Xác định 212 vùng nguy cơ cháy rừng
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, xu thế nhiệt độ tiếp tục tăng dần và hiện tượng ENSO duy trì, nghiêng về pha nóng, có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng từ 0,5-1,5 độ C. Dự báo từ tháng 6-8/2024, là giai đoạn nắng nóng cao điểm trên địa bàn tỉnh, dễ gây ra tình trạng cháy rừng.
Để ứng phó với nắng nóng, ông Huỳnh Xuân Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho biết đã chủ động rà soát các vùng nguy cơ xảy ra cháy rừng. Theo đó, toàn tỉnh có khoảng 212 vùng nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, với tổng diện tích gần 110.000 ha (chủ yếu rừng trồng), tập trung hầu hết tại các huyện, thị xã và thành phố.
Chi cục đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phải chủ động tham mưu UBND cấp huyện, xã quan tâm các vùng cháy trọng điểm này. Đồng thời kiểm tra trình trạng hoạt động của các công trình, phương tiện và trang thiết bị chữa cháy rừng trên địa bàn để có phương án huy động khi cháy xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Mới đây, Chi cục Kiểm lâm phối hợp Công an tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phòng chống chữa cháy rừng tại các địa phương và chủ rừng trên toàn tỉnh. Qua đó, Chi cục chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí, đảm bảo sự chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.
Đặc biệt lực lượng kiểm lâm các cấp phải chủ động theo dõi thông tin dự báo thời tiết và cấp dự báo cháy rừng, thông tin các điểm cháy rừng, kể cả điểm cháy dọn thực bì phục vụ sản xuất nông nghiệp gần rừng để cảnh báo địa phương, kiểm lâm địa bàn kiểm tra điểm cháy nhằm chủ động trong công tác phòng cháy rừng.
Trước diễn biến nắng nóng gay gắt vẫn diễn ra trong những ngày tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu các địa phương, người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác phòng chống cháy rừng. Khi đốt nương, làm rẫy, dọn dẹp thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng, người dọn dẹp phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng. Tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều. Trước khi đốt phải báo với chính quyền địa phương và quá trình đốt phải bố trí đầy đủ người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng. Sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa.
“Khi phát hiện cháy rừng, người dân phải báo cháy ngay cho những người xung quanh, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và chính quyền địa phương nơi gần nhất biết để huy động tối đa lực lượng dập lửa, không để đám cháy lan trên diện rộng”, ông Quang lưu ý.
Không lơ là
Ghi nhận tại Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa hiện được giao quản lý khoảng 26.670 ha, trong đó diện tích có rừng hơn 25.898 ha nằm trên địa bàn 5 xã Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây, Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Đông và Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa). Từ cuối tháng 3 đến nay trên lâm phần của đơn vị này quản lý đã không có mưa, tình trạng nắng nóng gay gắt diễn biến phức tạp. Hiện tại mực nước ở các khe suối đều đã khô cạn, hầu như đã tắt hết dòng chảy.
Ông Đào Ngọc Dũng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa cho biết, hiện nay lâm phần quản lý có 1.173 ha rừng trồng có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Không những thế nhiều diện tích rừng trồng trong thời gian kiến thiết cơ bản nên khả năng chống chịu hạn thấp. Đến nay nhiều cây trồng bị héo và một số cây đã chết do khô hạn.
Trước tình hình nắng hạn gay gắt kéo dài, đơn vị xác định công tác phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Do đó, đơn vị đã triển thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó nguy cơ cháy rừng.
“Từ đầu tháng 4 chúng tôi đã phân công trực chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng và tuần tra rừng 24/24 giờ hàng ngày. Đến nay, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết với 42 người có sản xuất nương rẫy ven rừng, đồng thời thu thập thông tin người ra vào rừng để theo dõi, nhắc nhở cảnh báo và hướng dẫn biện pháp sử dụng lửa an toàn”, ông Dũng chia sẻ và cho biết thêm, trước nguy cơ cháy rừng cao, đơn vị cũng thường xuyên với các trưởng thôn; kiểm lâm làm việc tại địa bàn; cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã; người nhận khoán bảo vệ rừng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy chữa cháy rừng.
Tương tự, tại Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai (huyện Sơn Hòa) hiện có gần 3.000 ha rừng tự nhiên và rừng trồng tại 3 xã Krông Pa, Eachà Rang, Suối Trai có nguy cơ cháy cao. Để ứng phó những ngày này lực lượng quản lý bảo vệ rừng đều túc trực trong rừng. Ngoài canh phòng chống cháy, lực lượng nơi đây thường xuyên tuyên truyền bà con trực tiếp và gián tiếp trên loa phát thanh, cũng như vận động người dân ký cam kết phòng chống cháy rừng.
Ông Huỳnh Tấn Trương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Hòa kiêm Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai cho biết, đến nay đơn vị đã tuyên truyền vận động 50 hộ ký cam kết phòng chống cháy rừng. Hiện nay, đơn vị tiếp tục vận động bà con canh tác gần rừng ký cam kết, vì đây là một trong những nguyên nhân dễ gây ra cháy rừng do đốt thực bì.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Phú Yên xảy ra 2 vụ cháy rừng trồng với diện tích hơn 7,3 ha, trong đó rừng sản xuất hơn 1,2 ha; rừng không quy hoạch lâm nghiệp 6,08 ha.
Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, toàn tỉnh có hơn 257.169 ha rừng, trong đó gần 127.000 ha rừng tự nhiên, hơn 130.000 ha rừng trồng. Diện tích rừng do các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các tổ chức trồng rừng kinh tế quản lý hơn 124.661 ha; hộ gia đình quản lý hơn 51.761 ha; còn lại UBND xã quản lý diện tích chưa giao, cho thuê là 80.746 ha.