| Hotline: 0983.970.780

Phòng, chống cháy rừng: Kinh phí thiếu, nhân lực mỏng

Chủ Nhật 05/05/2024 , 18:23 (GMT+7)

Ngày 5/5, tại Kon Tum, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024.

Báo động rừng cháy, người thương vong

Trình bày báo cáo về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, năm 2023, có 60 tỉnh, thành phố có rừng đã công bố hiện trạng với tổng diện tích rừng cả nước  hơn 14,8 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt hơn 42%.

Về công tác bảo vệ rừng, năm 2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.300 vụ vi phạm với diện tích rừng bị tác động là 1.000ha, giảm 597 vụ so với cùng kỳ. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động hơn 182ha, giảm 75,7 ha. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị báo cáo về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: Tuấn Anh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị báo cáo về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: Tuấn Anh.

Các vụ phá rừng chủ yếu tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, vùng miền núi phía Bắc và Bắc trung bộ. Nguyên nhân chủ yếu do người dân lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp, tập quán du canh, nhu cầu khai thác gỗ làm nhà...

Về công tác phòng, chống cháy rừng, năm 2023, cả nước đã xảy ra 310 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng hơn 674ha. Nghiêm trọng hơn trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính sơ bộ khoảng gần 500ha. Diện tích bị cháy chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo và rừng non phục hồi, tăng hơn 25% so với cùng kỳ.

Cùng với sự thiệt hại về rừng, trong quá trình tham gia chữa cháy đã làm 12 người bị tử vong trong năm 2023 và làm 6 người bị thương.

Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó là sự bất cẩn của người dân trong đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng đã dẫn đến xảy ra nhiều vụ cháy rừng.

Các vụ cháy rừng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đặc biệt, có những vụ cháy rừng đã gây thiệt hại về người. Trong 4 tháng đầu năm, đã có 3 người làm nhiệm vụ chữa cháy rừng bị tử vong.

Để triển khai hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trong thời gian tới, thay mặt Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị Chính phủ bố trí kinh phí cấp bách năm 2024 về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cho các địa phương có nguy cơ cháy rừng cao và trọng điểm về cháy rừng. Xem xét ban hành Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó có nội dung quy định hỗ trợ cho lực lượng chữa cháy rừng.

Đồng thời, xem xét sửa đổi, bổ sung thiết bị bay không người lái vào danh mục được phép sử dụng đối với cơ quan quản lý ngành lâm nghiệp và đơn vị chủ rừng được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ.

Ưu tiên nguồn lực chống cháy rừng

Tại hội nghị, rất nhiều địa phương cũng như các Bộ, ngành đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là phòng chống cháy rừng trước những biến đổi khí hậu trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Ảnh: Tuấn Anh.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh Kon Tum còn nhiều khó khăn, nguồn lực phát triển kinh tế xã hội chủ yếu dựa vào Trung ương, do đó nguồn kinh phí dành cho công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng còn hạn chế. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình, dự án trong lĩnh vực lâm nghiệp đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

"Hiện nay các chế độ, chính sách, đãi ngộ đối với lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có phần chưa tương xứng. Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét có các chính sách cho lực lượng này để yên tâm công tác, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng", ông Tháp chia sẻ.

Tương tự, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh Cà Mau đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và đặc biệt là phòng chống cháy rừng. Vừa qua, tỉnh Cà Mau đã để xảy ra vụ cháy rừng rất nghiêm trọng với 40ha.

Trước tình trạng báo động đỏ về cháy rừng, ông Sử đề nghị Chính phủ hàng năm có nguồn kinh phí dự phòng để thực hiện phòng chống khi xảy ra cháy rừng. Như vậy, địa phương sẽ chủ động hơn thay vì để cháy rồi mới đi khắc phục.

Cũng theo ông Sử, một vấn đề nữa mà các địa phương đang gặp khó khăn chính là thiếu lực lượng chuyên trách trong công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có cơ chế để tăng cường thêm lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, chúng ta cần phải tập trung giải pháp ngắn hạn trong thời gian sắp tới. Cụ thể, Bộ NN-PTNT cần phối hợp các Bộ, ngành và địa phương phải hoàn thiện sớm các nghị định để phát huy tốt nhất về đa dạng sinh thái rừng để bước đầu có thể khai thác lợi ích từ rừng. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT chủ trì tham mưu về 2 lĩnh vực gồm quản lý về rừng và phòng chống cháy rừng. Đồng thời, Bộ NN-PTNT có trách nhiệm tiếp nhận các đầu mối yêu cầu về đầu tư hoặc kinh phí của các địa phương để kịp thực hiện trong năm 2024-2025 hoặc giai đoạn sau.

