| Hotline: 0983.970.780

Hạt dẻ cũng mơ có một thương hiệu

Thứ Bảy 23/04/2016 , 07:30 (GMT+7)

Hôm vừa rồi, vài đồng nghiệp của tôi đã khoe vừa mới ăn hạt dẻ Trùng Khánh quê ông xong đấy, họ xuýt xoa về vị thơm ngon của chúng. Rồi họ lại trách tôi, sao năm nay không thấy ông mang hạt dẻ xuống...


Ảnh minh họa

Bây giờ dạo bước trên nhiều phố phường của Hà Nội, rất dễ bắt gặp một tấm biển đề chữ: “Hạt dẻ Trùng Khánh”, hoặc: “A đây rồi! Hạt dẻ Trùng Khánh”.

Điều này một lần nữa khẳng định cái thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh ở nơi đô thành. Chỉ có điều, hạt dẻ mà người ta đề thêm chữ Trùng Khánh ấy là của rởm - trăm phần trăm rởm. Sở dĩ tôi khẳng định như vậy vì tôi là người Trùng Khánh, nên tôi hiểu rất rõ về loài cây này.

Hôm vừa rồi, vài đồng nghiệp của tôi đã khoe vừa mới ăn hạt dẻ Trùng Khánh quê ông xong đấy, họ xuýt xoa về vị thơm ngon của chúng. Rồi họ lại trách tôi, sao năm nay không thấy ông mang hạt dẻ xuống. Tôi không biết giải thích thế nào.

Họ ít khi nhìn thấy loại hạt dẻ nào to như vậy, với họ đó đã là quá đủ để thưởng thức. Họ đâu biết rằng, những loại hạt dẻ mà người ta đang bán ầm ầm ngoài đường phố kia có xuất xứ từ Trung Quốc - loại hạt dẻ hạng hai. Còn thương hiệu Trùng Khánh đã bị người ta lợi dụng.

Và đêm đêm tôi vẫn mơ về cây dẻ, vẫn mơ về những hạt dẻ nâu bóng, thơm đậm của quê tôi sẽ xuất hiện một cách đầy vị thế ở nơi phố phường đầy thật giả này.

Cách đây không lâu, ở hội chợ được tổ chức tại Giảng Võ Hà Nội, tôi đã gặp chị Tuyến - một doanh nhân người Trùng Khánh, đang giới thiệu hạt dẻ quê mình. Đây mới là hạt dẻ Trùng Khánh chính hiệu.

Những hạt dẻ nâu bóng, không lớn quá, cũng không nhỏ quá. Đặc biệt hạt dẻ Trùng Khánh có một lớp lông tơ màu trắng nhạt - đặc điểm quan trọng, không thể lẫn với bất cứ loại dẻ nào. Hơn nữa khi bóc ra, nhân của nó có màu vàng đậm, chỉ cần ngửi đã thấy vị thơm đậm rất đặc trưng của nó.

Theo chị Tuyến, người Hà Nội rất ngạc nhiên khi biết hạt dẻ Trùng Khánh không bán theo cân mà bán theo cách đếm hạt. Người ta đã nhẩm tính mỗi hạt dẻ Trùng Khánh có giá tới 800 đồng, thế là người ta kêu đắt. Nhưng khi nướng lên ăn, ai cũng trầm trồ khen ngợi, chẳng nói gì đến giá cả nữa. Cuộc giới thiệu hạt dẻ tại hội chợ của chị Tuyến rất thành công. Nhưng đó mới dừng lại ở chuyện giới thiệu sản phẩm, được hiểu nôm na là sản phẩm nông sản đem đi bán lẻ.

Người ta chỉ biết nướng lên rồi ăn tại chỗ, hoặc mua thêm một chút để làm quà cho bạn bè. Sau đó, tất cả phải chờ đến tháng mười sang năm. Chỉ có tháng mười mới có hạt dẻ Trùng Khánh. Và sản lượng hạt dẻ chưa đủ cung cấp cho chính thị trường ở Trùng Khánh. Vì vậy, những hàng bán hạt dẻ đề thương hiệu Trùng Khánh, bán nhan nhản ở Hà Nội là rởm trăm phần trăm.

Tôi vẫn mơ hạt dẻ quê tôi không phải bán lẻ theo kiểu giới thiệu nữa. Nếu hạt dẻ quê tôi được chế biến theo một chu trình khoa học, được đóng gói cẩn thận và cuối cùng là dán tem đảm bảo thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh chính hiệu. Nó sẽ không lẫn với bất cứ loại hạt dẻ nào mà người ta đang bán quanh năm ở Hà Nội.

Theo tôi được biết, mọi thủ tục pháp lý về bản quyền thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh đã xong. Việc còn lại là làm cho những hạt dẻ lung linh ấy trở thành một mặt hàng cao cấp, đầy vị thế mà thôi.

Tôi có quen biết một vị đại gia chuyên sản xuất bánh trung thu. Anh ta trở thành đại gia nhờ vào việc dám đi trước thiên hạ về cái bánh trung thu của mình.

Anh ta không sản xuất hàng loạt bánh trung thu bình thường, nếu như vậy cái bánh của anh ta cũng sẽ lẫn vào vô vàn những loại bánh trung thu khác. Biết được điều này, lại sẵn có nghề làm bánh của gia tộc, anh ta mạnh dạn đầu tư sản xuất bánh trung thu cao cấp. Người ta vẫn gọi là bánh trung thu quý tộc. Tôi đã từng được thưởng thức loại bánh này.

