| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt hồ chứa nước xuất hiện vết thấm

Thứ Tư 23/08/2023 , 18:04 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Để đảm bảo an toàn hồ, đập trước mùa mưa bão, Công ty Thủy lợi Khánh Hòa kiểm tra, đánh giá hiện trạng và chủ động duy tu, sửa chữa các công trình.

Chủ động kiểm tra

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa (gọi tắt Công ty Thủy lợi Khánh Hòa) hiện được giao quản lý, khai thác 18 hồ chứa nước. Trong 14 hồ chứa lớn, có 9 hồ điều tiết nước qua tràn có cửa van, 2 hồ điều tiết nước qua tràn tự do kết hợp cửa xả sâu, 3 hồ điều tiết nước qua tràn tự do. Đối với 4 hồ chứa vừa và nhỏ còn lại, chủ yếu điều tiết nước qua tràn tự do.

Hồ Hoa Sơn đang triển khai thi công gia cố mái hạ lưu đập bằng tấm bê tông lục lăng. Ảnh: KS.

Hồ Hoa Sơn đang triển khai thi công gia cố mái hạ lưu đập bằng tấm bê tông lục lăng. Ảnh: KS.

Để đảm bảo an toàn hồ, đập trước mùa mưa bão năm 2023, trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, Công ty thủy lợi Khánh Hòa đã cho kiểm tra, đánh giá hiện trạng các đập, hồ chứa nhằm chủ động duy tu, sửa chữa những hạng mục hư hỏng để đảm bảo an toàn công trình.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các hồ chứa nước Hoa Sơn (huyện Vạn Ninh), Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa) đang triển khai thi công gia cố mái hạ lưu đập bằng tấm bê tông lục lăng phần còn lại. Đối với hồ chứa Suối Hành (TP Cam Ranh) đã hoàn thành việc sửa chữa vai tràn xả lũ, đường quản lý phía bờ hữu, mái hạ lưu và chuẩn bị thủ tục bàn giao, đưa vào sử dụng.

Ông Đinh Tấn Thành, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Khánh Hòa cho biết, trong quá trình quản lý vận hành khai thác, công ty thường xuyên chỉ đạo các chi nhánh, văn phòng đại diện thường xuyên kiểm tra, theo dõi và báo cáo tình hình công trình thủy lợi được giao quản lý.

Mới đây qua kiểm tra, đối với hồ Am Chúa (huyện Diên Khánh), công ty phát hiện vết thấm nhẹ phía vai tả đập, vị trí tiếp giáp với sườn núi khi hồ tích nước đến mực nước dâng bình thường. Còn hồ Đồng Bò (TP Nha Trang) khi mực nước ở cao trình mực nước dâng bình thường xuất hiện vết thấm ở đập chính và đập phụ.

Hồ Đá Bàn cũng đang triển khai thi công gia cố mái hạ lưu. Ảnh: KS.

Hồ Đá Bàn cũng đang triển khai thi công gia cố mái hạ lưu. Ảnh: KS.

Đối với hồ Suối Dầu (huyện Cam Lâm) khi mực nước trong hồ lớn xuất hiện vết thấm nhẹ tại vị trí gần Tràn xã lũ và vị trí cách tràn sự cố khoảng 100m về phía Nam.

Tương tự, hồ Cam Ranh xuất hiện vết thấm nhẹ tại chân mái đập vị trí tại cống lấy nước phía Bắc và vai tả tràn xả lũ. Riêng hồ Láng Nhớt thì có hiện tượng thấm từ khe lún tường cánh thượng lưu qua vai hữu tràn xã lũ ra khe lún tường cánh hạ lưu. Tuy nhiên qua quá trình theo dõi nhiều năm bằng trực quan các vết thấm trên có lưu lượng nhỏ, nước trong.

Ngoài ra một số hồ như: Suối Sim, Cam Ranh mái hạ lưu đập có hiện tượng xói lở cục bộ ở một số vị trí, công ty tiến hành khắc phục trước mùa mưa lũ.

Theo ông Đinh Tấn Thành, để đảm bảo an toàn công trình đập và hồ chứa trong mùa mưa bão, cũng như về lâu dài, công ty đã đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư đầu tư xây dựng tràn sự cố hồ chứa nước Cam Ranh. Đồng thời đầu tư máy phát điện dự phòng để phục vụ cho công tác vận hành điều tiết tràn xả lũ hồ chứa nước Láng Nhớt.

4 tại chỗ, 3 sẵn sàng

Bên cạnh việc kiểm tra, đánh giá, sửa chữa khắc phục những hư hỏng các công trình, hồ chứa, trước mùa mưa lũ Công ty Thủy lợi Khánh Hòa đã kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị quản lý. Trong đó phân công giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm đáp ứng nhiệm vụ cụ thể, cũng như đảm bảo kết nối mạng lưới chỉ huy thông suốt từ công ty đến từng thành viên phụ trách tại các công trình đầu mối.

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa đã chủ động kiểm tra, duy tu, sửa chữa hồ đập để đảm bảo công trình trước mùa mưa bão. Ảnh: KS.

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa đã chủ động kiểm tra, duy tu, sửa chữa hồ đập để đảm bảo công trình trước mùa mưa bão. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Thái Hùng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Thủy lợi Khánh Hòa cho biết thêm, trong ứng phó thiên tai, đảm an toàn công trình đập, hồ chứa, công ty luôn sẵn sàng, chủ động phòng chống với phương châm “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ và “3 sẵn sàng” gồm chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Mặt khác trong phương án ứng phó thiên tai của công ty có thể hiện rõ các tình huống có khả năng xảy ra sự cố hoặc gây mất ổn định cho công trình, nhằm đề ra các giải pháp ứng phó xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, tại các công trình đầu mối đập, hồ chứa công ty đã phân công, bố trí đầy đủ các lực lượng, vật tư, thiết bị, phương tiện dự phòng thiết yếu nhằm đảm bảo ứng phó ngay khi công trình có sự cố xảy ra.

Trước đó, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị đang quản lý, khai thác, vận hành, thi công xây dựng các công trình đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trong năm 2023.

Ông Nguyễn Duy Quang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh có 28 hồ chứa thủy lợi và 3 hồ thủy điện, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, Sở NN-PTNT đã tham mưu tỉnh xây dựng các phương án ứng phó các tình huống. Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ nhân vật lực, thiết bị… nhằm chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất