| Hotline: 0983.970.780

Hàng hóa nông sản Tết: [Bài 2] Nhiều giải pháp để tăng nguồn cung

Thứ Hai 15/11/2021 , 11:36 (GMT+7)

Tăng nguồn nhân lực, chăm lo giữ chân người lao động, kết nối khôi phục lại thị trường... là những giải pháp mà doanh nghiệp đang tích cực triển khai để tăng nguồn hàng hóa.

Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đang tăng tốc cho thị trường cuối năm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đang tăng tốc cho thị trường cuối năm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp vừa sản xuất, vừa “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, đảm bảo tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn phòng dịch theo từng ngành nghề.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng lưu ý, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối tập trung tăng tốc sản xuất, kích hoạt ngay phương án cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 và kết nối chuỗi cung ứng bị đứt gãy đối với các tỉnh, thành.

Là một doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường tại TP.HCM, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khi xuất hiện các ca F0 tại nhà máy, có thời điểm phải tạm dừng hoạt động, nhưng đến nay với sự quyết tâm, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cam kết đảm bảo nguồn cung hàng hóa đối với mặt hàng tươi sống, cũng như các sản phẩm chế biến.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan Phan Văn Dũng, dù còn rất nhiều khó khăn do giá xăng dầu tăng mạnh, giá nguyên phụ liệu tăng, cùng với chi phí để phòng dịch nhiều, chi phí sản xuất tăng từ 20-30%; ngoài ra, việc đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong sản xuất, kinh doanh cũng khiến chi phí tăng mạnh. Nhưng Vissan đang rất nỗ lực để chuẩn bị nguồn hàng cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và cam kết bán giá bình ổn thị trường để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Nhằm tăng cường nguồn hàng cho mùa cao điểm cuối năm, ông Dũng cho biết, Vissan sẽ tăng cường thêm nguồn nhân lực để đảm bảo đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đặc biệt đẩy mạnh sản phẩm tiêu dùng nhiều như giò chả, xúc xích, lạp xưởng... “Vissan dự kiến cung cấp thị trường Tết năm nay khoảng 2.860 tấn hàng thực phẩm tươi sống, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái; với ngành hàng chế biến là 4.225 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020”, ông Dũng cho hay.

Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty Thủy hải sản Sài Gòn (APT) Trương Tiến Dũng cho hay, để phục hồi sản xuất, khôi phục thị trường cuối năm, đơn vị tập trung tổ chức sản xuất, chăm lo giữ chân người lao động, cũng như thu hút lao động mới để có thể duy trì và khôi phục sản xuất. Đồng thời, kết nối khôi phục lại thị trường, giữ mức tăng trưởng.

Còn ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vina T&T Group cho biết, trong thời điểm giãn cách kéo dài, có thời điểm năng suất chỉ bằng khoảng 20-30% so với trước đây, do nhiều nguyên nhân như nông dân không được ra đồng, không thu hoạch được đúng lịch trái cây đã ảnh hưởng đến toàn bộ lô hàng xuất khẩu và chất lượng trái cây. Trước đây, mỗi ngày doanh nghiệp có thể chế biến và xuất khẩu vài container trái cây, thì trong thời điểm giãn cách, một container phải mất nhiều ngày, phát sinh thêm rất nhiều chi phí.

Tuy nhiên, chỉ sau thời gian hơn một tháng trở lại trạng thái "bình thường mới", tín hiệu tích cực cho một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các loại trái cây tươi và sơ chế sang thị trường Mỹ và Châu Âu là hiện Vina T&T Group đã nhận được đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này tăng 20% so với trước dịch. Tuy nhiên, theo ông Tùng, công ty sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, chọn lọc đơn hàng chứ không nhận hết. Bởi trong tình hình hiện nay, Vina T&T Group cũng như bất cứ doanh nghiệp nào cần thời gian để vừa khôi phục hoạt động vừa tái cơ cấu sản xuất phù hợp với tình hình mới.

Đại dịch Covid-19 chính là dịp để các doanh nghiệp nói chung, và doanh nghiệp ngành nông nghiệp nói riêng cơ cấu lại theo hướng bền vững hơn, trên cơ sở vừa thận trọng vừa linh hoạt để tránh những đổ gãy từ biến động của thị trường toàn cầu. Từ đó, kịp thời điều chỉnh hoạt động sản xuất, chủ động tìm cơ trong nguy, tạo đà cho tăng trưởng bền vững cho những năm tiếp theo.

Các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile thuộc Saigon Co.op luôn cung ứng đầy đủ các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến... Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile thuộc Saigon Co.op luôn cung ứng đầy đủ các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến... Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, đối với việc chuẩn bị nguồn hàng Tết, đây là mùa mua sắm có tốc độ gia tăng khoảng 20% so với giai đoạn bình thường. “Chúng tôi đã lên kế hoạch làm việc với các tỉnh để chuẩn bị nguồn hàng, thực hiện hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM với các tỉnh để rà soát các nguồn hàng cũng như đánh giá nhu cầu của người dân trong tiêu dùng Tết để chuẩn bị. Chúng tôi đã vận động doanh nghiệp khối sản xuất lương thực thực phẩm quay trở lại sản xuất, đến nay 100% doanh nghiệp thuộc Hội quay trở lại sản xuất”, ông Vũ cho biết.

Cũng theo Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, hiện TP.HCM đang triển khai đợt kích cầu tiêu dùng với quy mô lớn nhất, kích cầu tiêu dùng, giúp người tiêu dùng tiếp cận được những nguồn hàng với giá hợp lý gồm tất cả các mặt hàng nông sản vùng miền, thực phẩm, hàng hóa, tiêu dùng…. Bên cạnh đó, cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bán các đơn hàng lớn mà bị tồn, khó khăn trong giai đoạn dịch vừa qua.

Kiến nghị xây dựng thêm hệ thống kho lạnh

Ông Lương Quang Thi, Chủ tịch điều hành Công ty ABA Cooltrans – nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 vừa qua cũng bộc lộ các bất cập trong công tác dự trữ, bảo quản thực phẩm ở quy mô lớn. Ông Thi cho rằng, vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm hiện nay không chỉ là gạo mà còn bao gồm thịt cá, rau xanh... “Nhu cầu này rất lớn trong lúc dịch bệnh, nhưng hiện hệ thống kho lạnh của TP.HCM rất hạn chế, chỉ có 4 kho lạnh, trữ được khoảng 60.000 tấn, chỉ đủ cung cấp thực phẩm cho người dân khoảng 1 tuần. Nếu chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống bị gián đoạn thì sẽ hụt nguồn hàng ngay”, ông Thi nhận định.

Do đó, ông Thi đề xuất, TP.HCM cần nghĩ đến việc xây dựng thêm những hệ thống kho lạnh đủ lớn để giúp TP trữ hàng, có đủ thời gian xoay xở cho kế hoạch khác nếu rơi vào tình huống bất khả kháng. Cũng như đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc vận hành các hệ thống kho lạnh thay vì thủ công.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Phương Đông Asahi ghi dấu ấn với các khách hàng ở thủ đô

Tổ hợp Y tế Phương Đông đã ghi dấu ấn sâu sắc với những dịch vụ y tế chất lượng cùng các chương trình tư vấn sức khỏe, nghỉ dưỡng - dưỡng lão.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...