| Hotline: 0983.970.780

Chơi vơi giữa 'rừng vàng'

Thứ Ba 10/01/2023 , 10:41 (GMT+7)

Mức lương bèo bọt, quanh năm ở trong rừng sâu khiến cho nhiều cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng chơi vơi giữa muôn vàn nỗi lo.

z3976548243964_16be10654328b0a4c4e1557f591f92ce

Trạm bảo vệ rừng Đồng Quặng được xem là khang trang nhất Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Khó lấy vợ vì… nghèo

Bài liên quan

Tờ mờ sáng ngày đông cuối năm, nhóm phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có mặt tại Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long, Quảng Ninh). Chào nhau vội vàng, chúng tôi xách balo rồi leo lên chiếc xe máy cà tàng để kịp giờ đi tuần rừng. Trên cao, mặt trời chưa vươn mình buông nắng, còn dưới đất, gió rét "quấn" lấy chúng tôi không rời. 

Điểm đến đầu tiên là trạm bảo vệ rừng Đồng Quặng, cách trụ sở Ban khoảng 20 phút chạy xe. Đến nơi, anh Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng dẫn chúng tôi vào căn nhà cấp 4 nằm khuất sau lùm cỏ cao cỡ đầu người, lọt thỏm bên con đường liên xã. Theo lời anh Thanh chia sẻ thì đây là trạm "hoành tráng" nhất bấy giờ của đơn vị. 

Căn nhà mái ngói đỏ phủ từng mảng rêu trên lớp sơn cũ, rộng chừng 20m2, nằm sát mé rừng. Xung quanh được rào tạm bợ bằng những miếng gỗ mỏng, ngồi trong sân, chúng tôi nghe rõ mồn một tiếng gió đương rít lên từng hồi.

Trời rét căm căm, để xua đi cái lạnh cắt da cắt thịt, các cán bộ trong Ban Quản lý Khu bảo tồn thường ngồi sưởi ấm, đun nồi trà bên bếp củi được dựng lên bằng 2 viên gạch không nung và thanh sắt kê ngang. Nghe nói, chi phí đầu tư bếp đâu đó chỉ vài chục nghìn đồng.

Ngồi đối diện tôi là anh Mai Trung Đức, Trạm trưởng trạm bảo vệ rừng Đồng Quặng. Đức sinh năm 1990 nhưng đã có thâm niên 9 năm trong nghề. Đức cho biết, trạm Đồng Quặng xây dựng từ năm 2009, nằm dưới sườn đồi nên vào mùa mưa bão, cảm tưởng như thần chết luôn rình rập trên cao, sẵn sàng đe dọa tính mạng con người bất cứ lúc nào. Đông đến thì gió lùa qua khe cửa khiến anh em dù đắp chăn dày nhưng tay chân vẫn lạnh ngắt, run lẩy bẩy.

"Mỗi lần mưa to là chúng tôi phải khăn gói quần áo cùng giấy tờ quan trọng di tản về trụ sở chính của cơ quan chứ ở đây đất đá sạt lở xuống, chết lúc nào không biết", Đức tâm sự.

Trạm Đồng Quặng cách trung tâm phường Hoành Bồ (TP Hạ Long) chưa đầy chục cây số nhưng sóng điện thoại tậm tịt lúc có lúc không, gọi cho nhau chỉ nghe thấy “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”.

Bài liên quan

Đơn cử như không may xảy ra cháy rừng hay kẻ gian đến chặt phá, nếu thông tin chậm thì hậu quả để lại là rất lớn, thậm chí cán bộ quản lý bảo vệ rừng có thể bị xử lý, phạt tù như chơi. Để khắc phục, vừa rồi anh em trong trạm phải trích một phần lương để lắp các thiết bị hỗ trợ liên lạc.

“Ngày chưa có mạng wifi, nhiều khi bạn gái nhắn tin rủ đi chơi, đi xem phim nhưng vì không có sóng điện thoại, lại đi tuần rừng liên tục nên hôm sau mới nhận được, lúc trả lời thì đã muộn”, Đức buồn bã nói.

Do quanh năm ở trong rừng rú, điều kiện sống khó khăn nên nhiều đồng chí kiểm lâm mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng nom đến già dặn. Đã thế lại còn nghèo. Như Đức, thâm niên gần chục năm nhưng tính cả lương và phụ cấp mỗi tháng chưa nổi 6 triệu đồng. Với mức thu nhập như thế lại suốt ngày ở trong rừng sâu nên Đức dù đã "đầu 3 đít chơi vơi" vẫn chưa lấy được vợ.

Không chỉ có Đức ế vợ mà trong Ban còn nhiều anh em đã ngoài 30 vẫn “lẻ bóng” mà nguyên nhân chính là nghèo. Người nào làm 20 năm, lương và phụ cấp mỗi tháng gần 7 triệu. Còn anh em mới vào được 2, 3 năm thì khoảng 3,5 triệu đồng. Với mức thu nhập như thế, ốc không mang nổi mình ốc, nghĩ gì đến chuyện vợ con.

Muôn vàn nỗi lo

Ông Ngọc Lê Huy, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, cho biết, Ban có 4 trạm bảo vệ rừng gồm trạm Đồng Quặng, trạm Cài, trạm Vũ Oai và trạm Hòa Bình, các trạm cách nhau 30-40km. Từ trạm đến cửa rừng cũng mất vài chục cây số đường đèo, những hôm mưa bão sạt lở đất, việc đi lại còn chông gai hơn.

z3977117642840_d7bed804d37c47dede108ed7f7e86be2

Các cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: Cường Vũ.

“Mới đây trạm Hoà Bình đã bị giải toả, trạm Đồng Quặng đang trong diện phải dỡ bỏ, trạm Cài thì bị mất một phần diện tích. Anh em đang lo, sau khi mất trạm thì tỉnh chủ trương thế nào, có xây lại trạm khác không chứ để cơ quan tự túc thì “móc” đâu ra tiền”, ông Huy trăn trở.

Anh Nguyễn Thanh Phương, trạm trưởng trạm Hòa Bình cho biết thêm, sau khi làm xong tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, trạm đã không còn nữa. Nhà anh cách xa nơi làm việc đến 50km nên hôm thì anh xin ở nhờ nhà dân gần cửa rừng, hôm thì ở nhà lán bỏ hoang của một công ty lâm nghiệp mỗi khi đi tuần tra. Lán chỉ có mỗi cái giường cũ, không chăn màn cũng chẳng có điện, nước sinh hoạt thì mang xô ra con suối gần đó xách về.

“Nói ra thì người ta bảo kêu nghèo kể khổ nhưng thực tế là như vậy. Mình đã theo nghề rồi, giờ bỏ cũng nhỡ nhàng nên anh em hàng ngày vẫn động viên nhau cùng cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng”, anh Phương trầm ngâm chia sẻ.

Còn với anh Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Ban nhà ở phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên. Từ cơ quan về nhà anh chừng 40km. Anh Thanh cho biết, cứ khoảng 2 tuần anh đi xe máy về thăm vợ con một lần. Mỗi lần chồng về, chị Hoa - vợ anh lại chuẩn bị một lô xích xông nào là cá khô, muối vừng, trứng vịt để anh Thanh mang lên trạm cải thiện bữa ăn hàng ngày cho anh em.

Hỏi về anh Thanh, chị Hoa cười, chia sẻ: “Họ hàng, xóm láng nghe chồng làm kiểm lâm tưởng oách lắm nhưng thực tế anh nhà chị như sinh viên đi học xa nhà, mỗi lần về lại khuân của nhà đi một mớ. Nhưng đặc thù công việc như vậy phải cố gắng chứ biết làm thế nào hả em”.

Quê ở huyện miền núi Bình Liêu xa xôi nên anh Hoàng Minh Tuấn rất ít có thời gian về thăm gia đình, nhiều khi phải 2-3 tháng anh Tuấn mới được gặp con. Đồng lương còm cõi hơn 4 triệu/tháng, con chập chững biết đi, vợ làm giáo viên với mức lương cũng không khá hơn là bao. Để thuận tiện cho vợ đi làm, hai vợ chồng anh Tuấn từng phải thuê nhà trọ gần trường nhưng rồi cũng không kham nổi, đành về ở nhà ông bà nội cách xa nơi vợ anh dạy học.

Lấy nhau đã lâu nhưng vợ chồng Tuấn vẫn hai bàn tay trắng. Nhiều lúc trực đêm trong rừng, ngẫm nghĩ về cuộc đời anh lại thấy chạnh lòng vì tương lai mù mịt quá. Tuấn trải lòng.:“Lương thấp, công việc vất vả lại xa nhà, vợ em nhiều lần khuyên đổi sang làm việc khác. Nhưng trót theo nghề rồi nên em phải cố gắng thôi. Giờ chỉ mong mình luôn khỏe mạnh, không đau ốm để có thể hoàn thành tốt công việc”.

Nếu nói về lương, sẽ có hàng ngàn, hàng vạn chiến sỹ kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng tủi thân. Thật khó có thể hình dung một lực lượng gồng gánh trách nhiệm giữ hàng trăm, hàng nghìn ha rừng mà thu nhập vỏn vẹn 3-4 triệu đồng/tháng... Bên cạnh đó, kiểm lâm là một nghề đặc biệt, ngoài kiến thức cơ bản còn phải có sức khỏe, lòng dũng cảm và một trái tim sắt đá.

Theo kết quả điều tra đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng có đến 546 loài, thuộc 332 chi của 97 họ các loài cây thân gỗ khác nhau. Đối với nhóm thực vật thân thảo cũng rất phong phú với tổng 617 loài, thuộc 380 chi của 119 họ. Ở đây còn là môi trường sống của 64 loài thực vật quý hiếm thuộc 52 chi, 38 họ, trong đó, có 43 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 31 loài được ghi trong Danh lục đỏ của IUCN. Bên cạnh đó, trong Khu bảo tồn với nhiều cây thuốc, trong đó, có nhiều loài cây thuốc quý hiếm, với 428 loài cây thuốc mọc tự nhiên, thuộc 330 chi, 125 họ khác nhau.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.