| Hotline: 0983.970.780

Hào hùng thủy lợi Việt Nam: Thời Pháp thuộc

Thứ Ba 11/11/2014 , 14:22 (GMT+7)

Tuy có thiết bị trắc đạc tiên tiến nhưng suốt 30 năm (1884-1915), người Pháp vẫn không giải được bài toán trị thủy sông Hồng.

DÒ DẪM CHỐNG LŨ

Năm 1892, Pháp đã cho lấp sông Đuống nhưng trận lụt năm 1893 đã cuốn phăng con đập chặn sông Đuống.

Năm 1895, Pháp lại cho đắp đập tràn Vĩnh Yên, nước lũ thoát qua tràn lên đến 1,5 tỷ m3 nhưng đê hạ lưu vẫn bị vỡ nhiều chỗ.

Mặc dù thiên tai ít hơn, không xuất hiện lũ đặc biệt lớn nhưng thiệt hại do các lần vỡ đê vào các năm 1893, 1899, 1904, 1905, 1911, 1913 và khủng khiếp nhất là năm 1915, khiến cho Bắc bộ điêu tàn.

Năm ấy mực nước lớn ở Hà Nội chỉ 11,64 m nhưng hệ thống đê Bắc kỳ đã vỡ đến 48 đoạn với chiều dài tổng cộng 4.180 m biến đồng bằng Bắc bộ thành biển nước mênh mông, dân tình 4 tỉnh hữu ngạn sông Hồng (Hà Nội, Hà Đông, Ninh Bình, Nam Định) phải chới với trên nóc nhà suốt 3 tháng, diện tích lúa mất trắng lên tới 221.000 ha, 200 người bị chết đuối.

Cuộc tranh luận giữ đê hay bỏ đê từ thời Nguyễn lại được khơi lại. Báo cáo năm 1896 của Peytavin, phó kỹ sư công chính Đông Dương đưa ra 11 giải pháp để thảo luận, trong đó có những giải pháp được coi là viển vông hoặc không khả thi như: Tái sinh rừng, xây dựng hồ chứa để chậm lũ, cắt lũ ở thượng nguồn; Tiêu một phần lũ sông Đà qua sông Mã; Hạ cao trình đê xuống một mức nhất định; Bỏ đê để bồi lắng vùng trũng… còn lại chỉ 2 giải pháp:

Đắp đê cao hơn mức lũ đặc biệt: Cao trình đê hiện hữu chỉ chống được lũ có mức nước 11,2 m ở Hà Nội mà lũ đặc biệt là 13 m.

Phân lũ qua sông Đáy với lưu lượng 3.700 m3/s.

Chương trình đắp đê 1918 - 1924 đã nâng cao trình đê lên 12,5 m, mặt đê rộng 6 m nhưng đê sông Hồng vẫn bị vỡ ở Phi Liệt, cách Hà Nội 20 km về hạ lưu khi mực nước lũ mới đạt 11,12 m.

Chương trình 1924 - 1926 cao trình đê được nâng hơn để chống được lũ 12,5 m. Năm 1926 vỡ đê sông Hồng, sông Luộc, sông Tiên Lãng, trong lúc mực nước mới đạt 11,92 m.

Chương trình đắp đê năm 1926 tiếp tục với cao trình đê được nâng thêm 1,3 m, mặt đê rộng 7 m với đê loại 1 (đê cao từ 4-8 m, bảo vệ phạm vi lớn) và 1 m với đê loại 2 (đê cao 2,5 - 4,0 m, bảo vệ phạm vi nhỏ). Năm 1932 được thử sức đầu tiên với mực nước lũ 11,9 m nhưng toàn bộ tuyến đê dài hơn 900 km không bị vỡ. Thành quả bước đầu khuyến khích chương trình tiếp tục với tổng khối lượng 43 triệu m3 (trong đó chỉ có 40 km đắp mới) và liên tiếp 18 năm liền (1927-1944) đê sông Hồng không vỡ (trừ năm 1936 vỡ đê sông Đuống do nguyên nhân chủ quan).

Còn việc xây dựng đập Đáy được hoàn thành vào 21/3/1937, và đến lúc 18 h ngày 8/8/1940 được thử sức khi mực nước tại Hà Nội đạt 11,17 m, các cửa đập được hạ từ từ 5 - 10 - 20 cm, nhưng khi xuống đến 10,6 m thì cả 7 cửa lỳ ra không chịu xuống nữa.

Năm 1941, 1942 đập Đáy tiếp tục được thử với lũ nhỏ nhưng lần nào cũng xảy ra sự cố. Việc phân lũ qua sông Đáy bị quên lãng cho đến cách mạng tháng Tám.

