| Hotline: 0983.970.780

Hạnh phúc nơi núi rừng mang tên 'nước sạch'

Thứ Năm 14/12/2023 , 15:51 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Nhờ được đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt nên nguồn nước sạch đã được đưa về tận các hộ dân, đặc biệt là ở các bản vùng cao, miền núi xa xôi.

Công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Hiếu.

Công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch, hỗ trợ téc chứa nước cho hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Nhờ được đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt nên nguồn nước sạch hợp vệ sinh đã được đưa về từng hộ dân, qua đó nâng cao ý thức vệ sinh môi trường của người dân.

Là một trong những hộ nghèo tại xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, nhiều năm nay, gia đình ông Triệu Văn Chu vẫn phải sử dụng nguồn nước dẫn từ khe suối về chứa trong bể. Tuy nhiên do bể nước được xây lâu ngày, khó vệ sinh nên nguồn nước không được đảm bảo.

Khi được cán bộ UBND xã Yên Ninh thông báo gia đình ông là một trong những hộ dân của xã được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, nhận téc nước từ dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gia đình người dân nghèo đã không giấu được niềm vui khi không còn phải lo vấn đề nước sạch trong sinh hoạt.

“Từ nay, gia đình tôi đã có téc chứa nước đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh để yên tâm sinh hoạt”, ông Chu chia sẻ trong niềm hạnh phúc.

Theo ông Triệu Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh, việc cấp téc chứa nước nhằm giúp các hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Phú Lương sử dụng để chứa nguồn nước sạch. “Chương trình đã giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận và sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt và đời sống, góp phần đảm bảo sức khỏe cho đồng bào, nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh tại khu vực nông thôn, miền núi”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Vũ Thăng Long, Trưởng phòng Dân tộc huyện Phú Lương, kiểm tra các hộ gia đình được hỗ trợ Téc nước ở xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Vũ Thăng Long, Trưởng phòng Dân tộc huyện Phú Lương, kiểm tra các hộ gia đình được hỗ trợ Téc nước ở xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Hiếu.

Năm 2023, Phòng Dân tộc huyện Phú Lương đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các xóm tiến hành cấp téc chứa nước cho các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Cụ thể, toàn huyện có 377 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, thuộc 12 xã được hỗ trợ téc chứa nước. Tổng số tiền thực hiện hỗ trợ là 1,13 tỷ đồng.

“Trong đó, tại Yên Trạch, xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương có số hộ được hỗ trợ nhiều nhất, với 77 hộ. Tiếp đến là xã Ôn Lương có 57 hộ, xã Phủ Lý có 55 hộ, xã Động Đạt có 52 hộ được hỗ trợ. 8 xã còn lại có từ 7 đến 33 hộ được hỗ trợ téc nước. Téc chứa nước được cấp cho các hộ có thể tích 1.000 lít”, ông Vũ Thăng Long, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Phú Lương, thông tin.

Tại khu vực nông thôn, vấn đề thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường, vệ sinh cá nhân kém là những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều dịch bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa... Tuy nhiên, hiện nay Thái Nguyên cơ bản không còn tình trạng thiếu nước sạch. Người dân cũng rất tích cực vệ sinh môi trường, nhất là tại khu vực sinh sống.

Đặc biệt, ở các bản vùng cao, miền núi có đông đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng… sinh sống như Lân Đăm, Quang Sơn (huyện Đồng Hỷ); Tân Lập, Phú Xuyên (huyện Đại Từ)… nhờ được đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt nên nguồn nước sạch hợp vệ sinh đã được đưa về tận hộ dân.

Thực tế cũng cho thấy, ý thức của người dân về thực hiện vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân đã được nâng lên đáng kể. Số người được tiếp cận với nguồn nước sạch ngày càng tăng lên khi có nhiều công trình cấp nước được đầu tư xây dựng.

Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên giải ngân vốn vay hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 513 hộ dân với kinh phí hơn 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung với 12 công trình, kinh phí hơn 12,2 tỷ đồng.

Năm 2023, theo kế hoạch được giao, toàn tỉnh hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 355 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung 17 công trình.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.