Phải nói rằng, nó như một tác phẩm nghệ thuật. Hộp bánh được thiết kế rất công phu bằng gỗ quế, kèm theo đó là các loại khoá đồng và hoạ tiết khảm trai…

Nói không ngoa, nguyên việc mở ra cũng đã phức tạp đến toát mồ hôi. Bên trong hộp được lót thảm nhung và hàng loạt giấy chống thấm, chống ẩm… trông kỹ lưỡng và rất đẹp. Nhưng khi mở ra ăn thì đó vẫn là cái bánh trung thu bình thường, chẳng to hơn, chẳng ngon hơn…

Ấy thế mà giá của nó gấp mười lần cái bánh trung thu bình thường. Kỷ lục, có những lúc người ta đặt cái bánh giá tới ba chục triệu. Và cứ thế, mỗi năm một lần, anh ta chỉ sản xuất loại bánh quý tộc theo đơn đặt hàng đó. Thế là anh ta giàu, trở thành đại diện trong làng sản xuất bánh trung thu tại Hà Nội.

Mỗi lần nghĩ đến cái bánh trung thu quý tộc đó, tôi lại mơ về những hộp hạt dẻ quý tộc của đất Trùng Khánh quê tôi. Tại sao chúng ta không đóng những chiếc hộp thật cao cấp, được thiết kế, trình bày từ những người chuyên nghiệp? Chúng ta cũng thừa sức lót trong chiếc hộp đó một lớp thảm sang trọng, và những hạt dẻ đẹp như những viên ngọc kia sẽ được chế biến rồi đóng lại. Công đoạn cuối cùng là dán lên đó cái tem độc quyền nhãn hiệu hạt dẻ Trùng Khánh. Từ đó không có lý do gì chúng ta không bán những mặt hàng kia với “giá quý” tộc. Tại sao không!?

Việc lo lắng cho vùng nguyên liệu của hạt dẻ Trùng Khánh đã được trù liệu trước. Rất nhiều vùng quy hoạch cây hạt dẻ được thành lập. Người Trùng Khánh sau nhiều năm quên mất loài cây cao quý này, bây giờ đã bừng tỉnh vì tính kinh tế rõ rệt của nó.

Năm tôi mười tuổi, cả đất Trùng Khánh đi đâu cũng trông thấy cây dẻ đại thụ - cả rừng dẻ đại thụ - bát ngát hương hoa dẻ vào mùa - từng đàn ong bay rợp trời. Đến mùa hạt dẻ, bọn trẻ chúng tôi chỉ việc quanh quẩn bên gốc cây mà nhặt. Nhưng khi đó chưa ai nhìn thấy lợi ích của loài hạt này. Và một thời kỳ hãi hùng đã xảy ra, người ta ào ào phá bỏ cây hạt dẻ.

Cả một rừng dẻ của lâm trường Trùng Khánh chỉ trong hai năm đã tan tành theo mây khói. Người ta đẵn thân, lật gốc, bới rễ cho kỳ hết mới thôi. Và người ta ngây thơ trồng xuống đó những loại cây rẻ tiền, với một tư duy ngờ nghệch rằng, cây dẻ chẳng có lợi ích gì.

Cho đến bây giờ, mỗi khi nhận được một gói hạt dẻ của người nhà gửi xuống, ký ức về rừng hạt dẻ xa xưa kia lại hiện về. Những cây dẻ cổ thụ, những tán lá xum xuê và tiếng ong rầm rập trong mùa hoa nở… lại ám ảnh tôi.

Nhưng đó là quá khứ, cái thời con người ta ngộ nhận. Bây giờ chúng ta làm lại, dù hơi muộn nhưng tràn đầy lạc quan. Đã bắt đầu có những rừng dẻ được bàn tay của người nông dân Trùng Khánh tạo dựng, chúng xanh ngát, du dương để lấy lại những năm tháng hào hùng xưa kia.

Tôi vẫn mơ, chỉ ba năm nữa, nếu ai đó trở về Trùng Khánh, trở về phố Phủ yêu dấu của tôi. Người ta sẽ bắt gặp một nhà máy với những công nhân mặc áo màu hạt dẻ. Họ đang miệt mài làm việc bên dây chuyền chế biến hạt dẻ hiện đại. Những mặt hàng về hạt dẻ tràn ngập phố phường: hạt dẻ rang, hạt dẻ hấp, hạt dẻ luộc, hạt dẻ muối; rồi thì rượu hạt dẻ, mứt hạt dẻ, bột hạt dẻ, bánh hạt dẻ v.v... Tất cả đều có thể lắm chứ.

Tôi là người mơ mộng, ưa thích sự lãng mạn. Nhưng tôi được biết, tất cả thành tựu của con người cho đến ngày hôm nay đều bắt đầu từ sự lãng mạn. Vì thế, một giấc mơ nhỏ nhoi về hạt dẻ không phải điều xa xỉ.

Hằng đêm, những cây dẻ kia vẫn cắm những bộ rễ khoẻ mạnh của mình xuống mảnh đất Trùng Khánh, chúng âm thầm làm việc. Chúng vẫn rì rầm cất lên bài ca riêng của chúng. Để rồi đến tháng mười lộng lẫy, những quả dẻ gai góc có phần xấu xí kia lại hé mở. Sự kỳ diệu lại đến. Những hạt ngọc lại ra đời - run rẩy – đón chào một cuộc sống mới. Và những hạt ngọc kia, đang chờ đợi những ai yêu chúng dám hành động vì chúng.

(KTGĐ số 15)

Xem thêm
Thái Lan dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn sầu riêng trong năm 2024

Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn sầu riêng, trị giá khoảng 130 tỷ baht, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty cổ phần BIGRFEED Hưng Yên

Ngày 21/4, Công ty cổ phần BIGRFEED Hưng Yên (xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm