| Hotline: 0983.970.780

Hạt gạo Nhật, từ xa lạ hóa thân quen

Thứ Năm 30/12/2021 , 08:38 (GMT+7)

Trong 11 năm, Hà Nội đã nâng tỷ lệ lúa hàng hóa chất lượng từ 10% lên 60%, đáp ứng từ ăn no sang ăn ngon và an toàn cho 10 triệu dân.

Phát triển mạnh nhất miền Bắc

Một thứ cơm dẻo, thơm lạ, không giống Bắc Thơm cũng không ra Tám Xoan, Tám Xuân Đài, Tám Cổ Ngỗng. Một thứ cơm ngọt lạ, đậm đà lại hậu vị ngầy ngậy đảm bảo đã ăn một lần là khó có thể nào quên được. Còn nhớ ngót mươi năm về trước, ngay cả những lão nông tri điền ở quê tôi cũng còn tranh luận nhau không ngớt về chuyện J02 là lúa tẻ hay lúa nếp. Thế mà giờ đây huyện Ứng Hòa đã trở thành nơi cấy nhiều thứ “lúa lạ” đó nhất Hà Nội, thậm chí nhất cả miền Bắc, tới 4.009 ha. Đó chính là lúa Japonica hay còn gọi là lúa Nhật với bộ giống mỗi lúc một thêm đa dạng như J02, J01, ĐS1, VAAS 16, Lộc Trời 64...

Ngày 6/6/2021, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã thăm huyện Ứng Hòa, gợi ý về xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Nhật, cho con vịt cỏ Vân Đình, về trách nhiệm trong sản xuất để tạo niềm tin, để có giá bán cao hơn, môi trường an toàn hơn, sức khỏe đảm bảo hơn. Đó cũng là mong ước chung của nhiều người tiêu dùng Hà Nội.

Thị hiếu của thị trường Thủ đô là cơm dẻo, đậm đà và có mùi thơm. Tuy nhiên, khoảng 60-70% người tiêu dùng ở đây đang phải ăn “gạo chợ”, thứ nhất bởi thuận tiện và giá rẻ (trung bình từ 14-16.000đ/kg), thứ nữa bởi khó với tới các sản phẩm phẩm cấp tốt đang được bán với giá rất cao trong siêu thị (trung bình từ 30-40.000đ/kg). Thế nên sẽ là  một dư địa lớn, nếu cung cấp được gạo chất lượng, an toàn với giá chỉ nhỉnh hơn gạo chợ ít nhiều bằng cách cắt giảm các khâu trung gian hay bán trực tiếp cho người tiêu dùng qua mạng.

Lúa Nhật J02 ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúa Nhật J02 ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, giai đoạn năm 2010-2015, thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, cho hiệu quả kinh tế vượt 8 - 10 triệu đồng/ha so với lúa thường; Cơ cấu giống lúa chất lượng tăng từ 10,4% (năm 2010) lên 48,86% (năm 2018). Tiếp nối đà ấy, ngày 21/01/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 438 về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica hàng hóa chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Trong đó gồm các mục tiêu: Hình thành và phát triển 50 - 60 vùng sản xuất lúa Japonica hàng hoá chất lượng cao, gia tăng giá trị khoảng 15 - 17 triệu đồng/ha/năm so với lúa thường; Thúc đẩy phát triển công nghệ sấy, sơ chế, chế biến, bảo quản gạo bằng giống Japonica; Hình thành 3-5 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm gạo Hà Nội.  

Xác định đối tượng trực tiếp sản xuất là nhân tố quyết định thành công nên ngay từ khi triển khai, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã chú trọng đào tạo, tập huấn cho nông dân ở nhiều công đoạn gồm: Kỹ thuật thâm canh lúa Japonica theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ;  Lựa chọn và sử dụng phân bón, thuốc BVTV hiệu quả; Kỹ thuật phơi sấy, sơ chế, bảo quản; Kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm; Xây dựng và phát triển chuỗi liên kết; Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

Cận cảnh hạt lúa Nhật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh hạt lúa Nhật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kết quả năm 2019 – 2020 đã phối hợp cùng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây tổ chức 3 lớp đào tạo 116 lượt  nông dân nòng cốt tại các HTX. Phối hợp với các xã, HTX tổ chức 87 lớp cho 6.960 nông dân tại các địa phương tham gia vào kế hoạch. Năm 2020 hình thành 2 chuỗi sản xuất-tiêu thụ sản phẩm là HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đồng Phú với Công ty CP Green Path Việt Nam và HTX Đoàn Kết, bao tiêu được hơn 1.000 tấn thóc tươi cho nông dân. Xây dựng được 2 nhãn hiệu tập thể gồm: “Gạo Japonica hữu cơ Nam Phương Tiến” và “Gạo Japonica Mỹ Thành”.

Kết nối được với 5 doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm gồm: Công ty CP Thương Mại và Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam, Công ty CP Bảo Minh, Công ty TNHH Stevision Việt Nam, HTX Đoàn kết và Công ty CP Giống, vật tư Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam. Những doanh nghiệp này đã tiêu thụ được 40 - 50% sản lượng lúa tươi tại các điểm sản xuất Japonica, tạo niềm tin cho cán bộ, nông dân ở các địa phương tham gia vào kế hoạch này. Đặc biệt, năm 2020 Công ty CP Thương Mại và Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam đã ký kết thành công hợp đồng xuất khẩu gạo hữu cơ sang thị trường Đức.

