| Hotline: 0983.970.780

Về nơi vận động 100% người dân nông thôn dùng nước sạch

Thứ Hai 20/11/2023 , 07:35 (GMT+7)

Hưng Yên Huyện Phù Cừ cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi; tổ chức lấy mẫu nước giếng khoan, phân tích các chỉ số… để làm bằng chứng vận động, tuyên truyền người dân dùng nước sạch.

Nhân viên Công ty cổ phần Hải Trung HD, xã Nguyên Hoà vận hành hệ thống tại nhà máy nước. Ảnh: M.Hồng.

Nhân viên Công ty cổ phần Hải Trung HD, xã Nguyên Hoà vận hành hệ thống tại nhà máy nước. Ảnh: M.Hồng.

Vận động người dân từ bỏ thói quen sử dụng nước truyền thống

Với hơn 2,2 vạn hộ dân thuộc 14 xã, thị trấn, Phù Cừ là một trong số các huyện nông thôn của tỉnh Hưng Yên, người dân có thói quen sử dụng nước giếng khoan, nước mưa trữ trong các bể chứa để làm nước sinh hoạt hàng chục năm qua. Trong nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao, tiêu chí 100% hộ dân sử dụng nước sạch (nước máy) là một trong những tiêu chí “cứng” được giao cho chính quyền các cấp.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cừ Bùi Quang Nam cho biết, để tuyên truyền, vận động người dân dùng nước sạch, huyện đã thành lập đoàn chuyên môn tiến hành lấy mẫu nước giếng khoan, nước tự nhiên (nước mưa) trữ trong các bể chứa của nhà dân để phân tích mẫu. Kết quả phân tích này sẽ là bằng chứng thuyết phục để vận động bà con thay đổi thói quen để dùng nước sạch.

“Chúng tôi tiến hành lấy ngẫu nhiên 30 mẫu nước tại 10 thôn của 8 xã. Khi có kết quả mang xuống giải thích để bà con thấy, nước sinh hoạt mà nhiều năm qua vẫn sử dụng nó gồm các chất như thế, chất này thừa, chất kia thiếu, những chất nào không tốt cho sức khỏe… Thay đổi thói quen là một việc rất khó, nhất là khi hàng tháng người dân phải bỏ tiền ra mua nước về sinh hoạt, trong khi vẫn thường bỏ một số tiền khoan giếng từ dưới lòng đất nhà mình lên là có nước sử dụng”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cừ cho biết.

Nhiều hộ dân vùng nông thôn vẫn sử dụng nước giếng khoan không đảm bảo quy chuẩn để làm nước sạch sinh hoạt. Ảnh: Thái Bình.

Nhiều hộ dân vùng nông thôn vẫn sử dụng nước giếng khoan không đảm bảo quy chuẩn để làm nước sạch sinh hoạt. Ảnh: Thái Bình.

Vài năm trước, các thôn, xóm ở huyện Phù Cừ hầu hết người dân đều dùng nước giếng khoan. Nhà nào cũng có một bể xi măng cả chục khối để trữ nước mưa tự nhiên, hay hệ thống bể lọc hai tầng lọc nước giếng khoan. Có những khu vực nước ngầm có nhiều chất sắt, thành bể lọc vàng khè, đóng váng lại thành một lớp dày. Cát vàng dùng để lọc, một tuần phải thau rửa hai lần. Nhiều người dân hiểu rằng nước đó cũng chưa đạt quy chuẩn, muốn dùng nước sạch nhưng cũng không có mà mua, vì không có đường ống đấu nối.

Tháng 4/2022, huyện Phù Cừ tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch công tác nước sạch với quyết tâm nâng số hộ dùng nước sạch phủ toàn huyện. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 755km đường ống truyền tải và đường ống phân phối nước sạch; gần 18/22 nghìn hộ dân đấu nối sử dụng nước sạch, đạt trên 81%. Phù Cừ đặt mục tiêu 100% số hộ dân dùng nước sạch, giao nhiệm vụ cho các xã, ban ngành triển khai các giải pháp để đưa nước sạch đến với người dân.