Vụ cháy rừng tại huyện Giang Thành (Kiên Giang) ngày 28/4 gây thiệt hại khoảng 371 ha rừng, gồm 300 ha rừng sản xuất và 71 ha rừng phòng hộ. Ảnh: Trung Chánh.

Vụ cháy rừng tại huyện Giang Thành (Kiên Giang) ngày 28/4 gây thiệt hại khoảng 371 ha rừng, gồm 300 ha rừng sản xuất và 71 ha rừng phòng hộ. Ảnh: Trung Chánh.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chỉ đạo cho Tổng cục Khí tượng thủy văn dự báo thời tiết đúng nhất có thể để công tác phòng chống cháy rừng đạt hiệu quả. Trong khi đó, Bộ Thông tin Truyền thông có phương án chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng chống cháy rừng từ nay cho đến hết mùa khô.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: "Việc bảo vệ và phòng chống cháy rừng là thuộc thẩm quyền của các địa phương nên không được lơ là, chủ quan, nhất là khi thời tiết ngày càng khắc nghiệt như hiện nay. Trách nhiệm sẽ thuộc về người đứng đầu của địa phương nếu để xảy ra cháy rừng".

Ngoài ra, các địa phương cần phải chuẩn bị chu đáo nguyên tắc “4 tại chỗ” trong tham gia phòng, chống cháy rừng, vấn đề nào không hợp lý thì điều chình cho phù hợp.

Ngoài phần ngân sách Trung ương, Chính phủ mong muốn các địa phương chăm lo hơn cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Cuối cùng, các địa phương cần ứng dụng khoa học, công nghệ, sử dụng flycam để kiểm soát, phát hiện sớm cháy rừng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi đau lòng khi thấy cuộc sống lực lượng bảo vệ rừng

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ trăn trở khi nói về công tác phòng chống cháy rừng, về đời sống của lực lượng bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn, bất cập.

“Để phát huy tối đa giá trị từ hệ sinh thái rừng, như dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái dưới tán rừng, làm kinh tế dưới tán rừng…, chúng ta phải nhìn rừng bằng một tư duy khác, để tận dụng hết các giá trị từ rừng, tạo ra 3 cái mới từ rừng, đó là sinh kế mới từ rừng, việc làm mới từ rừng và thu nhập mới từ rừng.

Muốn tạo ra những cái mới này, thì trước mắt chúng ta phải chú trọng đến con người, đó là những người trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng. Muốn có những con người hết lòng với rừng thì phải có lương bổng, chế độ đãi ngộ tương xứng.

Tôi đi thăm một hạt kiểm lâm, một chốt kiểm lâm trong rừng, tận mắt thấy cuộc sống của anh em bảo vệ rừng, nhìn cơ sở vật chất của họ, tôi thấy đau lòng, họ quá nhiều khó khăn, công việc vất vả, nhưng thu nhập thấp, thiếu thốn đủ thứ.

Chưa cần đến Trung ương, mà ngay tại địa phương, mỗi tỉnh, mỗi huyện có rừng, có thể chủ động tìm giải pháp, có thể huy động nguồn lực tại chỗ để giải quyết vấn đề này. Ví dụ, tại sao chúng ta không huy động nguồn lực xã hội tại chỗ từ chính những doanh nghiệp, đơn vị khai thác gỗ, khai thác lâm sản, những đơn vị hưởng lợi từ rừng ở các địa phương để chung tay góp sức chăm lo cho đời sống lực lượng trực tiếp bảo vệ rừng? Ngoài ra, làm thêm một số công việc như canh tác, trồng rau, nuôi trồng gia cầm, cải thiện đời sống. Tôi nghĩ, nếu làm được những việc nhỏ này thì đời sống lực lượng bảo vệ rừng sẽ được cải thiện dần”, Bộ trưởng nói.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.