Một hạn chế của gạo chất lượng cao là xuống phẩm cấp rất nhanh nếu phơi sấy, bảo quản không đúng phương pháp. Bởi vậy Hà Nội đã tiến hành thí nghiệm bảo quản thóc an toàn theo hướng IPM trong kho bằng màng PVC phủ kín và xông hơi ức chế côn trùng gây hại bằng chế phẩm thảo mộc, quy mô 3000kg/mô hình. Bảo quản gạo sử dụng phương pháp dùng bao bì điều biến, quy mô 2000kg/mô hình. Kết quả bảo quản thóc không quá 180 ngày và bảo quản gạo không quá 120 ngày vẫn đảm bảo chất lượng thóc, gạo Japonica thương phẩm, duy trì được hàm lượng protein, gluxit và amyloza, giữ mùi thơm đặc trưng của gạo.

Tổng sản lượng lúa Japonica trong kế hoạch của Hà Nội đạt 15.539 tấn gồm 14.293 tấn lúa chất lượng an toàn, tiêu chuẩn Việt Nam, 1.246 tấn lúa hữu cơ và chuyển đổi hữu cơ. Để đảm bảo chất lượng, Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tư vấn, cấp giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ và giám sát quá trình sản xuất, ghi chép nhật ký.

Mô hình lúa chất lượng sản xuất theo hướng hữu cơ. Ảnh: Tư liệu.

Mô hình lúa chất lượng sản xuất theo hướng hữu cơ. Ảnh: Tư liệu.

Dư địa lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ

Sau 2 năm triển khai Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica, lúa chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu, mặc dù nguồn kinh phí được cấp thấp hơn so với phê duyệt nhưng nội dung vẫn được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Cụ thể, giá trị bình quân đạt gần 61,7 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất lúa chất lượng Bắc thơm số 7 là 15 triệu đồng/ha, tổng hiệu quả kinh tế của sản xuất 2.641 ha lúa Japonica đạt 80.550 triệu đồng.

Hiệu quả về môi trường là giúp nâng cao được nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nông dân về sử dụng đất, nước, giảm dùng phân bón hóa học, hoá chất, bảo tồn nguồn thiên địch, cân bằng hệ sinh thái. Quan trọng nhất là sự lan tỏa của kế hoạch, diện tích lúa Japonica của TP đã tăng gấp 2,55 lần (năm 2018 là 3.651 ha, đến năm 2020 là 9.310 ha) mà tiêu biểu như năm 2018 huyện Ứng Hòa có 2.282 ha, huyện Mỹ Đức có 179 ha, huyện Chương Mỹ có 52,6ha Japonica thì đến năm 2020 huyện Ứng Hòa có 4.009 ha, huyện Mỹ Đức có 861 ha, huyện Chương Mỹ có 1.454 ha…

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, ông Tạ Văn Tường đang kiểm tra gạo J02. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, ông Tạ Văn Tường đang kiểm tra gạo J02. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kế hoạch sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 sẽ gồm các nội dung: Đào tạo, tập huấn được 20.580 cán bộ, nông dân; Duy trì và phát triển 200 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hoá theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu với quy mô 11.000 ha, gia tăng giá trị 15 - 17 triệu đồng/ha/năm so với lúa thường; Tạo ra thêm 3-5 vùng sản xuất lúa thảo dược; Chuyển đổi mô hình 2 vụ lúa kém hiệu quả sang lúa – cá; Phát triển công nghệ sau thu hoạch; Hình thành 3-5 chuỗi liên kết nội địa và xuất khẩu; Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước...

Kết quả phát triển sản xuất lúa Japonica nói riêng và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu nói chung đã góp phần đưa cơ cấu giống lúa chất lượng cao của Hà Nội năm 2020 đạt 54,7%, năm 2021 đạt 60,9%. Cơ hội là rất nhiều, tuy nhiên thách thức cũng không ít bởi theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội mặc dù TP đã mời 5 doanh nghiệp vào để kết nối, tiêu thụ sản phẩm tuy nhiên việc đảm bảo chất lượng, sản lượng theo hợp đồng đã ký kết là cả một câu chuyện dài. Vừa rồi các doanh nghiệp này chỉ thu mua được một sản lượng 200-300 tấn, còn lại phần lớn bà con ở các địa phương tự phá vỡ hợp đồng, không bán nữa.

Bên cạnh công tác phát triển sản xuất, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội còn chú trọng đến việc xây dựng nhãn hiệu tập thể gạo chất lượng cao cho các địa phương. Từ năm 2020 - 2021, đơn vị đã phối hợp xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể gạo Japonica và gạo chất lượng cao cho 3 xã thuộc 3 huyện là “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến – Chương Mỹ”, “Gạo Japonica Mỹ Thành – Mỹ Đức” và “Gạo chất lượng cao Bình Minh – Thanh Oai”.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hàng trăm ha lúa có nguy cơ thiệt hại hoàn toàn do hạn mặn

SÓC TRĂNG Xâm nhập mặn thời gian qua khiến hàng trăm ha lúa hè thu 2024 đã xuống giống ở xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) không có nước tưới, nguy cơ thiệt hại hoàn toàn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.