| Hotline: 0983.970.780

Hành trái vụ mất giá

Thứ Ba 17/06/2014 , 08:15 (GMT+7)

Nếu như năm ngoái có thời điểm lên đến 38.000đ/kg thì năm nay hành tốt nhất chỉ có 15.000đ/kg, loại xấu hơn chỉ từ 8.000-10.000đ/kg.

Nông dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) gọi vụ hành hè thu là hành trái vụ, bởi rất khó SX vì thiếu nước tưới. Tuy nhiên, hành hè vụ thu ở Lý Sơn thường có giá cao gấp đôi so với hành chính vụ. Nhưng năm nay không như vậy, giá hành chỉ bằng một nửa năm ngoái. Không chỉ giảm giá, sức tiêu thụ cũng yếu đi.

Theo Phòng Kinh tế và hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), vụ hè thu năm nay nông dân đất đảo SX được gần 200 ha hành, đến nay đã thu hoạch được 138 ha. Dù năng suất hành năm nay đạt gần 100 tạ/ha, cao hơn năm ngoái 2 tạ/ha nhờ áp dụng tốt tiến bộ KHKT vào SX nhưng nông dân không vui, bởi giá hành xuống thấp quá.

Anh Lê Văn Màu ở thôn Đông, xã An Vĩnh, gia đình làm 3 sào hành trong vụ này cho biết: “Giá hành năm nay tệ lắm. Nếu như năm ngoái có thời điểm lên đến 38.000đ/kg thì năm nay hành tốt nhất chỉ có 15.000đ/kg, loại xấu hơn chỉ từ 8.000-10.000đ/kg. Năm nay sức mua của các thị trường tiêu thụ chính như TP HCM, Đà Nẵng, Huế…cũng rất yếu”.

Giá hành tuột thấp, trong khi đó từ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đến nay trên địa bàn huyện Lý Sơn chỉ xảy ra 1 cơn mưa rất ngắn nên chi phí bơm tưới cho cây hành rất lớn, khiến nông dân trồng hành méo mặt.

Theo anh Màu, vụ này gia đình anh cứ cách 1 ngày tưới 1 ngày chứ không thì hành sẽ khô củ, mất năng suất. Riêng 800m2 ruộng hành của anh từ đầu đến cuối vụ phải tưới đến 20 lần, mỗi lần mất 1 lít dầu. Đó là còn thuận lợi, nhiều diện tích nằm xa nước, phải bơm nối tiếp 3 máy nước mới đến được ruộng hành thì chi phí nước tưới tăng gấp 3 lần.

09-23-05_2
Nông dân Lý Sơn thu hoạch hành vụ hè thu

Anh Màu tính: “Tính toàn bộ chi phí từ mua giống, cải tạo đất đến bơm tưới, mỗi sào hành nông dân chỉ còn lãi khoảng 1 triệu đồng. Nếu tính công vào đó nữa thì kể như công cốc”.

Trong khi đó, trồng hành ở Lý Sơn không hề dễ tí nào. Trước khi xuống giống nông dân phải cải tạo đất. Cải tạo đất ở đây tốn cả triệu đồng. Đó là chưa kể công thuê người đưa đất vào ruộng mất hơn 400.000đ nữa. Sau đó mất thêm 500.000đ mua 4,5 khối đất trắng phủ lên mặt.

Hành đang là cây trồng mũi nhọn của huyện đảo Lý Sơn chỉ đứng sau cây tỏi. Mỗi năm riêng cây hành và cây tỏi đóng góp đến 20% GDP của huyện. Thế nhưng với hiệu quả kinh tế như thế này thì người dân đất đảo đang rất phân vân không biết có nên chọn cây trồng khác thay thế.

Tuy nhiên, theo nhiều người thì đất đảo chỉ phù hợp với 2 loại cây trồng này, nhất là trong bối cảnh Lý Sơn thường xuyên gánh chịu gió bão. Do đó loay hoay mãi nhưng ngành chức năng ở đây chưa tìm ra hướng chuyển đổi hiệu quả hơn.

Cây hành ở Lý Sơn vẫn đang được xem là đặc sản, thế nhưng giá cả của nó cũng bấp bênh như mọi nông sản khác, thị trường tiêu thụ cũng chưa ổn định. Thiết nghĩ, nếu Lý Sơn vẫn quyết chọn cây hành (và tỏi) làm cây trồng chủ lực thì phải đầu tư tìm kiếm, mở rộng thị trường. Được như vậy thì nông dân Lý Sơn mới có thể “ thủy chung” được với những loại cây trồng mũi nhọn của đất đảo.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.