ĐÀO KINH Ở ĐBSCL

Thực dân Pháp đã sớm nhận thấy tiềm năng nông nghiệp to lớn của ĐBSCL nên công cuộc đào kinh (kênh) khai hoang được Pháp chú trọng mà trước hết là vùng Cần Thơ, Bạc Liêu, Rạch Giá ít chua phèn, không bị ngập lũ.

Thực ra ban đầu chỉ là huy động dân phu, nạo vét, mở rộng các kinh hiện có theo kiểu lợi đâu làm đấy không theo một quy hoạch nào cả. Tuy nhiên hiệu quả lại vô cùng to lớn, từ năm 1880-1890, chúng đã đào 2,1 triệu m3 làm tăng thêm được 169.000 ha canh tác, tính ra, mỗi ha mở thêm chỉ tốn 12 m3 đào kinh.

Phát hiện lợi nhuận quá sức tưởng tượng, năm 1894, Pháp bắt đầu đào kinh bằng tàu cuốc. Đến năm 1930, tổng khối lượng kinh đào bằng tàu cuốc đã đạt 155 triệu m3. Năm 1879, toàn Nam bộ mới có 319.000 ha đất canh tác đến 1929 đã có 2,4 triệu ha.

Có kinh, có nước dân chúng tứ xứ đậu về ngây thơ phát cỏ, khai hoang làm ruộng mà không biết đấy là cái bẫy, bởi các ông chủ chỉ chờ ruộng thành thục, xanh tốt thì mới chìa bằng khoán (tương tự như bìa đỏ) để phát canh thu tô.

Món lợi lớn đầu tiên là chính quyền thực dân thu được là 235 triệu Franc (trong lúc tiền đầu tư chỉ 54 triệu Franc) tiền bán đất cho các điền chủ người Pháp và người Việt, trong đó giới điền chủ lớn chiếm 1.035.000 ha (riêng hội đồng Trần Trinh Trạch - cha công tử Bạc Liêu chiếm 145.000 ha), trong đó điền chủ người Pháp chiếm 308.000 ha ruộng tốt, gần sông rạch, điền chủ nhỏ từ 10-50 ha chiếm 620.000 ha, quan xã, thôn ấp chiếm 230.000 ha, còn lại hơn 4 triệu khẩu nông dân chỉ chia nhau hơn 500.000 ha.

Mâu thuẫn giữa tá điền không ruộng nhưng lại có công khai khẩn bước đầu với giới chủ diễn ra gay gắt dẫn đến những vụ án phản kháng mang tính tập thể và bị đàn áp đẫm máu như Thạnh Lợi (1927), cánh đồng Nọc Nạn (1928).

ĐBSCL trở thành nơi xuất khẩu gạo lớn, bình quân mỗi năm nhà nước thu được 4 triệu Franc tiền thuế. Sau khi trừ tiền đầu tư và chi phí quản lý, nhà nước Pháp còn thu được 7 triệu Franc/năm, liên tục trong 54 năm.

Sau 1930, chỉ còn 3 vùng khó khăn là Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên và U Minh chưa được đầu tư vì chi phí quá cao. Thống kê cho thấy chi phí khai hoang đã tăng từ 12 m3/ha lên 161 m3/ha nên buộc Pháp phải tính toán lại và việc đầu tư thủy nông để thâm canh, tăng năng suất được lựa chọn. Rải rác một số dự án dẫn ngọt, tiêu úng, xổ phèn được đầu tư tại Vĩnh Long, Gò Công, Tiếp Nhật, Ba Tri và từ đấy hệ thống thủy lợi ĐBSCL mới biết đến xi măng, cốt thép.

Mãi đến 18/9/1944, hội nghị đầu tiên về quy hoạch thủy lợi ĐBSCL mới được tổ chức, ĐBSCL tạm chia làm 4 vùng: Vùng 1: Tứ giác Long Xuyên; Vùng 2: Tam giác Cần Thơ, Bạc Liêu, Rạch Giá; Vùng 3: Bán đảo Cà Mau; Vùng 4: Tam giác Tân An, Mỹ Tho, Gò Công. Vùng đất phù sa kẹp giữa sông Tiền - sông Hậu và vùng Đồng Tháp Mười có nhiều đặc điểm riêng nên không xếp vào vùng nào.

Tất nhiên, biên bản hội nghị mãi chỉ là biên bản vì 6 tháng sau, Nhật đã hất cẳng Pháp.

(lược trích)

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.