn đã đi qua trong đợt dịch bệnh cao điểm tại TP.HCM, bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân vẫn không khỏi xúc động. Bà Huân nói: “Đại dịch Covid-19 khiến cho ngành trứng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong đợt TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Cao điểm, trứng đến thời kỳ xuất bán nhưng lại không bán được.

Tuy nhiên, với sự động viên, hỗ trợ của Bộ NN-PTNT và đặc biệt là Tổ công tác 970 đã giúp cho chuỗi sản xuất “ba tại chỗ” của doanh nghiệp chúng tôi không bị đứt gãy. Chuỗi lưu thông của chúng tôi kẹt ở đâu thì được Tổ 970 giải quyết tới đó, chúng tôi không đứt gãy chỗ nào”.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Ba Huân.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Ba Huân.

Tuy nhiên, bà Huân cho biết, ở giai đoạn TP.HCM thực hiện giãn cách toàn xã hội, người dân không được đi ra đường, việc mua hàng do quân đội “đi chợ thay” thì việc tiêu thụ trứng, đặc biệt là trứng gà gặp nhiều khó khăn, tồn kho nhiều. Do đó, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều giải pháp như phối hợp với các sở ban ngành, đơn vị giảm giá, bán một tặng một… để làm sao đưa được trứng đến tận từng người dân, từng khu phố để tiêu thụ.

“Thời điểm dịch bệnh, dù giá nguyên vật liệu tăng nhưng chúng tôi quyết tâm bình ổn giá thị trường để cùng người dân và chính quyền TP.HCM đồng lòng chống dịch”, bà Huân khẳng định.

Nói về định hướng sắp tới, bà Phạm Thị Huân cho biết, hướng tới Ba Huân sẽ chăn nuôi để làm sao sản phẩm đưa ra phải là trứng dinh dưỡng cao. Bà mong muốn ngành nông nghiệp nước nhà ngày một phát triển. “Sau cơn lũ thì phù sa lại về, hướng tới ngành nông nghiệp nước nhà phải ra được những mô hình trồng bắp trồng ngô để không phải nhập từ nước ngoài”, bà Huân bày tỏ.

Để chuẩn bị cho nguồn hàng cuối năm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, đơn vị tập trung nguồn lực để chuẩn bị tung ra một số sản phẩm mới như xúc xích tiệt trùng gà, lạp xưởng gà quay mai quế lộ... Đồng thời, Ba Huân cũng có thể đáp ứng khoảng 1,5 triệu quả trứng/ngày vào dịp cao điểm cuối năm, dịp Tết. “Con số này tăng 500.000-700.000 quả so với mức bình thường”, bà Huân nói.

Cũng theo bà Huân, hiện nay, giá nguyên liệu, thức ăn tăng từ 20-40%, tuy nhiên để phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, công ty sẽ nỗ lực để đảm bảo đủ nguồn hàng dự trữ, không để xảy ra thiếu hụt hàng, với giá cả phù hợp, đặc biệt là trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Đáp ứng đủ nhu cầu của người dân

Chia sẻ với PV Báo NNVN, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho biết, là một doanh nghiệp theo mô hình chuỗi cung ứng khép kín từ trang trại đến bàn ăn, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Công ty TNHH San Hà cũng giống như các công ty cung ứng thực phẩm khác cho thị trường TP.HCM, cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo bà Hà, đối với ngành thực phẩm thì việc chuẩn bị ngay từ đầu, từ nguồn giống, chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất và hàng hóa đầu ra cho thị trường, cho đến người tiêu dùng đều được doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị chu đáo và có thể phân khúc nguồn hàng phải chuẩn bị cho cả năm.

“Khi đại dịch xảy ra, San Hà cũng như những người làm thực phẩm xuất phát từ nông nghiệp đi lên, dù đối mặt với nhiều khó khăn, có những đợt toàn bộ đội ngũ của San Hà “đứng yên”, nhưng chúng tôi chấp nhận khó khăn đó, với khó khăn chung của toàn ngành, toàn xã hội, và từng bước giải quyết.

Đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ GT-VT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ban ngành, Sở ngành TP.HCM đều tập trung lo chống dịch, khiến cho doanh nghiệp như chúng tôi có một sự an tâm, an toàn. Đó là niềm an ủi rất lớn. San Hà luôn có ngọn lửa trong lòng rất tự tin, rồi tất cả mọi khó khăn sẽ qua, sau cơn mưa trời lại sáng”, bà Ngọc Hà bày tỏ.

Công ty TNHH San Hà đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng Tết để phục vụ người tiêu dùng.

Công ty TNHH San Hà đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng Tết để phục vụ người tiêu dùng.

Với gần 2.000 người lao động tại các chuỗi cung ứng, nhà máy, văn phòng của San Hà tại tỉnh Long An và TP.HCM thì việc thực hiện “ba tại chỗ” khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. “Khi thực hiện “ba tại chỗ” ở Long An thì nhà máy gặp sự cố do có nhiều ca F0, thiếu hụt người lao động… Tuy nhiên, chính việc thực hiện “ba tại chỗ” cũng mang nhiều ý nghĩa đến cho doanh nghiệp. Bởi chính “ba tại chỗ” giúp doanh nghiệp có thể nhìn lại mọi quy trình, hoạt động của mình, từ đó chỉnh đốn, chuẩn bị lại, để không sống trong hoảng loạn, mà tự tin đối diện”, bà Ngọc Hà nói.

Nói về việc chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho hay, là công ty đi từ chăn nuôi cho đến bàn ăn, do đó kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết đều được chuẩn bị từ trước. Đến nay doanh nghiệp chỉ rà soát lại các khâu cho chu đáo, tăng tốc để đảm bảo cung ứng đủ cho nguồn hàng Tết theo kế hoạch cũng như nhu cầu thực tế của người dân, trong bối cảnh sản xuất an toàn thích ứng với dịch bệnh.

Theo kế hoạch thì mỗi ngày, San Hà tung ra thị trường khoảng 150-200 tấn sản phẩm cho mọi nguồn hàng, tuy nhiên hiện nay giảm khoảng 25-30% . Tuy nhiên, bà Hà lo ngại nhất là vấn đề thiếu hụt nguồn lao động phổ thông để vận hành chuẩn bị cho nguồn hàng Tết. “Sắp tới, San Hà có đầu tư một số máy móc hiện đại, do đó San Hà (Long An) đang rất khao khát tìm người lao động”, bà Hà nói.

Về giá cả hàng hóa dịp Tết, bà Hà cho hay, dù đang chịu sức ép từ chi phí đầu vào tăng nhưng doanh nghiệp sẽ cố gắng cân đối nhằm chia sẻ với khách hàng, và sẽ đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, không tăng giá sản phẩm.

Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm cho người dân TP.HCM trong đợt dịch lần thứ 4 diễn ra chiều 12/11, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo của tất cả các doanh nghiệp đã chung tay cùng TP.HCM dưới sự tiếp sức của các Bộ ngành Trung ương, của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ GT-VT, Bộ quốc phòng, Bộ Công An đã giúp TP.HCM có được những kết quả thuận lợi trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, cung ứng đầy đủ lương thực thực phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách kéo dài.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.