| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị Thủ tướng bố trí kinh phí cấp bách về phòng chống cháy rừng

Chủ Nhật 05/05/2024 , 11:58 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đề xuất ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trong đầu tư công trung hạn giai đoạn tới.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Thiện thị sát công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Thiện thị sát công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

500ha rừng bị ảnh hưởng do cháy

Theo Cục Kiểm lâm, 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 89 vụ cháy rừng, với diện tích bị ảnh hưởng ước khoảng gần 500ha, chủ yếu là các diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo và rừng non phục hồi. Con số này tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2023.

Các vụ cháy rừng đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Đặc biệt, 3 người làm nhiệm vụ chữa cháy rừng đã tử vong. Đó là, 2 cán bộ kiểm lâm (chị Trương Thị Lan, anh Trần Văn Khiên) hy sinh khi dập lửa tại khu rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh, tỉnh Hà Giang và 1 người dân (chị Giàng Thị Xú) tại huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cho biết, vụ cháy tại Tây Côn Lĩnh, khiến 2 cán bộ kiểm lâm tử vong, được phát hiện vào sáng 26/4, trên địa bàn 3 xã Lao Chải, Xín Chải, Phương Tiến, huyện Vị Xuyên. Hơn 1.000 người đã được huy động để chữa cháy.

Dù tích cực triển khai phương châm "4 tại chỗ", nhưng do khu vực cháy có địa hình phức tạp, núi cao, thực bì dày, lại đang cao điểm mùa khô, gió lớn khiến khoảng 10ha rừng bị thiệt hại.

Ngoài nguyên nhân chính là hiện tượng El Nino khiến nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, số vụ cháy rừng tăng trong 4 tháng đầu năm tăng còn do sự bất cẩn của người dân trong đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng.

Cháy rừng giáp ranh giữa xã Trung Chải và xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu hôm 15/4. Ảnh: Hải Đăng.

Cháy rừng giáp ranh giữa xã Trung Chải và xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu hôm 15/4. Ảnh: Hải Đăng.

Thống kê của Cục Kiểm lâm cho thấy, việc đốt nương làm rẫy, đốt đồng cỏ gây cháy lan vào rừng chiếm gần 65% số vụ; xử lý thực bì, dọn vườn, sử dụng lửa bất cẩn trong rừng chiếm hơn 20% số vụ. Còn lại xuất phát từ đun nấu, đốt than, đốt cỏ, săn bắt động vật rừng...

Cá biệt, ngày 30/4 vừa qua, một người đàn ông tại huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế đã sử dụng lửa để lấy mật ong rừng và gây ra vụ cháy lớn, thiêu rụi khoảng hơn 1ha rừng lau lách và cây bụi. Bản thân người đàn ông này bị bỏng nặng, được lực lượng chức năng kịp thời ứng cứu, đưa khỏi rừng và hiện chữa trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Số vụ cháy rừng tăng còn diễn ra trên bình diện thế giới. Cơ sở dữ liệu sự kiện khẩn cấp (EM-DAT) thuộc Đại học Công giáo Louvain (Bỉ) cho biết, với hơn 250 người thiệt mạng, 2023 trở thành năm cháy rừng gây thương vong nhiều nhất tính từ đầu thế kỷ XXI.

Các vụ cháy rừng năm 2023 đã thiêu rụi khoảng 400 triệu ha rừng, thải ra 6,5 tỷ tấn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Trong số này, vụ cháy rừng tại Hawaii hồi tháng 8/2023 khiến 97 người thiệt mạng và 31 người mất tích. 34 người tại Algeria và 26 người tại Hy Lạp cũng bị tử vong trong một vụ cháy rừng vào tháng 7/2023.

