| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt công chức, viên chức Quảng Ninh nghỉ việc

Thứ Hai 22/05/2023 , 12:47 (GMT+7)

10 tháng gần đây, tỉnh Quảng Ninh có 217 người nghỉ việc. Những cán bộ này chủ yếu có trình độ đại học và năng lực tốt, trong độ tuổi tương đối trẻ.

Một số tỉnh, thành khác cũng có tình trạng như thế. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng rõ ràng, mấy vấn đề cố hữu chưa được khắc phục như chính sách tiền lương, đãi ngộ và cơ hội thăng tiến. Việc sáp nhập đơn vị, luân chuyển cán bộ đã xảy ra những bất cập như dồn lãnh đạo cấp phó, thừa cấp trưởng (phải làm cấp phó), trên điều về, động lực thăng tiến ở dưới... là những vấn đề đang đặt ra đối với công tác cán bộ và chính sách thu hút người tài, giữ chân cán bộ, công chức, viên chức ở lại làm việc.

Thu nhập "khó sống", ít cơ hội thăng tiến

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng mới ký văn bản gửi Bộ Nội vụ, báo cáo về tình hình thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức trong tỉnh.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, thời gian gần đây, tình trạng công chức, viên chức xin thôi việc có xu hướng gia tăng; những trường hợp xin thôi việc đa số là những người có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm công tác.

Nhiều cán bộ thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Hạ Long) có thâm niên 20 năm nhưng tổng thu nhập chỉ được 7 - 8 triệu đồng/tháng. Ảnh: Cường Vũ

Nhiều cán bộ thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Hạ Long) có thâm niên 20 năm nhưng tổng thu nhập chỉ được 7 - 8 triệu đồng/tháng. Ảnh: Cường Vũ

Cụ thể, từ ngày 01/7/2022 đến ngày 30/4/2023, tỉnh Quảng Ninh có 217 trường hợp nghỉ thôi việc, trong đó có 19 công chức làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh và 198 viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh.

Cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng chủ yếu có trình độ đại học trở lên, trong độ tuổi tương đối trẻ (dưới 40 tuổi).

Tỉnh Quảng Ninh lo ngại điều này có thể gây nên tình trạng "chảy máu chất xám" trong khối nhà nước, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị; công tác nhân sự, tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị, địa phương, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các cơ quan, chất lượng dịch vụ công có nguy cơ giảm.

Việc công chức, viên chức nghỉ việc được tỉnh Quảng Ninh tập trung vào một số nguyên nhân như:

Chưa có cơ chế trả lương theo năng lực, theo sản phẩm, kết quả thực hiện nhiệm vụ nên thiếu sự bình đẳng, chưa tạo được động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, sáng tạo, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Sự chênh lệch tiền lương giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghỉ việc của cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh Quảng Ninh là tỉnh có giá cả sinh hoạt đắt đỏ đứng thứ 2 của cả nước nên với mức tiền lương hiện tại thì cán bộ, công chức, viên chức khó bảo đảm nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của cá nhân và gia đình.

Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy nhân sự, số lượng cấp phó đang thừa ở một số cơ quan, đơn vị, nên dẫn đến tình trạng nhiều công chức, viên chức có trình độ, có năng lực và kinh nghiệm công tác nhưng không có cơ hội được bổ nhiệm ở các vị trí lãnh đạo quản lý nên đôi khi ảnh hưởng đến động cơ phấn đấu, rèn luyện của công chức, viên chức.

Cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng mạnh, cơ hội việc làm cũng từ đó tăng cao, đặc biệt là trong khối tư nhân, các ngành nghề dịch vụ, với mức tiền lương cao, đãi ngộ tốt, chế độ, chính sách đầy đủ (đóng bảo hiểm xã hội, tăng lương, phúc lợi...) nên nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ công tác để ra ngoài làm việc hoặc tự kinh doanh để chủ động hơn về thời gian.

Thực trạng kéo dài và bài toán không chỉ cho Quảng Ninh

Quảng Ninh là tỉnh phát triển sôi động. Các hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra với quy mô lớn. Việc dịch chuyển lao động giữa các khu vực công - tư cũng là điều bình thường khi mà nhu cầu tuyển dụng bên ngoài ngày càng lớn, chính sách đãi ngộ hấp dẫn. Trong khi đó khối nhà nước không phải không có những áp lực, hạn chế. Rõ nhất là chính sách tiền lương, đãi ngộ, cơ hội thăng tiến và những áp lực lớn về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu đang đặt ra sự lựa chọn cho công chức, viên chức.

Mặc dù các giải pháp Quảng Ninh đưa ra có phần còn chung chung hoặc khó khả thi trong điều kiện chung của đất nước. Nếu Quảng Ninh muốn đột phá thì các giải pháp này chưa hẳn đã tạo ra động lực mạnh để thay đổi. Vì thực tế có những vị trí, việc làm, chưa hẳn là đã vì đồng lương, hay thu nhập mà cái công chức, viên chức họ cần là một môi trường làm việc thực sự được cống hiến.

Trong văn bản gửi Bộ Nội vụ, Quảng Ninh có đặt ra rằng, các ngành, đơn vị cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; phân công, bố trí công việc một cách công bằng, hợp lý, khoa học bảo đảm phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm, trình độ đào tạo, phát huy được năng lực, sở trưởng công tác nhằm góp phần giảm căng thẳng, áp lực trong công việc.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc bố trí, phân công công việc không hợp lý dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, uy tín tốt xin nghỉ việc.

Tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế, hướng dẫn thuộc thẩm quyền ban hành và đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, bất cập, kẽ hở, nhất là nhiều cách hiểu khác nhau trong cùng một vấn đề... nhằm hạn chế rủi ro, tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ được giao.

Thực hiện nghiêm túc các quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, công chức, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc.

Tỉnh Quảng Ninh đề nghị Trung ương nghiên cứu có giải pháp sớm triển khai cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ Bảy Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp để người lao động phần nào ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.

Từ 1/7/2022 đến 30/12/2022, Quảng Ninh tuyển dụng được 10 công chức làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước; 362 viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh, trong đó phần lớn là vào ngành y tế và giáo dục đào tạo.

Tuy nhiên, số lượng hồ sơ thí sinh dự tuyển còn thấp, kể cả hai ngành trọng yếu là y tế và giáo dục - đào tạo. Cụ thể, đối với kỳ tuyển dụng viên chức y tế chỉ có 224/511 chỉ tiêu có hồ sơ dự tuyển (chiếm 43%); đối với kỳ tuyển dụng viên chức khác có 220/362 chỉ tiêu có hồ sơ dự tuyển (chiếm 60%).

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.