| Hotline: 0983.970.780

Hạnh phúc đổ vỡ phía sau thương hiệu cà phê Trung Nguyên

Chủ Nhật 07/08/2016 , 09:01 (GMT+7)

Ngày 13/7/2016, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương đã có quyết định hủy bỏ quyền đại diện pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên tại Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên có trụ sở ở KCN Tân Đông Hiệp...

Ngày 13/7/2016, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương đã có quyết định hủy bỏ quyền đại diện pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên tại Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên có trụ sở ở KCN Tân Đông Hiệp, Thị xã Dĩ An và khôi phục quyền điều hành công ty cho vợ ông là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Như vậy, cuộc chiến pháp lý gay gắt giữa vợ chồng đại gia Đặng Lê Nguyên Vũ đã ngã ngũ với phần thắng thuộc về người phụ nữ đã đồng hành cùng “ông vua cà phê Việt Nam” từ thuở hàn vi!

Mối quan hệ giữa vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ đã cơm không lành canh không ngọt nhiều năm. Khởi nghiệp từ năm 1996 với một quán cà phê nhỏ, chỉ sau 20 năm, Trung Nguyên đã trở thành một thế lực trong ngành cà phê.

Huyền thoại của thương hiệu cà phê Trung Nguyên gắn liền với hình ảnh Đặng Lê Nguyên Vũ, nhưng những ai am tường con đường lớn mạnh của tập đoàn này đều phải biết đến bàn tay điều hành của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Không thể phủ nhận, sự rạn nứt của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo thực sự là một thách thức đối với sự thành bại của Trung Nguyên.

Với ba lĩnh vực hoạt động, gồm kinh doanh chế biến, bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu, Trung Nguyên có 8 công ty tồn tại cộng hưởng.

Khi vợ chồng còn mặn nồng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đứng tên đại diện pháp luật của 6 công ty: Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, Công ty cổ phần Trung Nguyên Franchising có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên có vốn điều lệ 3.160 tỷ đồng, Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ G7 Toàn Cầu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng và Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ G7 có vốn điều lệ 50 tỷ đồng.

Còn bà Lê Hoàng Diệp Thảo đứng tên đại diện pháp luật của 2 công ty: Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên có vốn điều lệ 200 tỷ đồng và Công ty TNHH đầu tư Đặng Lê có vốn điều lệ 98 tỷ đồng.

Doanh thu và lợi nhuận của Trung Nguyên luôn là một ẩn số đối với giới thương mại tại Việt Nam. Người ta chỉ ước lượng được vài con số khá hấp dẫn.

Chỉ một lần duy nhất, ông Đặng Lê Nguyên Vũ công khai cho biết doanh thu năm 2012 của những công ty dưới trướng Trung Nguyên đạt 200 triệu USD. Và đơn vị đóng góp lớn nhất cho khối tài sản khổng lồ của Trung Nguyên là Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên. Với hai nhà máy tại Bình Dương và Bắc Giang, sản phẩm G7 của Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Chỉ tính riêng tại Việt Nam, sản phẩm G7 cùng với Nescafe và Vinacafe được xếp vào top 3 lừng lẫy. Năm 2014, sản phẩm G7 đạt doanh thu 270 tỷ đồng. Năm 2015, sản phẩm G7 đạt doanh thu 245 tỷ đồng. Những con số ấy ít nhiều chứng minh khả năng quản lý của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, chứ người phụ nữ ấy không hoàn toàn là một chiếc bóng sau lưng chồng!

Khi hôn nhân bắt đầu rạn nứt, ông Đặng Lê Nguyên Vũ giành luôn quyền đứng tên đại diện pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư Đặng Lê và Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên.

Cuộc chuyển giao quyền lực ở Công ty cổ phần đầu tư Đặng Lê diễn ra êm thắm, nhưng cuộc giằng co ở Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên lại rất quyết liệt.

Có ba thành viên hội đồng quản trị, nhưng ông Đặng Lê Nguyên Vũ tổ chức phiên họp chỉ có... một người là ông, rồi ra quyết định thay đổi người đại diện pháp luật. Tất nhiên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo không đồng tình và khởi kiện ra tòa.

Trong khi chờ phán quyết của Tòa án cấp cao tại TP.HCM, thì ngày 21/4/2016 Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên đã thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Bức xúc, ngày 23/5/2016, bà Thảo đã có đơn khiếu nại gởi chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương với nội dung: “Đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên ngày 21/4/2016 (thay đổi lần thứ 8) về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ chờ kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh”.

Đến ngày 13/7/2016, thì Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Dương đã khôi phục giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thay đổi lần thứ 7) ngày 28/11/2013 của Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên với người đại diện pháp luật là bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Căn cứ ra quyết định này là từ Công văn số 426/CV-TANDCC ngày 13/5/2016 của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM.

Như vậy, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã không thể tranh chấp Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên với bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Liệu cả hai có hài lòng với tình hình hiện tại, hay lại tiếp tục lôi nhau “đáo tụng đình”? Giới kinh doanh cho rằng, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nắm giữ Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên sẽ điều hành phát triển sản phẩm G7 hiệu quả hơn ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tuy nhiên, xét cả lý cả tình, thì bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng xứng đáng nhận lấy thành quả hôm nay.

Bởi lẽ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã kề vai sát cánh cùng ông Đặng Lê Nguyên Vũ từ thời áo gấm đi đêm. Hãy nhớ rằng, thời điểm khởi nghiệp cách đây 20 năm, ông Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ có khát vọng cùng với hai bàn tay trắng, nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình bà Lê Hoàng Diệp Thảo thì e rằng nước lã không thể vã nên trò. Hơn nữa, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã sinh cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ tất thảy bốn đứa con, hai trai và hai gái. Tài sản mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhượng bộ rồi cũng sẽ thuộc về bốn đứa con của họ mà thôi!

Phải thừa nhận, Đặng Lê Nguyên Vũ là một trường hợp độc đáo trên thương trường Việt Nam thời hội nhập. Nếu nhìn thấy Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ có chiếc xe máy cà tàng đi giao cà phê vào năm 1996 thì thật sự không ai dám tin chỉ 10 năm sau ông đã thành một đại gia ở độ tuổi ba mươi. Và khi đã có tiền, Đặng Lê Nguyên Vũ luôn muốn làm một việc gì đó thật lớn lao, thật vĩ đại.

Ở đâu, Đặng Lê Nguyên Vũ cũng thích nói về những điều to tát bằng những ngôn từ bay bổng như “cống hiến’, “đẳng cấp”, “tinh hoa”. Đặng Lê Nguyên Vũ muốn biến thành phố Ban Mê Thuột thành thủ phủ cà phê thế giới. Điều ấy đáng ủng hộ, nhưng cái cách Đặng Lê Nguyên Vũ theo đuổi “bảo tàng cà phê”, “văn hóa cà phê” hay “triết lý cà phê” có chút bất ổn.

Đặng Lê Nguyên Vũ không phải doanh nhân đầu tiên thành công ở lĩnh vực cà phê. Chỉ khác biệt, những đại gia cà phê luôn ý thức họ đang kinh doanh thức uống được yêu thích, còn Đặng Lê Nguyên Vũ nhiều mơ lắm mộng.

Nói trắng ra, Đặng Lê Nguyên Vũ là một người tương đối lập dị, kể từ khi giàu có. Đặng Lê Nguyên Vũ rất thích diễn như những danh nhân trong lịch sử. Kiểu tạo dáng của Đặng Lê Nguyên Vũ khi cầm xì gà hay cưỡi ngựa như những quý tộc phương Tây, trông điệu đà đến mức buồn cười.

Trong khoảng vài năm trở lại đây, Đặng Lê Nguyên Vũ thay đổi rất nhiều. Đặng Lê Nguyên Vũ mua một khu đất 600 ha ở huyện Madrak – Đăk Lăk và xây dựng đủ thứ công trình tượng đài tâm linh ngổn ngang mà không biết chừng nào mới có thể hoàn công để khai thác du lịch.

Không chỉ thích đánh đu với các kỳ nhân dị sĩ. Đặng Lê Nguyên Vũ còn tạo cho mình một lối sống theo phong cách... trên tầng thanh khí, nghĩa là phiêu bồng và lãng đãng ngó xuống bá tánh đua chen.

Đặng Lê Nguyên Vũ từng thổ lộ rằng: “Hồi xưa tôi thề làm việc cho gia đình tôi, sau đó tôi thề sẽ góp phần đưa dân tộc tôi thịnh vượng. Có lẽ, chính điều này đã giúp tôi không sợ chết. Bà xã tôi cũng rất ngạc nhiên về tôi, về những suy nghĩ của tôi. Xét một nghĩa nào đó tôi cũng cô đơn, không chốn nương thân!”.

(Kiến thức gia đình số 30)

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.