Khi cháy rừng xảy ra thường xuyên, thảm thực vật ít có thời gian phục hồi, khiến rừng đứng trước nguy cơ mất khả năng hấp thụ CO2. Phòng thí nghiệm Khí quyển, Môi trường, Quan sát không gian (LATMOS) của Pháp thừa nhận, cháy rừng có thể làm giảm 10% lượng CO2 hấp thụ của rừng. Thậm chí, cây cối có thể giải phóng toàn bộ lượng CO2 mà chúng đã hấp thụ.

Các đơn vị ứng phó cháy rừng bằng cách đốt trước có điều khiển để giảm vật liệu cháy. Ảnh: Kim Sơ.

Các đơn vị ứng phó cháy rừng bằng cách đốt trước có điều khiển để giảm vật liệu cháy. Ảnh: Kim Sơ.

Tăng cường đầu tư cho lực lượng bảo vệ rừng

Bộ NN-PTNT nhận định, bên cạnh những yếu tố như rừng phân bố rộng, tập trung nhiều ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, áp lực dân số ở các vùng có rừng tăng nhanh, việc chặt phá, khai thác rừng trái phép diễn biến phức tạp thì việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở một số địa phương còn lúng túng, thiếu hiệu quả, thiếu công cụ để xử lý trách nhiệm.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn hạn chế, nhất là việc ứng dụng công nghệ địa không gian, GIS để phát hiện sớm cháy rừng chưa được triển khai rộng rãi. Những trang thiết bị hiện đại như flycam, camera quang học để phát hiện sớm và áp sát cháy rừng còn thiếu thốn.

"Nhiều địa phương vẫn sử dụng công cụ thô sơ như dao phát, cành cây để dập lửa khi có cháy rừng. Nếu gặp cháy lớn thì lúng túng, không đủ trang thiết bị có hiệu suất cao để khống chế đám cháy nhanh. Việc huy động nhiều người tham gia nhưng thiếu trang thiết bị nên hiệu quả chữa cháy rừng thấp", Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Ngay cả lực lượng chuyên ngành phòng cháy và chữa cháy rừng - kiểm lâm - cũng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức cả về con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất, phương tiện.

Chế độ, chính sách đối với lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, kinh phí chi trả công cho người tham gia chữa cháy rừng chưa thỏa đáng nên không động viên, khuyến khích người dân tích cực tham gia chữa cháy rừng.

Đa số cán bộ kiểm lâm, người dân vẫn sử dụng công cụ thô sơ để phòng chống cháy rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Đa số cán bộ kiểm lâm, người dân vẫn sử dụng công cụ thô sơ để phòng chống cháy rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Trên cơ sở tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 4/4/2024, Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 27/4, Công điện số 43/CĐ-TTg ngày 1/5, Bộ NN-PTNT cam kết tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, đồng thời duy trì ứng trực 24/24 giờ tại Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm vùng.

Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, bố trí kinh phí cấp bách năm 2024 về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cho các địa phương có nguy cơ cháy rừng cao và trọng điểm về cháy rừng. Đồng thời, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trong dự án đầu tư công giai đoạn 2026-2030.

Về dài hạn, Bộ đề xuất ban hành quy định hỗ trợ cho lực lượng chữa cháy rừng. Ngoài ra, bổ sung thiết bị bay không người lái vào danh mục cần thiết được phép sử dụng đối với cơ quan quản lý ngành lâm nghiệp và đơn vị chủ rừng được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng.

Với 60 tỉnh, thành phố có rừng trên cả nước, Bộ NN-PTNT đề nghị phối hợp thực hiện có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 10/2/2022 của Thủ tướng. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đến người dân.

4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động 182,2 ha giảm 75,7 ha so với cùng kỳ 2023. Các vụ phá rừng chủ yếu tại Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ như Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... Những khu vực rừng giáp ranh giữa các tỉnh cũng thường bị tàn phá.

Cục Kiểm lâm đánh giá, những phần rừng bị phá chủ yếu là diện tích chưa được Nhà nước giao, cho thuê và đang do UBND cấp xã quản lý.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.