Tính đến ngày 7/12, tổng tích lũy số trường hợp dương tính SARS-CoV-2 tại Hải Phòng là 1.401 ca, đã công bố khỏi bệnh là 7 ca, hồi phục xuất viện là 194 ca và đang điều trị là 1.160 ca.
Chỉ tính riêng ngày 6/12, toàn TP Hải Phòng đã ghi nhận tới 186 ca dương tính SARS-CoV-2, trong số đó có 96 trường hợp có liên quan tới ổ dịch tại chợ Sắt, quận Hồng Bàng, 18 trường hợp liên quan ổ dịch siêu thị Go (Big C cũ), đây là con số lớn nhất từ trước tới nay mà TP Cảng ghi nhận trong 1 ngày.
Số ca nhiễm chủ yếu tăng nhanh thời gian gần đây, sau khi các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng, nhiều người từ miền Nam trở về làm việc, sinh sống, phức tạp nhất là ổ dịch tại huyện Tiên Lãng và quận Hồng Bàng.
Riêng tại quận Hồng Bàng đã ghi nhận 300 ca dương tính, trong đó có 850 trường hợp F1 và 1.276 trường hợp F2, còn huyện Tiên Lãng cũng ghi nhận 504 ca nhiễm, trong đó có 4 xã chuyển thành vùng nguy cơ cấp 4 là Toàn Thắng, Tiên Minh, Tiên Thắng, Vinh Quang.
Diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp đã kéo theo nhiều hệ lụy, chợ Sắt và hàng loạt địa điểm liên quan đến các ca nhiễm bị chăng dây và cho tạm dừng hoạt động.
Tại huyện Tiên Lãng, huyện Thủy Nguyên, quận Kiến An, quận Hải An và quận Ngô Quyền đã cho học sinh các cấp từ Mầm non tới Trung học cơ sở tạm dừng tới trường chuyển sang học online, trừ học sinh cuối cấp.
Bên cạnh đó, ngoài 15 trạm y tế lưu động đang thí điểm tại quận Hồng Bàng và huyện Tiên Lãng, Chủ tịch UBND UBND TP Hải Phòng quyết định bổ sung 211 trạm y tế lưu động, đảm bảo đủ 1 trạm y tế lưu động/một đơn vị xã, phường, thị trấn từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Yêu cầu UBND quận Hồng Bàng và UBND huyện Tiên Lãng thực hiện điều trị F0 tại nhà theo mô hình hoạt động của trạm y tế lưu động với sự hướng dẫn của Sở Y tế.
Đồng thời yêu cầu UBND các quận, huyện giúp các đơn vị hỗ trợ thực hiện mua sắm thiết bị, vật tư y tế trang bị cho các trạm y tế lưu động từ ngày 7/12/2021 và xong trước ngày 10/12/2021, đảm bảo đúng giá thị trường.
Mặt khác, thực hiện điều phối trạm y tế lưu động giữa các xã, phường, thị trấn trong nội bộ, tăng cường cho các xã, phường, thị trấn có nhiều F0.
Trạm y tế lưu động sẽ được thiết kế vị trí phù hợp để bình ôxy, thuốc, thiết bị y tế và gắn biển ghi chữ “TRẠM Y TẾ LƯU ĐỘNG” trên các xe máy.
Trưởng trạm y tế lưu động là bác sỹ hoặc cán bộ y tế có đủ điều kiện về chuyên môn theo quy định, chỉ bố trí giường cho cán bộ y tế của trạm thực hiện nhiệm vụ trực, cán bộ y tế có trách nhiệm giữ liên hệ với F0 trong quá trình giám sát, điều trị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi được yêu cầu.
Về nhân lực của trạm y tế lưu động, được huy động lực lượng y tế đã nghỉ hưu đảm bảo sức khỏe, lực lượng y tế của các cơ sở y tế tư nhân, công an, quân đội và các trường Đại học tham gia, có hỗ trợ thù lao.
Bên cạnh đó, UBND TP Hải Phòng cũng giao Sở TT-TT làm việc với Bộ Y tế và Bộ TT-TT để triển khai phần mềm quản lý F0 tại nhà, đảm bảo việc kết nối phần mềm quản lý giữa trạm y tế lưu động với hệ thống y tế.
Đồng thời có hỗ trợ kinh phí cho F0 điều trị tại nhà và Fl, F0 không phải người Hải Phòng đang tạm trú và lao động tại các công trường trên địa bàn thành phố.