Hiện Phù Cừ có 4 đơn vị, doanh nghiệp tham gia cung cấp nước sạch đang hoạt động; công suất trung bình của mỗi nhà máy nước đạt 720 - 10 nghìn m3/ngày đêm. Để nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ nhà máy nước, hằng năm huyện đều tích cực phối hợp với các đơn vị cấp nước tuyên truyền; theo dõi, giám sát chất lượng nước của các nhà máy, bảo đảm khai thác hiệu quả, bền vững các công trình cấp nước. Duy trì, tổ chức 1 - 2 buổi làm việc với đại diện các nhà máy nước, đơn vị thi công làm đường ống để nắm bắt tình hình, từ đó chung tay tháo gỡ những khó khăn.

Một bể lọc nước giếng khoan truyền thống ở các vùng nông thôn khu vực ĐBSH. Ảnh: T.Bình.

Một bể lọc nước giếng khoan truyền thống ở các vùng nông thôn khu vực ĐBSH. Ảnh: T.Bình.

Thi công lắp đường ống nước sạch tại huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Ảnh: T.Bình.

Thi công lắp đường ống nước sạch tại huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Ảnh: T.Bình.

Tại xã Nguyên Hòa, trước đây, nguồn nước ngầm ở xã có nhiều chất sắt, người dân phải sử dụng hệ thống lọc thủ công để phục vụ nước sinh hoạt hằng ngày. Từ năm 2018, người dân nơi đây bắt đầu đóng góp tiền, đấu nối nguồn nước sạch từ nhà máy nước sạch của Công ty cổ phần Hải Trung HD về sử dụng. Từ ngày có nước máy, việc ăn uống, sinh hoạt của người dân được bảo đảm vệ sinh hơn.

“Từ khi có nước sạch, người dân trong xã đã chủ động, đăng ký đấu nối và sử dụng nước sạch. Đơn vị cấp nước có nhiều chính sách hỗ trợ để người dân yên tâm sử dụng nước sạch. Nước sạch đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân, giảm tỷ lệ người dân bị mắc các bệnh liên quan đến việc sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh”, Chủ tịch xã Nguyên Hòa Phạm Văn Tung cho biết.

Sau khi đấu nối, sử dụng nước sạch, nhiều hộ dân trong huyện đã bỏ dùng nước giếng, nước mưa, chuyển hẳn sang dùng nước máy. Hạ tầng đường ống cấp nước sạch ở huyện Phù Cừ đã được các đơn vị cấp nước đầu tư đến tận các thôn, xóm.

Cho người dân vay vốn để dùng nước sạch

Với mục tiêu 100% hộ dân sử dụng nước sạch, huyện Phù Cừ đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân tham gia đấu nối, lắp đặt đồng hồ nước sạch…

Theo Phòng NN-PTNT huyện Phù Cừ, hiện có 4 đơn vị cung cấp nước sạch trên toàn huyện. Phí lắp đặt đồng hồ nước để đấu nối từ 2,5 – dưới 3 triệu đồng/đồng hồ; giá nước trần từ 6.800 – 8.300 đồng/m3. “Chúng tôi yêu cầu các đơn vị cung cấp nước sạch phải công khai chi phí lắp đồng hồ đấu nối, giá nước sạch… Việc thay đổi, điều chỉnh giá bán nước phải có kế hoạch và phải giải trình đầy đủ, không được phép tự ý nâng mức giá nước sạch bán cho người dân”, ông Nam cho hay.

Người dân vùng nông thôn Phù Cừ đang được tiếp cận với các dịch vụ công để nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: T.Bình.

Người dân vùng nông thôn Phù Cừ đang được tiếp cận với các dịch vụ công để nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: T.Bình.

Một trong những chính sách mà huyện Phù Cừ đang theo đuổi, đó là các hộ gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn… được vay vốn ưu đãi để có điều kiện tham gia sử dụng nước sạch. Hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các hộ vay vốn để đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường (trong đó có nội dung đấu nối đồng hồ và sử dụng nước sạch) với lãi suất ưu đãi. Đây là một trong những chính sách giúp các hộ nghèo, hộ chính sách được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng sống...

“Chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp nước sạch trong huyện thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ, hạn chế việc lãng phí nước do đường ống bị hỏng. Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng nước cung cấp cho người dân, các đơn vị thực hiện nội kiểm, ngoại kiểm theo đúng quy định, định kỳ phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu nước xét nghiệm kiểm tra và kết quả đều đạt theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế”, ông Nam cho biết.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm